Trong công tác xây dựng hậu phương

Một phần của tài liệu Vai trò của người phụ nữ Tỉnh Phú Thọ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) (Trang 44 - 48)

6. Bố cục khóa luận

2.1.2.1.Trong công tác xây dựng hậu phương

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Đảng, từ đầu năm 1947, toàn tỉnh Phú Thọ đã chuyển hướng mọi hoạt động sang thời kỳ chiến tranh. Phát huy nét đẹp trong truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta, phụ nữ Phú Thọ không ngừng lao động sản xuất, xây dựng hậu phương góp phần đưa Phú Thọ trở thành

“kho người, kho của” cho kháng chiến.

Tại các huyện, xã vùng tự do và vùng giáp ranh (huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Thị xã Phú Thọ…), các cấp Hội phụ nữ đã động viên và tổ chức cho chị em vừa tham gia chiến tranh du kích sau lưng địch, vừa chủ động đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm tiêu dùng để góp phần củng cố, xây dựng hậu phương thành nơi cung cấp sức người, sức của, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiền tuyến. “Trong năm 1949, phụ nữ Phú Thọ đã khai hoang, vỡ rậm cấy thêm được 174,4 mẫu lúa, 2 mẫu bông, chăn nuôi thêm được trên 1,1 vạn con gà, vịt , bò, sửa chữa tu bổ 1.013 km đường dân sinh, làm vệ sinh

hàng trăm giếng nước ăn và nhiều công trình vệ sinh khác…” [2, tr.70]. Để giúp nhau trong quá trình sản xuất, một số chị em phụ nữ đã tham gia một

hình thức hợp tác lao động mới là “tổ đổi công”, “hợp tác xã nông nghiệp”. Hàng trăm chị em phụ nữ tỉnh Phú Thọ cùng nhân dân trong tỉnh tiến hành đào đắp các công trình thủy lợi, cơ bản đảm bảo đủ nước cày cấy và tiêu lũ nhanh, trong đó có một số công trình trọng điểm như ngòi Dân Chủ, ngòi Chi Lăng, ngòi Lửa (Hạ Hòa), ngòi Diên Hồng (Lâm Thao)… Nhờ những việc làm thiết thực đó nên đã thu được kết quả lớn: “Năm 1950 toàn tỉnh gieo trồng được 38.100 ha lúa mùa, 25.500 ha lúa chiêm; 9.753 ha hoa màu, thu được 79.630 tấn thóc, 9.650 tấn sắn, 3.200 tấn khoai, 9.400 tấn ngô, 750 tấn

đỗ. So với năm 1949, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh tăng 30%, vượt 12% so với kế hoạch của Bộ Canh nông; không chỉ đảm bảo đời sống nhân dân trong tỉnh, mà còn đủ lương thực cung cấp cho hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào từ các nơi tản cư đến”[3, tr.73]. Có được những thành tích đó, lực lượng phụ nữ Phú Thọ luôn đóng vai trò nòng cốt.

Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm được khuyến khích phát triển. Ngoài việc hướng dẫn phụ nữ cách phòng dịch, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm… ngành tín dụng còn cho phụ nữ một số địa phương vay tiền mua trâu, bò, nông cụ, cây và con giống, góp phần tăng đàn trâu bò của tỉnh mỗi năm lên hàng ngàn con; đàn lợn, đàn gia cầm cũng tăng thêm hàng vạn con, vừa lấy sức kéo cho đồng ruộng, vừa cung cấp cho chiến trường.

Đối với sản xuất thủ công nghiệp, Phú Thọ vốn có nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó có một số mặt hàng đạt trình độ cao, được khách hàng ưa dùng. Nhưng khi chiến tranh bùng nổ, phần lớn các hoạt động sản xuất ở các làng nghề bị đình đốn, công cụ sản xuất bị hư hỏng… Trước tình hình đó, để giúp chị em phục hồi nghề truyền thống, phát triển thêm một số nghề mới, vừa tăng hàng tiêu dùng phục vụ sản xuất, đời sống và phục vụ kháng chiến, tỉnh chủ trương khuyến khích phụ nữ có nghề trở lại sản xuất. Vì vậy sản xuất thủ công nghiệp của tỉnh những năm 1949- 1950 đã có sự chuyển biến rõ rệt.

“Một số nghề cũ được phục hồi như: nghề dệt vải ở các xã Việt Tiến, Việt Cường, Việt Hùng (nay là các xã Tứ Xã, Sơn Dương, Sơn Vi của huyện Lâm Thao); nghề dệt lụa ở Thanh Thủy; dệt khăn vải và vải khổ rộng ở Hạ Hòa; ngoài ra còn có các nghề chế biến nước mắm, tương, làm bánh, làm đậu, thủ công mỹ nghệ, làm nón lá…” [3, tr.75]. “Nghề làm giấy dó rất phát đạt. Nhiều xưởng giấy thủ công tập trung ở hai huyện Thanh Ba và Hạ Hòa. Nghề dệt vải vuông có tới 5.000 thợ thủ công là nữ hàng tháng sản xuất 8.250 tấn vải. Nghề làm chè có nhiều triển vọng. Tính riêng sản lượng chè khô ở hai

huyện Thanh Ba và Hạ Hòa, trong năm 1948 đã thu tới 2.000 tấn…”

[43, tr.92].

Song song với việc đẩy mạnh sản xuất, xây dựng quê hương, phục vụ kháng chiến, phụ nữ Phú Thọ còn tích cực tham gia giúp đỡ đồng bào tản cư. Là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về quân sự và chính trị, cửa ngõ của Việt Bắc, Tây Bắc nên trong Hội nghị Quân sự toàn quốc của Đảng (10 – 1946), Bộ Chính trị đã quyết định chọn Phú Thọ làm căn cứ cho một số cơ quan của Trung ương Đảng, Chính Phủ và đồng bào các tỉnh vùng tạm bị chiếm sơ tán đến.

Đây là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề trong điều kiện mới giành chính quyền chưa được bao lâu, tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền các cấp mới được củng cố, đời sống nhân dân còn thiếu thốn về nhiều mặt.

Song với ý thức trách nhiệm cao, cấp ủy, chính quyền tỉnh tập trung củng cố địa phương về mọi mặt, vừa ổn định trật tự xã hội, vừa đón tiếp, bảo vệ an toàn và bảo đảm cung ứng lương thực đủ cho đồng bào tản cư.

Thực hiện chỉ thị của cấp trên, tại các vùng tự do, Hội phụ nữ đã tổ chức cho hội viên tham gia đón tiếp hơn 10.000 người và hàng chục cơ quan, trường học từ nhiều vùng địch tạm chiếm, chiến sự ác liệt, tản cư đến. Đi đôi với việc phối hợp cùng các ngành, các giới động viên chị em giúp đỡ bà con tản cư bằng nhiều việc làm thiết thực như cho mượn hàng trăm hecta ruộng đất lập trang trại tăng gia sản xuất, ủng hộ nguyên vật liệu, ngày công làm nhà cửa, ủng hộ lương thực, thực phẩm, giúp đồng bào nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Cũng trong thời gian này, phụ nữ Phú Thọ cùng nhân dân trong tỉnh còn tham gia đón tiếp, vận chuyển máy móc, kho tàng, tài liệu… cho nhiều cơ quan của Trung ương đến tản cư như: Cơ quan Bộ Quốc phòng, Quân y Viện đóng ở Võ Lao, Đại Đồng, Ngọn Ngòi (Thanh Ba), Yên Kiện (Đoan Hùng),

cơ quan Khu X đóng ở vùng Đại Phạm, Hà Lương, Y Sơn (Hạ Hòa); Trại an dưỡng thương binh đóng ở Đào Giã, Trường Đại học Y khoa đóng ở Trung Giáp (Phù Ninh); Bộ Giáo dục, Trường Trung học kháng chiến đóng ở Đông Lĩnh (Thanh Ba); các đoàn văn nghệ sĩ đóng ở Ấm Thượng, Xuân Áng (Hạ Hòa),…

Đồng thời với nhiệm vụ phát triển sản xuất, giúp đỡ bà con tản cư, phụ nữ Phú Thọ còn tích cực tham gia các hoạt động phát triển văn hóa xã hội. Mặc dù do điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng chị em vẫn hăng say tham gia các lớp bình dân học vụ, ban ngày miệt mài tham gia sản xuất luyện tập quân sự, đến trưa, tối lại hăng hái đến các lớp bình dân. Kết quả, “…đến hết năm 1949, toàn tỉnh có 25.258 chị em thoát nạn mù chữ và 7.937 chị em đang tiếp tục theo học ở các lớp bình dân học vụ buổi trưa và buổi tối”

[7, tr.63]. “Năm 1950, các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Lâm Thao đã thanh toán xong nạn mù chữ cho phụ nữ, các huyện khác số chị em biết đọc, biết viết đã tăng lên đáng kể” [6,tr.188].

Được sự giúp đỡ của nhân dân về cơ sở vật chất, các trường trung học, tiểu học trong tỉnh mở ra ngày càng nhiều, kể cả trường tư thục, “năm học 1949 - 1950, toàn tỉnh có 286 lớp với 287 giáo viên, trong đó có 46 giáo viên nữ và 9.735 học sinh. Riêng bậc phổ thông trung học đã có 5 trường (Hùng Vương, Minh Đức, Xuân Huy, Chí Chủ, Dân Chủ) với hàng chục ngàn học sinh” [6, tr.189].

Công tác giáo dục được các cấp ủy chăm lo chu đáo, không chỉ được đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực mà tỉnh còn cấp học bổng cho học sinh nghèo. “Trong 6 tháng đầu năm 1950, tỉnh cấp 24.000 đồng học bổng cho 86 học sinh, trong đó có rất nhiều học sinh là chị em phụ nữ” [43, tr.95].

Ngành y tế bước đầu xây dựng được 11 phòng phát thuốc cho nhân dân, 6 phòng phát thuốc và điều trị cho dân quân du kích. Ở các xã cũng đã có 33 trạm phát thuốc và cứu thương. Ngoài ra tỉnh còn xây dựng được 10 nhà hộ sinh cấp tỉnh, huyện và 5 trạm hộ sinh cấp xã. Trong ngành y tế, lực lượng phụ nữ tham gia đông đảo, có rất nhiều chị đã tham gia các lớp y tá, y sỹ để phục vụ đời sống sức khỏe nhân dân, nhiều chị đã trở thành những điển hình, tấm gương tiêu biểu của ngành y tế.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, Chính quyền mà công cuộc xây dựng hậu phương Phú Thọ đạt được những thành tích xuất sắc. Cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, phụ nữ tỉnh Phú Thọ luôn tỏ ra là một lực lượng hùng hậu, dồi dào sức cống hiến, góp phần tích cực quan trọng vào công cuộc xây dựng Phú Thọ trở thành “kho người, kho của” của kháng chiến, thể hiện vai trò to lớn của chị em trong mặt trận quan trọng này. Trên cơ sở đó tạo tiền đề, cơ sở cho quân và dân Phú Thọ tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến giai đoạn này.

Một phần của tài liệu Vai trò của người phụ nữ Tỉnh Phú Thọ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) (Trang 44 - 48)