Cộng hòa Pháp là quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước. Toàn bộ lãnh thổ Cộng hòa Pháp được chia thành 6 lưu vực sông lớn và lấy việc quản lý thống nhất theo 6 lưu vực sông này làm nền tảng cho việc quản lý nước. Ở mỗi cấp lưu vực có Ủy ban lưu vực và Cơ quan quản lý lưu vực.
Ủy ban lưu vực sông được hình thành trên cơ sở bầu chọn các đại diện từ Chính phủ, chính quyền các địa phương trên lưu vực (chiếm 40%), đại diện của những người dùng nước, các tổ chức nghề nghiệp (chiếm 40%), đại diện của các Bộ ngành liên quan (chiếm 20%). Chủ tịch Ủy ban lưu vực sông được bầu chọn theo nhiệm kỳ 3 năm. Số lượng thành viên Ủy ban lưu vực sông tùy thuộc vào diện tích của từng lưu vực. Ủy ban lưu vực sông đóng vai trò như một nghị viện hoặc Hội đồng về nước của lưu vực sông và thực hiện hai chức năng chính: (1) Thảo luận, phê chuẩn hoặc tình cấp thẩm quyền phê chuẩn các đề án về quản lý và quy hoạch phát triển tài nguyên nước trên lưu vực sông; (2) Thảo luận, phê chuẩn hoặc trình cấp thẩm quyền phê chuẩn các chính sách kinh tế về nước như: giá nước, phí ô nhiễm nước, thuế tài nguyên nước [37.tr46-47].
Cơ quan lưu vực sông là cơ quan thực hiện các quyết định của Ủy ban lưu vực sông, có chức năng, nhiệm vụ quản lý chung về số lượng, chất lượng nước và hệ sinh thái trên lưu vực sông, nhất là việc xây dựng quy hoạch phát triển lưu vực sông trình Ủy ban lưu vực phê duyệt, đề nghị mức thu phí phải thu hàng năm, xem xét các hồ sơ đầu tư xây dựng các công trình về tài nguyên nước trên lưu vực sông của các địa phương, các doanh nghiệp, nghiệp đoàn và người sử dụng nước…..Số lượng biên chế của các cơ quan lưu vực tùy theo lưu vực lớn hay nhỏ. Tổng giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm [37.tr46-47].
lý từ cấp nhỏ cộng với sự phát huy cao vai trò của cộng đồng trong các tiểu lưu vực đã giúp cho việc quản lý tài nguyên nước ở Cộng hòa Pháp trở nên hiệu quả và trở thành mô hình mà nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm.
Năm 1992 Pháp thông qua Luật nước và thực hiện những quy chế chung của cộng đồng châu Âu cũng như những thỏa thuận chung của các nước trong lưu vực sông Rhin, các lưu vực sông đã tiến hành chỉ đạo lập quy hoạch và quản lý chặt chẽ chất lượng của các nguồn nước. Các dự án chỉ đạo quy hoạch và quản lý nước trong lưu vực đã được thành lập để làm cơ sở cho việc quản lý các lưu vực sông. Nhiệm vụ chủ yếu của các lưu vực sông giai đoạn này gồm: (1) Quản lý tổng hợp môi trường thủy sinh, sinh thái các thung lũng sông, các vùng của sông ven biển; (2) Quản lý chặt chẽ chất lượng nước mặt và nước ngầm; (3) Quản lý chặt chẽ số lượng nước mặt và nước ngầm [37.tr70].
Tóm lại mô hình quản lý tài nguyên nước của Cộng hòa Pháp đã thể hiện sự gắn kết trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước (đại diện là Chính phủ, chính quyền địa phương) với cộng đồng dân cư và các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nước trên lưu vực sông. Trong đó, vai trò của người dân và của các doanh nghiệp được đặc biệt coi trọng và phát huy một cách tối đa trong việc tham gia vào công tác quản lý cũng như giải quyết các vấn đề về nguồn nước và xử lý ô nhiễm nguồn nước (tỷ lệ thành phần của địa phương được quy định tỏng Điều 5, Luật nước 1992 là 50% và Chủ tịch Ủy ban Lưu vực sông phải là người đại diện ở địa phương do địa phương bầu hoặc cử ra) [51].