Phú Thọ trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến

Một phần của tài liệu Vai trò của người phụ nữ Tỉnh Phú Thọ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) (Trang 41 - 44)

6. Bố cục khóa luận

2.1.1.Phú Thọ trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến

Thực hiện âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, Chính phủ Pháp

trắng trợn vi phạm Hiệp định Sơ bộ (6 – 3 – 1946) và Tạm ước (14 – 9 – 1946).

Sau nhiều lần nhân nhượng, hòa hoãn với thực dân Pháp nhằm cứu vãn hòa bình, tranh thủ thời gian củng cố lực lượng, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, nhưng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là phải đứng lên cầm vũ khí chống giặc để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Vào 20 giờ, ngày 19 – 12 – 1946, mệnh lệnh chiến đấu của Thường vụ Trung ương Đảng được phát qua Đài tiếng nói Việt Nam. Cuộc kháng chiến toàn quốc chính thức bắt đầu. Đêm ngày 19 – 12, tiếng súng tấn công quân xâm lược đồng loạt nổ ra ở khắp các thành phố, thị xã, nơi có quân Pháp chiếm đóng.

Đêm ngày 19 – 12 – 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Ngày 22 – 12 – 1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”, nêu rõ chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng ta là toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh.

Trong thời gian này, tỉnh Phú Thọ có những diễn biến mới tác động đến công cuộc kháng Pháp. Kể từ cuối năm 1946, nhân dân Phú Thọ được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng bộ tỉnh nên tình hình mọi mặt trong tỉnh có

những chuyển biến tích cực. Sản xuất được phục hồi. Chính quyền cách mạng bắt đầu chia ruộng đất cho dân nghèo cày cấy, công tác thủy lợi, khuyến nông được quan tâm. Thực hiện triệt để khẩu hiệu: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!” và khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng” đã đem lại hiệu quả tích cực “tính từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1946, toàn tỉnh thu hoạch được trên 100.000 tấn lương thực quy ra thóc, giúp dân vượt qua nạn đói, duy trì sức lao động, bảo đảm sản xuất vụ chiêm năm 1946”[2, tr.50].

Đời sống văn hóa, chính trị của người dân được nâng cao, nhiều người biết đọc, biết viết do đó chủ trương, chính sách của Đảng được bà con nắm bắt nhanh. Đến tháng 12 – 1946, toàn tỉnh có 90 ngàn hội viên Mặt trận Việt Minh, riêng phụ nữ chiếm 40 ngàn người.

Kể từ khi Đảng bộ tỉnh được thành lập vào năm 1940 đến năm 1946 Đảng bộ tỉnh Phú Thọ phát triển không ngừng. Tháng 1 – 1947, Ban chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ nhất tại xã Cát Trù, huyện Cẩm Khê. Về dự Đại hội có 36 đại biểu thay mặt cho gần 300 Đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội đề ra phương hướng xây dựng Đảng lúc này là “Tích cực củng cố và phát triển Đảng, làm cho Đảng mang tính chất quần chúng mạnh mẽ, có cơ sở vững chắc ở các địa phương làm trọng yếu; phát triển đi đôi với củng cố, tích cực xây dựng chi bộ làm cho các chi bộ có đủ khả năng lãnh đạo mọi hoạt động ở địa phương” [6, tr.171].

Trong thời kỳ này các tổ chức đoàn thể, quần chúng không ngừng phát triển: Đoàn phụ nữ cứu quốc, nông dân cứu quốc, phụ lão cứu quốc, thanh niên cứu quốc… tạo điều kiện quan trọng trong công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh.

Tuy nhiên bên cạnh những thuân lợi trên, thời kỳ này Phú Thọ cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước trở thành mục tiêu đánh phá, bình định của giặc Pháp.

Phú Thọ nằm trên vùng được coi là cửa ngõ của chiến khu Việt Bắc, có mạch máu giao thông thủy – bộ quan trọng, là “kho người, kho của” cung ứng cho kháng chiến, vì vậy, các huyện phía tây nam của tỉnh Phú Thọ trở thành mục tiêu bình định của địch. Chúng chiếm đóng Việt Trì, lập phòng tuyến sông Đà nhằm khống chế, cắt đứt giao thông tiếp tế của ta giữa Tây Bắc với trung du và đồng bằng Bắc Bộ… Đó là một khó khăn lớn không chỉ cho riêng tỉnh Phú Thọ mà còn là khó khăn cho cả cuộc kháng chiến của dân tộc ta.

Trước tình hình đó, tại Đại hội đại biểu lần thứ I của Ban chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh đã diễn ra vào đầu tháng 1 – 1947. Đại hội đã kiểm điểm tình hình công tác sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền và đề ra phương hướng nhiệm vụ của tỉnh trong hoàn cảnh mới, bàn công tác bảo vệ địa phương; chuyển mọi hoạt động của tỉnh cho phù hợp với tình hình thời chiến; tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang; tăng cường công tác bố phòng; lập kế hoạch tản cư; đón đồng bào di cư… Riêng đối với công tác phụ nữ, thực hiện nghị quyết Hội nghị phụ nữ toàn quốc (họp tháng 10 – 1947) và sự chỉ đạo của Ban chấp hành trung ương lâm thời Hội phụ nữ cứu quốc, cuối năm 1947, tỉnh ủy Phú Thọ đã kiện toàn lại Ban chấp hành Đoàn phụ nữ cứu quốc, đồng thời tăng cường lãnh đạo về mọi mặt, nhằm thu hút về đối tượng, mọi tầng lớp phụ nữ tham gia vào tổ chức. Do đó, phong trào phụ nữ ở Phú Thọ có sự chuyển biến rõ nét, nhất là những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng hậu phương, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến đang đến gần.

Một phần của tài liệu Vai trò của người phụ nữ Tỉnh Phú Thọ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) (Trang 41 - 44)