Phụ nữ Phú Thọ tham gia phong trào yêu nước và cách mạng

Một phần của tài liệu Vai trò của người phụ nữ Tỉnh Phú Thọ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) (Trang 34 - 37)

6. Bố cục khóa luận

1.2.2. Phụ nữ Phú Thọ tham gia phong trào yêu nước và cách mạng

những năm 1939 – 1945

Tháng 9 – 1939, cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, một mặt chính quyền thực dân đẩy mạnh cải cách bộ máy cai trị, tăng cường vơ vét, bóc lột nhân dân thuộc địa, trong đó có Việt Nam, phục vụ cho cuộc chiến tranh mà chúng đang theo đuổi. Mặt khác, chúng tăng cường đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân ta. Mùa thu năm 1940, Pháp nhượng bộ để phát xít Nhật vào xâm lược nước ta. Đầu năm 1941, quân đội Nhật kéo đến Phú Thọ. Tuy có mâu thuẫn về quyền lợi nhưng chúng giống nhau về bản chất và thống nhất với nhau về mục đích xâm lược nên chúng cấu kết chặt chẽ với nhau để đàn áp và bóc lột nhân dân. Từ đây, nhân dân ta phải chịu cảnh

“một cổ hai tròng”. Mâu thuẫn giữa nhân dân ta với bọn đế quốc ngày càng lên cao và gay gắt. Mục tiêu cách mạng giải phóng dân tộc đặt lên hàng đầu.

Trước tình hình đó, Đảng ta quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh đánh đế quốc và tay sai, làm cách mạng giải phóng dân tộc. Phương pháp chỉ đạo cách mạng là chuyển trọng tâm công tác về vùng nông thông để từng bước chuẩn bị lực lượng tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự giúp đỡ của Xứ ủy Bắc kỳ, tỉnh Phú Thọ được cấp trên điều động về phần lớn là các đồng chí nữ có kinh nghiệm hoạt động, lãnh đạo phong trào: đồng chí Lê Thị Lịch, Trần Thị Sinh, Lê Thu Trà, Trần Thị Minh Châu… về chỉ đạo xây dựng cơ sở ở Phú Thọ. Trong một thời gian ngắn, các cán bộ cấp trên xây dựng được ở Phú Thọ 4 chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên và hàng chục tổ chức phản đế nằm rải rác ở các huyện Hạc Trì, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Ba… Để thống nhất các cơ sở về một mối lãnh đạo, tháng 3 – 1940, xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập

Ban cán sự tỉnh (tức Tỉnh ủy lâm thời Phú Thọ). Từ đây phong trào cách mạng của tỉnh đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân nói chung và phong trào của phụ nữ tỉnh Phú Thọ nói riêng có nhiều khởi sắc mới. Hàng trăm chị em được Đảng vận động và tổ chức vào các đoàn thể cứu nước như: Phụ nữ phản đế, Thanh niên phản đế… Chị em phụ nữ Phú Thọ còn làm nhiều thơ văn, truyền đơn để kêu gọi các hội viên trong các tổ chức yêu nước vùng lên đấu tranh. Tiêu biểu như Bài ca “Kêu gọi phụ nữ” như sau:

“Chị em hỡi! Há cam chịu phận Mau đứng lên theo Đảng tiên phong Đứng lên đập đổ bất công

Đứng lên giải phóng non sông giống nòi” [2, tr.38].

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám về thành lập Mặt trận Việt Minh từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến cuối năm 1941, tỉnh Phú Thọ có gần 200 hội viên tham gia vào Mặt Trận Việt Minh, trong đó có nhiều phụ nữ. Một số chị đã trở thành cốt cán của phong trào như chị Hạng, chị Hán, chị Nghiêm, chị Nụ, chị Na, chị Tèo, chị Tằng…

Giữa lúc phong trào Việt Minh đang phát triển ở Phú Thọ thì kẻ thù càn quét, nhiều cán bộ là nữ của tỉnh đã sa vào lưới giặc như chị Bùi Thị Nghiêm, cán bộ phụ nữ cứu quốc làng Kinh Kệ (Lâm Thao) và hai cán bộ giao liên Xứ ủy là chị Chính và chị Định, vào cuối năm 1943. Mặc dù kẻ thù tiến hành vây bắt, càn quét dã man nhưng nhiều bà con ở cơ sở vẫn một lòng trung kiên với cách mạng, không khuất phục kẻ thù, vẫn che chở, dành từng hạt gạo nuôi giấu cán bộ như bà Chính ở Cổ Tiết (Tam Nông), bà Liễu ở An Lão (Phù Ninh). Thời gian này, ở cơ sở cách mạng ấp Cẩm Sơn, thuộc xã Liên Hoa (Phù Ninh), các chị Lê Thị Vời, Nguyễn Thị Cảnh, Nguyễn Thị Nhạn,

Nguyễn Thị The, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Tròn, tích cực tham gia vào các hội kín như hội tương tề ái hữu, hội đọc sách báo, bảo vệ, giúp đỡ cán bộ Đảng và cơ quan ấn loát tài liệu của Xứ ủy Bắc kỳ trong suốt thời gian đứng chân trên địa bàn tỉnh.

Trong suốt thời gian từ tháng 5 – 1944 (khi tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho cách mạng, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa” để chuẩn bị lực lượng mọi mặt chờ thời cơ khởi nghĩa) đến ngày 25 – 8 – 1945 ( ngày tỉnh Phú Thọ được giải phóng hoàn toàn) mọi tầng lớp nhân dân Phú Thọ, đặc biệt là lực lượng phụ nữ đã tích cực vừa lao động sản xuất vừa tham gia các tổ chức chính trị của Đảng và cả trong các cuộc bạo động phá kho thóc của Nhật, trong các cuộc khởi nghĩa giải phóng quê hương. Các chị đã tạo ra một lực lượng áp đảo kẻ thù, một số chị còn tham gia lãnh đạo khởi nghĩa như chị Bùi Thị Phận; một số chị tham gia cấp ủy, tham gia chính quyền cách mạng đầu tiên ở tỉnh như chị Trần Thị Sinh, Vương Thị Thục…

Ghi nhận những cống hiến của phụ nữ đối với cách mạng, Tổng bộ Việt Minh đã thưởng “Đồng tiền vàng” cho các chị tiêu biểu như Nguyễn Thị Miên ở Gia Thạch (Phù Ninh), Nguyễn Thị Thịnh (Thanh Thủy), Nguyễn Thị Tình (Hạ Hòa).

Những hoạt động yêu nước sôi nổi của phụ nữ tỉnh Phú Thọ trong suốt chặng đường dài từ năm 1939 đến năm 1945 đã chứng minh một thực tế rằng:

“lực lượng phụ nữ tỉnh Phú Thọ đã trở thành một động lực quan trọng của cách mạng, sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh quyết liệt giành quyền sống”

[2, tr.47].

Từ khi có Đảng lãnh đạo đến Cách mạng tháng Tám, phụ nữ Phú Thọ đã đi theo Đảng và từng bước trưởng thành. Tuy vậy, giai đoạn này phong trào phụ nữ Phú Thọ có một số hạn chế là tổ chức Hội các cấp chưa hình

thành. Số lượng chị em tham gia trong cao trào kháng Nhật cứu nước khá đông, nhưng số lượng hội viên trong tổ chức phụ nữ cứu quốc còn ít. Phong trào phát triển không đồng đều. Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc xuất hiện nhiều phụ nữ tiêu biểu nhưng chưa có cán bộ cấp ủy phụ trách công tác phụ nữ, số đảng viên nữ còn quá ít.

Một phần của tài liệu Vai trò của người phụ nữ Tỉnh Phú Thọ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)