Đẩy mạnh sản xuất, tạo tiềm lực chi viện cho tiền tuyến

Một phần của tài liệu Vai trò của người phụ nữ Tỉnh Phú Thọ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) (Trang 60 - 68)

6. Bố cục khóa luận

2.2.2.1.Đẩy mạnh sản xuất, tạo tiềm lực chi viện cho tiền tuyến

tuyến

Qua 5 năm kháng chiến cho thấy hậu phương chính là “đất đứng chân”

và tiềm lực để kháng chiến lâu dài. Muốn đứng vững trước mọi thử thách thì nhiệm vụ thường xuyên là phải chăm lo xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện. Từ kinh nghiệm quý báu và thực tiễn qua 5 năm kháng chiến, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo củng cố lại hệ thống chính trị và triển khai các biện pháp lãnh đạo khôi phục kinh tế. Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu lúc này là phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất bảo đảm lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu của tiền tuyến.

Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng”, chị em phụ nữ các địa phương, đơn vị đều đảm nhiệm nhiều việc khi hầu hết lực lượng lao động là nam giới trẻ, khỏe được huy động tham gia vào lực lượng vũ trang chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. “Năm 1951, toàn tỉnh có 6.031 người nhập ngũ, 103.127 người tham gia lực lượng vũ trang địa phương, tỉnh còn thành lập thêm 2 đại đội bộ đội địa phương ở Thanh Sơn và Thanh Thủy, bổ sung 1 đại đội cho tỉnh Sơn La. Số anh em dân quân, du kích thường xuyên luyện tập quân sự, tuần tra canh gác, sửa chữa cầu đường giao thông, vận chuyển và đáp ứng các yêu cầu của mặt trận” [2, tr.74]. Vì vậy, lực lượng chủ yếu để khôi phục kinh tế, củng cố, xây dựng hậu phương là phụ nữ.

Nhận thức sâu sắc vai trò của phụ nữ trong cuộc kháng chiến trường kỳ này, Trung ương Đảng và Chính phủ đã có một chính sách mới đối với nông dân, nông thôn như thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức, tạm cấp ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ vắng mặt cho nông dân nghèo nhằm làm ra nhiều lương thực, thực phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu kháng chiến. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa II) họp tháng 1 – 1953 đã chỉ rõ: “Phát động quần chúng nông dân triệt để giảm tô, giảm tức, chia lại công điền, chia hẳn ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cho nông dân; vận động chị em tham gia tích cực phong trào đổi công, vần công, tu bổ các công trình thủy lợi, khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích gieo trồng, đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển nghề thủ công…” [3, tr. 99].

Năm 1951, toàn tỉnh có 3.025 hộ nông dân được nhận thêm gần 5.000 mẫu ruộng đất từ các đồn điền: đồn điền Man đăng (Đoan Hùng), Tờranh bua, Lê Thuận Khoát (Hạ Hòa), Trịnh Xuân Nghĩa (Phù Ninh)…

Để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp phát triển, công tác thủy nông, bảo vệ đê điều, khai hoang phục hóa, tăng diện tích gieo trồng cây lương thực

được quan tâm. Năm 1951, Hội phụ nữ, Hội nông dân, đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương huy động lực lượng làm được hàng chục công trình thủy lợi, trong đó có một số công trình trọng điểm như: đầm Chính Công, ngòi Lang Sơn, ngòi Vụ Cầu (Hạ Hòa), ngòi Hùng Việt (Lâm Thao), tu bổ những tuyến đê chính ở Lâm Thao, Hạc Trì, Cẩm Khê; Hội phụ nữ còn phát động phong trào thi đua theo lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị thi đua toàn quốc ngày 1 – 5 – 1952: “Thi đua là yêu nước một cách thiết thực và tích cực”; phổ biến rộng rãi kinh nghiệm sản xuất của các anh hùng, chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc như: Hoàng Ngọc Nga, Hoàng Hanh, Trịnh Xuân Bái…

Với các biện pháp tích cực trên và phấn khởi vì có thêm ruộng đất nên mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn như hạn hán, sâu bọ, địch tăng cường đánh phá, bắn giết trâu bò… nhưng chị em vẫn kiên trì bám ruộng, bám đồng, tập trung sức chống hạn, đào đắp mương, gánh nước tưới mạ, bảo vệ đê điều, diệt trừ sâu bọ; tổ chức sản xuất ban đêm để tránh máy bay địch; áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất mới như gieo mạ thưa, chọn giống tốt, cày sâu bừa kỹ, cấy nhỏ rảnh, làm cỏ, bón phân 2 – 3 lượt; khai hoang phục hóa được hàng chục ngàn mẫu đất đưa vào gieo cấy… “đưa diện tích cấy lúa hai vụ toàn tỉnh năm 1951 lên 55.510 ha, tăng 1.500 ha; thu hoạch được 86.850 tấn thóc, tăng 10% so với năm 1950; năm 1952, sản lượng lúa tăng 5%, có nơi tăng từ 15 đến 25% như ở Cao Xá, Xuân Huy (Lâm Thao)” [3, tr. 94]. Bên cạnh cây lúa, chị em tích cực sản xuất đưa sản lượng các loại hoa màu như ngô, khoai, sắn tăng cao, có nơi tăng tới 50% như xã Ngô Quyền, Liên Hiệp (Thanh Ba).

Đi đôi với trồng trọt, phụ nữ Phú Thọ còn tích cực đẩy mạnh phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng nguồn thực phẩm vừa góp phần cải thiện đời sống, vừa cung cấp cho chiến trường. Năm 1952, đàn trâu bò của

tỉnh tăng 20%, đàn lợn tăng 40%, đàn gà vịt tăng từ 100 đến 150% so với năm 1951.

Để tăng cường sức mạnh của hậu phương, từ đầu năm 1953, Phú Thọ đã thực hiện thí điểm phát động quần chúng thực hiện triệt để giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cho nông dân; cuối năm 1953 đã tiến hành cải cách ruộng đất, xóa bỏ ách thống trị, bóc lột của giai cấp địa chủ, đem lại ruộng đất cho nông dân ở một số nơi có điều kiện. Chủ trương đó được quân và dân trong tỉnh nhiệt liệt hoan nghênh. Kết quả làm thử ở địa phương đã thổi luồng gió mạnh ra tiền tuyến. Tại địa phương chị em phụ nữ hăng hái sản xuất, tiết kiệm, năm 1953, tổng sản lượng lương thực vượt năng suất 16%. Phấn khởi trước thắng lợi lớn trên mặt trận nông nghiệp, Phú Thọ đã hoàn thành vượt mức thuế cho Nhà nước nhanh gọn nhất trong Liên khu Việt Bắc.

Trước yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra một số chủ trương nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân và dân ta lên một bước mới. Để động viên chị em phát huy truyền thống cách mạng, trong thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày quốc tế phụ nữ 8 – 3 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng… Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em giúp thương binh đã hòa lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành một mối thương yêu không bờ bến mà giúp đỡ chiến sĩ và chăm sóc thương binh như con em ruột thịt của mình… Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” [31, tr.432].

Ngày 17 – 3 – 1952, chính phủ phát động phong trào toàn dân thi đua sản xuất tiết kiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là bồi dưỡng và tích trữ lực lượng dồi dào để kháng chiến

lâu dài, để chuẩn bị đầy đủ chuyển sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi” [31, tr.342].

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 25 – 3 – 1952, Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị đại biểu với sự tham dự của 200 đại biểu là cán bộ phụ nữ các huyện, phổ biến thư và lời khen ngợi của Người, hướng dẫn nội dung, phương pháp tiến hành “Đặt chương trình sản xuất, tiết kiệm gia đình” cho các gia đình hội viên phụ nữ.

Bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, Tỉnh hội phụ nữ đã đề ra các biện pháp thực hiện với các nội dung và hình thức phù hợp như: Đoàn kết và thống nhất các lực lượng phụ nữ trong mặt trận Liên hiệp phụ nữ; huy động mọi khả năng của phụ nữ tham gia công tác kháng chiến và kiến quốc; đấu tranh để giải phóng phụ nữ về mọi mặt; đồng thời nêu lên hai phương châm công tác vận động phụ nữ là: “Đề cao hoạt động của phụ nữ trong mọi ngành công tác và lấy thực tế trong công tác, lao động sản xuất để giáo dục phụ nữ”

[2, tr.80].

Do có những chủ trương và biện pháp sát hợp với thực tế cuộc sống và chiến đấu nên được đông đảo chị em đồng tình ủng hộ. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng được đông đảo chị em tham gia, nhất là sau khi Chính phủ phát hành tiền ngân hàng mới thay cho tiền tài chính cũ (năm 1951). Các mặt hàng thủ công của tỉnh thời kỳ này chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân, một phần phục vụ nhu cầu quốc phòng. Đến năm 1953, toàn tỉnh có hàng ngàn cơ sở sản xuất lớn nhỏ được phục hồi và phát triển như đan lát, làm nón, nấu mật, chế biến lương thực, thực phẩm, nghề rèn sản xuất nông cụ. Riêng nghề dệt và nghề làm giấy đạt kết quả cao, “… nghề này duy trì hoạt động của 1.064 khung cửi, mỗi năm dệt 100.000 m vải màn, 48.000 m vải diềm bâu bán cho nhà nước” [2, tr.80], “… Giấy đã có 113 cơ sở sản xuất, mỗi năm

làm ra được 110 – 120 tấn sản phẩm, vừa đảm bảo nhu cầu cho 7 nhà in (kể cả các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn), cung cấp một phần cho các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc và Liên khu III” [3, tr.96]. Nghề chế biến chè cũng có trên 30 cơ sở, mỗi năm đạt khoảng 2.000 tấn chè khô. Đây là mặt hàng chính được dùng để đổi lấy một số mặt hàng thiết yếu trong vùng địch chiếm đóng như muối, dầu hỏa…

Nhằm bồi dưỡng sức dân và động viên lực lượng kháng chiến, tỉnh tiếp tục vận động nông dân thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức; thành lập Hội đồng giảm tô tỉnh và huyện, trong đó có đại diện của Hội phụ nữ; ở các xã thành lập Ban giảm tô. Qua nghiên cứu xem xét, Hội đồng giảm tô và Ban giảm tô các cấp đã tịch thu 143.000 mẫu ruộng, 334 mẫu đất, 7.914 kg thóc và hơn 2 triệu đồng tiền Đông Dương của đồn điền Pháp và Việt gian vắng mặt chia cho nông dân nghèo, một phần nhập kho Nhà nước và góp vào Quỹ nghĩa thương, góp phần cải thiện đời sống cho người lao động, kích thích sản xuất, làm ảnh hưởng chính trị và uy tín của chính quyền cách mạng ngày càng sâu rộng trong nhân dân. Đến cuối năm 1953, đợt 2 phát động quần chúng triệt để giảm tô kết thúc và giành thắng lợi lớn. Sau hai đợt phát động quần chúng năm 1953, chị em phụ nữ cùng các tầng lớp nhân dân khác đã đấu tranh buộc 66 địa chủ phải thoái 635 tấn thóc tô cho 6.000 gia đình nông dân. Sang năm 1954, công tác phát động quần chúng được đẩy mạnh. Phát huy kết quả đạt được, tỉnh Hội phụ nữ kết hợp với Hội nông dân tỉnh tiếp tục phát động nông dân thực hiện giảm tô đợt 3, 4 ở 109 xã thuộc 9 huyện còn lại (trong đó có 24 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số của 2 huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy). Những hoạt động tích cực trên đã đem lại kết quả tốt: “Các tổ công tác đã đấu tranh buộc các địa chủ phải trả lại cho nông dân 1.723 tấn thóc tô, chia cho 20.335 hộ nông dân với 80.707 nhân khẩu” [6, tr.32].

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tiền tuyến, đồng thời đảm bảo mức đóng góp công bằng trong nhân dân, ngày 15 – 7 – 1951, chính phủ ban hành sắc lệnh 40/SL về việc thực hiện Điều lệ tạm thời thu thuế nông nghiệp, thay thế cho thuế điền thổ, thuế lũy tiến và mọi thứ thuế đóng góp khác trước đây của nông dân như “Quỹ công lương”, “Tạm vay”, “Công trái quốc trái”.

Thuế nông nghiệp được đặt ra phù hợp với khả năng đóng góp của nông dân ở từng vùng, vừa khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời thống nhất mọi thứ thuế trong toàn quốc, làm cho việc đóng góp của nông dân đơn giản, dễ dàng hơn. Đây là cơ sở pháp lý để chính quyền các cấp huy động được nông dân nhất là những người có nhiều ruộng đất đóng góp nhiều hơn cho kháng chiến và góp phần từng bước thực hiện sự công bằng trong nông thôn.

Nhờ những chính sách chặt chẽ, hợp lòng dân, ngay vụ đầu tiên thực hiện chính sách thu thuế nông nghiệp bằng thóc, nông dân Phú Thọ đã đóng góp được 19.910 tấn, đạt 82% mức ấn định, là một trong những tỉnh sớm hoàn thành chỉ tiêu mà Trung ương và Liên khu Việt Bắc giao, được Chính phủ khen ngợi. Sang năm 1952, sản xuất nông nghiệp không thuận lợi, vụ chiêm bị khô hạn nặng, vụ mùa lại bị úng, lụt nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cũng như sản lượng lương thực. Tuy vậy, ngoài hoàn thành mức thuế tồn đọng của năm trước, nông dân trong tỉnh vẫn nhập kho nhà nước được 80% kế hoạch trên giao. Có được những kết quả đó, nhiều chị em phụ nữ đã gương mẫu đi đầu trong đóng thuế, đồng thời các chị cũng tích cực vận động người thân trong gia đình, bạn bè tham gia nghĩa vụ với Nhà nước. Sang năm 1953, Phú Thọ nhập kho nhà nước 21.345 tấn thóc – là tỉnh đứng đầu Liên khu Việt Bắc về hoàn thành sớm mức thuế nông nghiệp Trung ương giao.

Trong hoàn cảnh kháng chiến, mặc dù bận rất nhiều công việc (tăng gia sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu…), song phụ nữ Phú Thọ vẫn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa – xã hội như phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, phong trào Bình dân học vụ, phong trào văn nghệ quần chúng… góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần người dân. Nhiều tập tục lạc hậu của chế độ thực dân phong kiến bị xóa bỏ; hình thành một nền văn hóa mới, mang đậm bản sắc dân tộc. Mỗi năm, có hàng vạn phụ nữ được xóa mù chữ, hàng vạn con em được đến trường. Năm học 1950 – 1951, toàn tỉnh có 115 trường học với 269 giáo viên, trong đó có gần 50% là nữ, với 13.207 học sinh. Đến năm học 1952 – 1953, tăng lên 157 trường học với 346 giáo viên và 20.902 học sinh các cấp… góp phần đào tạo cho cách mạng một lớp người có tri thức, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Phong trào ăn, ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh cũng động viên được đông đảo chị em phụ nữ tham gia, đạt kết quả khá. Nhiều bụi rậm được phát quang, đường làng, ngõ xóm được sửa sang sạch sẽ, cống rãnh khơi thông… Đặc biệt, việc sử dụng nước giếng khơi thay cho nước sông, suối đã trở thành thói quen tốt của nhiều gia đình. Một số dịch bệnh trước đây thường xảy ra như ghẻ, lở, chấy, rận, đau mắt hột, tả lị, thương hàn… đã được hạn chế nhiều.

Thời kỳ này, phụ nữ tỉnh Phú Thọ còn tích cực tham gia xây dựng, củng cố chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương về việc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, năm 1949 và năm 1952, trên 95% cử tri Phú Thọ đã tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh và xã khóa II, nhiệm kỳ 1949 – 1952 và khóa III nhiệm kỳ 1952 – 1959. Mỗi kỳ bầu cử, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu luôn đạt cao từ 92 – 95%. Trong số đại biểu được bầu vào Hội đồng nhân dân, Ủy ban kháng chiến hành chính các cấp, thành phần là phụ nữ chiếm tỉ lệ khá cao.

Như vậy, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực hết mình, các tầng lớp phụ nữ Phú Thọ thời kỳ này đã giành được những thành quả đáng ghi nhận, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã thay đổi theo chiều hướng tích cực; văn hóa xã hội phát triển, tệ nạn xã hội, phong tục lạc hậu được đẩy lùi. Đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, phát triển kinh tế. Do điều kiện chiến tranh lực lượng trai tráng khỏe mạnh phải ra chiến trận, ở hậu phương các chị phát huy tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó của giới mình đã tích

Một phần của tài liệu Vai trò của người phụ nữ Tỉnh Phú Thọ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) (Trang 60 - 68)