6. Bố cục khóa luận
1.2.3. Phụ nữ Phú Thọ tham gia bảo vệ, củng cố chính quyền
mạng (9 – 1945 đến 12 – 1946)
Cách mạng tháng Tám thành công mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập tự do của dân tộc và chế độ dân chủ cộng hòa. Nhưng bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta phải đối mặt với những khó khăn thử thách lớn. Hậu quả chính sách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật để lại nặng nề: nạn đói hoành hành, trên 90% dân số mù chữ, tài chính trống rỗng, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn… trong khi đó thù trong giặc ngoài đe dọa. Tình thế đất nước lúc này như “nghìn cân treo sợi tóc”.
Đứng trước thử thách gay go, phức tạp ấy, Trung ương Đảng và chủ
tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” ngày 25 – 11 – 1945, với chiến lược, sách lược là “củng cố chính quyền, chống
thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”
[32, tr.12]. Nội dung này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành ba nhiệm vụ lớn là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng vạn phụ nữ Phú Thọ đã hăng hái tham gia “ngày đồng tâm”, nhịn ăn lập “hũ gạo kháng chiến”. Số gạo tiết kiệm được, chị em phân phát cho những người bị đói. Truyền thống đoàn kết, đồng cam cộng khổ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đùm bọc lẫn nhau của phụ nữ Phú Thọ được khơi dậy mạnh mẽ. Chỉ tính ba tháng cuối năm 1945, phụ nữ Phú Thọ đã thu được hàng chục tấn gạo gửi Ủy ban tiếp tế và cứu tế của chính phủ chuyển đến các địa phương để cứu
đói. Chị em đã tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tính từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1946, toàn tỉnh thu hoạch được trên 100 ngàn tấn lương thực quy ra thóc, giúp nhân dân vượt qua nạn đói.
Chiến thắng giặc đói là một thành tích lớn của nền dân chủ cộng hòa trẻ tuổi, kết quả đó làm nổi bật tính ưu việt của chế độ mới, nguy cơ “giặc đói”
đã được đẩy lùi.
Một thành tích lớn của nhân dân Phú Thọ sau cách mạng là công cuộc chống nạn mù chữ giành thắng lợi. Ngày 8 – 9 – 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha “Bình dân học vụ”, hưởng ứng lời kêu gọi của Người, nhân dân Phú Thọ nô nức tham gia, đêm đêm khắp các ngõ xóm, khu phố, làng bản bập bùng ánh lửa, nhiều chị em phụ nữ đã hăng hái đi học để có kiến thức mới, hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình.
Sau 3 tháng học bình dân, nhiều chị em đã biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ; sử dụng thành quả học tập ngay trong đợt bầu cử Quốc hội khóa đầu.
Trong cuộc vận động “Tuần lễ vàng” từ ngày 17 đến ngày 24 – 9 – 1945 và “Mùa đông binh sĩ”, chị em phụ nữ Phú Thọ từ thành thị
đến nông thôn đã quyên góp, ủng hộ được 15 kg vàng, chưa kể tiền bạc, thóc, gạo, mâm đồng, chậu thau, lư đỉnh và cả những kỷ vật quý báu như hoa tai, nhẫn cưới, góp phần giúp chính phủ giải quyết một phần khó khăn về tài chính trong những ngày chính quyền còn non trẻ; đồng thời mua một số áo ấm gửi tặng anh em chiến sĩ vệ quốc. Cùng với đó, phụ nữ Phú Thọ còn tham gia nhiều tổ chức chính trị yêu nước, nhiều hoạt động chính trị: có 40 ngàn chị em tham gia Mặt trận Việt Minh, tham gia bầu cử Quốc hội khóa I, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp… qua đó, phụ nữ Phú Thọ lại được tôi luyện thêm và trưởng thành. Một số chị đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Ngày 20 – 10 – 1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với tôn chỉ mục đích là: “Đoàn kết rộng rãi các tầng
lớp phụ nữ yêu nước” đấu tranh thực hiện quyền lợi của chị em phụ nữ, đồng thời động viên phụ nữ tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất Tổ quốc. Bà Trần Thị Lộc là hội trưởng đầu tiên của Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, một tổ chức đoàn thể của quần chúng là phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Do nhiệm vụ cách mạng nặng nề, nhất là phải tập trung đối phó với thù trong giặc ngoài nên có một số hạn chế như chưa lập được Ban chấp hành Hội các cấp, công tác phát triển đảng và đào tạo cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức, song đến thời kỳ này, Phú Thọ đã có cán bộ cấp ủy phụ trách công tác phụ nữ ở tỉnh và các huyện. Cán bộ, hội viên được học tập, nâng cao nhận thức giác ngộ về dân tộc và giai cấp. Những tiến bộ bước đầu đó đã tạo đà cho phong trào phụ nữ lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn cho cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng hết sức vẻ vang sau này.
Tiểu kết chương 1
Phú Thọ – vùng đất Tổ thiêng liêng của cả nước, nơi đây hội tụ đầy đủ những yếu tố địa lợi, nhân hòa, là nơi đất lành chim đậu. Không phải ngẫu nhiên mà các vua Hùng đã chọn Phú Thọ làm nơi dựng nghiệp cho con cháu muôn đời. Phát huy giá trị thiêng liêng ấy, từ bao đời nay, mọi tầng lớp nhân dân tỉnh Phú Thọ, trong đó có lực lượng phụ nữ đã không ngừng cống hiến tài và lực để lao động sản xuất, xây dựng bảo vệ quê hương đất nước khỏi lúc nguy nan. Quá trình đó đã tạo nên giá trị truyền thống quí báu của mỗi người dân đất Tổ đặc biệt là phụ nữ, đó là: “Yêu nước thiết tha, anh dũng bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; đảm đang gánh vác việc gia đình; năng động việc xã hội; giữ gìn và
phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc” [2, tr.7]. Đó là niềm tự hào của nhân dân Phú Thọ nói chung và của lực lượng phụ nữ trong tỉnh nói riêng, từ đây chị em đã không ngừng tích cực cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo, tiếp tục thêu dệt thiên anh hùng ca bất tận của dân tộc.
Chương 2
VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TỈNH PHÚ THỌ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1946 - 1954)
2.1. VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TỈNH PHÚ THỌ TRONG NHỮNG NĂM
ĐẦU TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (1946 - 1950)