Xây dựng tiềm lực tri thức và sử dụng lao động tri thức cho phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Ninh

Một phần của tài liệu Nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Ninh (Luận văn ThS) (Trang 89 - 96)

Chương 3: Phương hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Ninh

3.2.3Xây dựng tiềm lực tri thức và sử dụng lao động tri thức cho phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Ninh

phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Ninh

Hiện nay thế giới đang từng bước tiến vào nền kinh tế tri thức nghĩa là đang chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Bắc Ninh không chỉ đối mặt với yêu cầu xây dựng một thành phố công nghiệp hiện đại theo nghĩa thông thường, nó còn là một thành phố trong xu hướng toàn cầu hoá và có định hướng phát triển kinh tế tri thức. Tiềm lực kinh tế tri thức được thể hiện ở sự phát triển khoa học công nghệ, bên cạnh việc

đầu tư phát triển khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội, chính trị, thông tin... thì vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao của Bắc Ninh đang là một trong những vấn đề cần quan tâm xây dựng và phát triển. Mặc dù xét theo các chỉ tiêu về số lượng, nguồn nhân lực có trình độ của Bắc Ninh không phải là yếu kém. Song nếu xét theo tiêu chí chất lượng nguồn nhân lực cụ thể và mang tính triển vọng mà nền kinh tế tri thức đòi hỏi thì nguồn nhân lực Bắc Ninh hiện có vẫn đang ở mức thấp... Bắc Ninh thiếu nghiêm trọng số lao động có kỹ năng cao và có sự “lệch pha” rất lớn giữa cơ cấu đào tạo và nhu cầu thực tiễn về nghề nghiệp, hệ thống đào tạo vẫn mang tính chất chạy đua theo thành tích, đào tạo để đào tạo chứ chưa thật đáp ứng đòi hỏi của thực tế cuộc sống. Do vậy trong quá trình phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, Bắc Ninh cần phải:

- Xây dựng chiến lược phát triển tiềm lực khoa học và sử dụng lao động tri thức theo phương hướng từng bước xây dựng nền kinh tế tri thức. Đây là một vấn đề cấp bách khi vấn đề di chuyển, lưu động chất xám đang tăng lên cả trong nước và thế giới, Bắc Ninh cần có chính sách biện pháp để thu hút được nguồn lao động tri thức vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.

- Bắc Ninh cần có chính sách sử dụng lao động tri thức nhằm phát huy sức mạnh tri thức và tiềm lực khoa học, khả năng của họ vào quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh.

- Tạo môi trường cho khoa học và tri thức phát triển lành mạnh như môi trường dân chủ, bầu không khí tự do sáng tạo nhằm phát huy vai trò sáng tạo của cá nhân.

Cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế, cơ chế chính sách sử dụng nguồn nhân lực cũng được đổi mới theo hướng gắn với cơ chế thị trường. Cơ chế mới trong sử dụng nguồn nhân lực đã bước đầu phát huy vai trò tích cực trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế gây ra lãng phí không nhỏ về nguồn nhân lực. Vì vậy cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách sử dụng để phát huy vai trò to lớn của nguồn nhân lực trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung và trong sự phát triển của các ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Việc đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng nguồn nhân lực nhằm mục tiêu động viên, khai thác mọi tiềm năng sáng tạo, tiềm năng trí tuệ, tạo điều kiện để mọi người có việc làm và tạo động lực để khuyến khích mọi người làm việc có hiệu quả. Do vậy việc tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng nguồn nhân lực cần thực hiện tốt theo hướng cơ bản sau:

- Đa dạng hoá hình thức tuyển dụng và sử dụng nhân lực trong các ngành công nghiệp, bao gồm các hình thức tuyển dụng theo chế độ biên chế nhà nước (chủ yếu trong các doanh nghiệp công nghiệp nhà nước), tuyển dụng theo hợp đồng dài hạn và ngắn hạn (ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước), tuyển dụng theo thời vụ theo yêu cầu cụ thể của công việc. Đó là những hình thức tuyển dụng lao động được các doanh nghiệp công nghiệp Bắc Ninh áp dụng trong quá trình xây dựng phát triển các ngành công nghiệp.

- Thực hiện chính sách tiền lương gắn với cơ chế thị trường. Tiền lương là một công cụ quan trọng góp phần nâng cao tính tích cực của người lao động, trong nền kinh tế thị trường, việc thực hiện chế độ tiền

lương thích hợp với cơ chế thị trường sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực có trình độ khoa học công nghệ và chuyên môn kỹ thuật cao. Trên cơ sở xây dựng tiền lương theo cơ chế thị trường thì Bắc Ninh cần phải chú trọng tới sự phân hoá thu nhập của người lao động. Trên thị trường lao động có sự mất cân đối khá lớn: thừa lao động, thiếu việc làm, thừa lao động phổ thông, thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Do vậy, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ được trả lương cao hơn lao động phổ thông là một tất yếu. Xu thế này đang diễn ra trên thực tế và chúng ta không nên ngăn cản nó, nhưng cũng không nên để sự phân hoá diễn ra quá giới hạn an toàn của người lao động. Nghĩa là chúng ta cần phải xác định được mức lương tối thiểu phù hợp với từng thời kỳ vừa phù hợp với nguyên tắc thị trường, vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh việc áp dụng chế độ lương theo quyết định của Nhà nước, các doanh nghiệp công nghiệp ở Bắc Ninh cần phấn đấu tạo một nguồn thu nhập qua chế độ tiền thưởng, tiền bồi dưỡng ăn trưa cho người lao động nhằm cải thiện và từng bước nâng cao đời sống của người lao động trong điều kiện chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ hơn so với các tỉnh khác, có như vậy mới khuyến khích được người lao động tích cực tham gia lao động trong các ngành công nghiệp. Để thực hiện thành công việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp theo hướng tỷ trọng GDP của ngành công nghiệp phát triển cao nhất và lao động công nghiệp chiến tỷ lệ cao trong tổng số lực lượng lao động của tỉnh Bắc Ninh thì từ nay đến 2010 chính quyền tỉnh Bắc Ninh cần tạo một cơ chế chính sách thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp công nghiệp trong việc mở rộng các

lĩnh vực sản xuất, các ngành nghề, mở rộng thị trường sản xuất và tiêu thụ... trên cơ sở đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ kinh tế với các vùng, các địa phương trong cả nước và với các nước trên thế giới.

Kết luận chương 3

Cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp là sự tăng lên của nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp Bắc Ninh, song thực tế cho thấy nguồn nhân lực cho công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của sự phát triển hiện tại và trong thời gian tới. Do vậy, Bắc Ninh cần có chiến lược lâu dài về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao phục vụ cho sự phát triển công nghiệp Bắc Ninh. Để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp trong thời gian tới việc thực hiện phương hướng và những giải pháp nêu trên là hết sức cần thiết cho sự hát triển của ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, Luận văn đưa ra các giải pháp về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp tỉnh Bắc Ninh nhằm giúp các cấp lãnh đạo tỉnh tham khảo và với hy vọng góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, đây chỉ là một số giải pháp ban đầu, còn trong quá trình phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Bắc Ninh cần được các nhà nghiên cứu tiếp tục bổ sung hoàn thiện và phát triển để việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp thật sự đáp ứng được với nhu cầu thực tế và đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Bắc Ninh

KẾT LUẬN

Nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh nói chung và nguồn nhân lực cho công nghiệp Bắc Ninh nói riêng là một trong những nhân tố không thể thiếu được đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá thủ đô. Trong ba nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển của một quốc gia đó là vốn, khoa học công nghệ và con người thì yếu tố con người (nguồn nhân lực) là yếu tố hàng đầu của sự phát triển, nhất là trong điều kiện hiện nay thế giới đứng trước nền kinh tế tri thức và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Tất cả sự phát triển đều nhờ vào lao động sáng tạo của con người và tác động của con người trong quá trình sản xuất tạo nên sự phát triển mới của nền kinh tế - xã hội. Muốn đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu đi lên đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới, thì phải chuyển nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu sang phát triển nền kinh tế công nghiệp. Để thực hiện mục tiêu đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định nước ta phải tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Kể từ sau Đại hội VIII đến nay cả nước đã tiến hành từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, phát triển các ngành công nghiệp trên phạm vi cả nước dựa vào khả năng và nguồn lực của các địa phương.. Để thực hiện mục tiêu trên chính quyền tỉnh đã nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, chuyển một phần quỹ đất nông nghiệp để xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà kinh doanh đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, lấp đầy các khu công nghiệp cũ, mở rộng các khu công nghiệp mới trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt

là chính quyền tỉnh có chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển các ngành công nghiệp nhất là những doanh nghiệp có trình độ khoa học công nghệ cao. Bên cạnh sự mở rộng và phát triển các khu công nghiệp, các ngành công nghiệp Bắc Ninh đã có nhiều dự án nghiên cứu và các cuộc hội thảo về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá Bắc Ninh từ nay đến năm 2020. Các giải pháp tổng thể được các nhà nghiên cứu đưa ra nhằm xây dựng nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Bắc Ninh nói chung trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Luận văn với góc độ nghiên cứu về nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp, đã kế thừa các quan điểm và lý luận của những người đi trước, trên cơ sở đó đã nghiên cứu sâu hơn về sự phát triển của nguồn nhân lực đối với sự phát triển công nghiệp Bắc Ninh từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển trong tiến trình phát triển công nghiệp Bắc Ninh và trong quá trình thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Bắc Ninh. Mặc dù tác giả đã nỗ lực trong thời gian cho phép, song Luận văn cũng chưa thể đề cập rành rẽ đến mọi vấn đề liên quan đến đề tài. Vì vậy, rất mong sự góp ý bổ sung của các thầy cô trong hội đồng để tác giả luận văn tiếp tục hoàn thiện về sau.

Một phần của tài liệu Nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Ninh (Luận văn ThS) (Trang 89 - 96)