Giọng điệu, ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong các tập truyện ngắn gần đây của Ma Văn Kháng ( Trốn nợ - 2008, Mùa thu đảo chiều - 2012, San Cha Chải - 2013) (Trang 88 - 93)

5. Cấu trúc của luận văn

3.4.Giọng điệu, ngôn ngữ

Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên mà nhà văn sử dụng trong quá trình chuẩn bị và sáng tạo tác phẩm, nó cũng là yếu tố xuất hiện đầu tiên trong sự tiếp xúc của người đọc với tác phẩm. “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó-và cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống - là chất liệu của văn học" (M. Gorki). Ngôn ngữ trong quá trình sáng tạo văn học của mỗi nhà văn có sự khác nhau do trình độ văn hóa, do nguồn gốc xuất thân, do hoàn cảnh xã hội...Đây là những yếu tố chi phối đến thói quen và cách sử dụng ngôn ngữ của mỗi nhà văn. Chính vì sự chi phối trên mà mỗi nhà văn khi cho ra đời một tác phẩm văn học đều mang những phong cách ngôn ngữ riêng biệt của mình. Mặt khác sự thành công của một tác phẩm văn học là đem đến cho người đọc sự chia sẻ, cảm thông, có thể vui buồn cùng nhân vật, xót xa với những nỗi oan trái, căm hờn trước những điều xấu xa, độc ác, đau đớn với nỗi đau của nhân vật. Không những vậy, người đọc còn cảm nhận được những tâm tư tình cảm của tác giả thông qua hệ thống nhân vật và nội dung của tác phẩm. Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi nhà văn khi sáng tạo tác phẩm cần phải có vốn sống và ngôn từ phong phú, có khả năng tác động đến suy nghĩ và cảm xúc của người đọc, Sự thành công của một tác phẩm văn học còn tùy thuộc vào cách lựa chọn và sắp xếp từ ngữ của tác giả trong tác phẩm đó. Khái niệm ngôn ngữ nhân vật nhằm chỉ những lời nói của nhân vật trong tác phẩm. Lời nói đó phản ánh kinh nghiệm sống cá

nhân, trình độ văn hóa, tâm lí...Đằng sau mỗi lời nói của mỗi con người đều có lịch sử riêng của nó. Vì vậy nhà văn xây dựng tính cách nhân vật thông qua những nét riêng trong việc sử dụng ngôn ngữ của nhân vật đó.

Ở mảng truyện ngắn viết về người dân miền núi, nhà văn sử dụng chủ yếu là lớp ngôn ngữ của con người miền cao. Một lớp ngôn ngữ thuần chất, hồn nhiên, mộc mạc, là lời ăn tiếng nói hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thể hiện rõ bản chất của người miền núi: hiền lành, chất phác, thật thà…Khi miêu tả chân dung của Giàng Tả, nhà văn mượn ngôn ngữ, cách ví von của người dân tộc để qua đó bộc lộ bản chất thẳng thắn, bộc trực, đơn giản ở con người này: “Cũng là da thịt, mà da thịt Giàng Tả như sắt, như đồng. Vai Giàng Tả rộng gấp rưới vai người. Ngực phồng như hai quả gò, bả vai nổi u xương. Cái cổ, cái đầu còn lạ hơn, thẳng đơ một đường, không biết gục xuống chịu lụy ai, lúc nào cũng như quyết giữ thẳng, bành ra, to bằng mặt, trông thẳng như một khối đúc liền. Với vài ba nét mắt, miệng, mũi nhỏ đơn sơ. Tất cả sức mạnh như vậy là không biết phô ra, chúng chìm trong da thịt, xương cốt trong dáng đứng, bước đi ngay ngắn tự nhiên” [28, tr22].

Nhà văn miêu tả Pao trong “San Cha chải” với sự thật thà chất phác, được bộc lộ ngay từ những nét diện mạo bên ngoài: “Pao soi mặt mình trong mặt giếng, mặt Pao vẫn sáng trưng vậy. Rõ hơn là hai con mắt một mí, cái cằm vuông và gò mũi thẳng, toátt ra một thần thái vừa chất phác hồn hậu, vừa văn vẻ, không hôn ám” [28,tr66]. Lời nói của Pao cũng rất chân thật, hồn nhiên, mang màu sắc địa phương.

Những năm tháng sống ở miền núi đã giúp Ma Văn Kháng hiểu sâu sắc tâm hồn, bản chất, cái bụng thật thà của người dân tộc thiểu số. Hơn nữa nhà văn còn học được tiếng nói của họ, và đưa ngôn ngữ đó vào tác phẩm làm nên sức hút, góp phần vẽ lên bức tranh đời sống sinh động của người miền biên ải xa xôi. Nhờ đó mà người đọc hiểu hơn, thậm chí bớt đi bản tính kỳ thị với

người dân tộc – vốn tăm tối, u mê hoang dã, ấu trĩ, yếu kém trong nhận thức và hiểu biết, để từ đó tạo ra mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống.

Ngược lại những trang văn viết về con người thành thị lại đậm ngôn ngữ, văn phong miền xuôi. Người đọc có thể tiếp cận với một thế giới thu nhỏ đầy đủ mọi loại người, qua đó nhà văn thể hiện vốn sống, sự dồi dào ngôn ngữ của mình. Đông thời giúp cho những suy nghĩ của nhà văn về tình đời, tình người trở nên sâu lắng hơn. Ngôn ngữ trong mảng truyện về đời sống người dân thành thị rất đời thường, phù hợp với tính cách từng loại người ở cả ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ của kẻ ít học, ngông nghênh: “Bố trông có hơi cao niên một tí nhưng trông vẫn còn ngon lắm, chứ chưa thuộc hạng dũng sĩ chơi gái ba mươi giây đâu” [25, tr241]. Trong khi đó ngôn ngữ của lớp trí thức, văn nghệ sĩ thì lại khác: “Nửa đêm thức dậy trông trời. Ông sao Bắc Đẩu đã rời sang đông. Tôi ra xếp hàng từ lúc ấy cơ các bà ạ” [25, tr 33]. Ta thấy ngôn ngữ của những người thường thì bỗ bã, suồng sã, đậm chất khẩu ngữ. Ngôn ngữ của kẻ sĩ thì tao nhã hơn, trong lời nói thường trích dẫn tục ngữ, thành ngữ, điển tích…Nhưng tựu trung lớp ngôn ngữ của các nhân vật trong ba tập truyện đều rất dễ hiểu, gần gũi với đời sống hàng ngày.

Như vậy, qua sự khảo luận ngắn gọn trên, ta thấy ngôn ngữ trong ba tập truyện ngắn San cha chải, Trồn nợ, Mùa thu đảo chiều của Ma Văn Kháng rất phong phú và đa dạng. Nhà văn đã biết lựa chon ngôn ngữ sao cho phù hợp với từng loại nhân vật, từng loại người, từng hoàn cảnh trong đời sống xã hội. Nhờ vậy mà Ma Văn Kháng đã có một chỗ đứng vững chắc trên văn đàn văn học Việt Nam hiện đại và trong trái tim của độc giả yêu văn.

Cùng với lớp ngôn ngữ phong phú, đa dạng thì giọng điệu của ba tập truyện ngắn cũng không đơn điệu. Theo từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn

đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [7, tr 134-135]. Như vậy, giọng điệu là yếu tố hàng đầu tạo nên phong cách và thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn.

Đọc truyện ngắn Ma Văn Kháng, chúng tôi có cảm giác giọng của nhân vật người kể chuyện thường xuyên lấn lướt giọng các nhân vật hành động và nhà văn luôn di chuyển điểm nhìn trần thuật. Nhà văn sử dụng rộng rãi khẩu ngữ, trước hết là tục ngữ, thành ngữ, đem văn nói hoà trộn vào văn viết, tạo thành mạch trần thuật đa tạp giọng điệu rất đậm chất tiểu thuyết.

Trước hết, truyện ngắn Ma Văn Kháng mang giọng điệu ngợi ca cái đẹp. Nhà văn yêu mến những con người hiền lành, thật thà như Pao, ông Lý A Lừ; cảm kích trước tấm lòng và hành động của các chiến sĩ công an Thịnh, Quân…, cảm thông, ngưỡng mộ những người phụ nữ đẹp, đảm đang nhưng số phận đa đoan: Thoa, My…

Nhà văn sử dụng giọng cảm khái, xót xa, ngậm ngùi khi viết về chuyện thế sự nhân sinh. Chẳng hạn trong truyện ngắn “Vệ sĩ của quan châu”, sự độc ác, tàn bạo của Khun dường như quá đỗi xa lạ với tính cách của một con người. Hắn độc ác như người ta phải hít khí trời để thở, đế sống, hắn ăn như thú, và cả khi yêu cũng hành động giải tỏa thuần chất bản năng. Còn khi viết về những con người bất hạnh khổ cực, qua ngòi bút của Ma Văn Kháng, hiện lên chân thực khơi gợi được niềm thương cảm xót xa trong tâm thức người đọc. Thím Hóong trong truyện ngắn cùng tên cả đời làm lụng vất vả vì chồng con, sống cuộc đời buồn thảm, kết cục bất hạnh. Nhà văn nhìn thông qua con mắt nhân vật tôi, giọng văn thương cảm, xót xa. Khi viết về đời sống con người chốn thành thị với những bon chen, trắng đen lẫn lộn giọng điệu của Ma Văn Kháng trở nên đầy lo âu, thậm chí còn ngậm ngùi trước những thói

ích kỷ, hẹp hòi, vụ lợi, giả dối của người đời, đó là những căn bệnh của xã hội được nhà văn chỉ ra một cách rõ ràng với nỗi đau khó che dấu, qua đó tác giả thể hiện nỗi niềm thế sự nhân sinh. Vì thế mà ba tập truyện ngắn Trốn nợ, Mùa thu đảo chiều, San Cha Chải của Ma Văn Kháng chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc.

Đọc những truyện ngắn trong Trốn nợ, Mùa thu đảo chiều San Cha Chải ta còn thấy giọng tranh luận mang tính chất triết lý sâu sắc, nhà văn suy

ngẫm về thế thái nhân tình và thể hiện quan niệm của mình về cuộc đời bằng giọng điệu triết lý, có tính khái quát cao. Nói về giọng điệu triết lý trong truyện ngắn gần đây của Ma Văn Kháng, Lã Nguyên nhận xét: “Mang chiều sâu của triết luận nhân bản về đời sống, nội dung xã hội của tác phẩm, truyện ngắn Ma Văn Kháng bao giờ cũng vượt ra ngoài đề tài, chất liệu”[38]. Những triết lý trong Trốn nợ, Mùa thu đảo chiều, San cha chải có thể được phát ngôn trực tiếp thông qua lời của “người kể chuyện biết tuốt”, cũng có khi được thể hiện gián tiếp thông qua lời của nhân vật. Giọng điệu này thường thể hiện qua cuộc đối thoại của nhiều chủ thể hay lời trữ tình ngoại đề của nhà văn. Trong số các truyện ngắn trong ba tập truyện ta thấy nhà văn trăn trở nhiều về số phận, kiếp người trong cuộc sống đầy ngẫu sự, bất ngờ, éo le. Trong truyện ngắn “Trốn nợ” Ma Văn Kháng xót xa cho số phận những con người phải vật lộn với miếng cơm manh áo, cuộc sống với mỗi người thật chật vật “sống thật là một công cuộc không dễ dàng, nhưng sống cho tốt đẹp trong cả những hoàn cảnh nghèo nàn khắc nghiệt, càng muôn phần khó khăn hơn”[25]. Trong “Đồng cỏ nở hoa” Ma Văn Kháng cho thấy cuộc sống nhiều bon chen, đố kị và ông cũng chỉ ra sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của một tài năng nghệ thuật thực sự: “bỗng có một hải lưu đổi dòng chảy qua vùng bờ biển, nơi có cái hoang mạc ấy. Và thế là hiện tượng Enino đã xảy ra: mưa bão liên tiếp đổ vào hoang mạc…Và thế là các hạt giống ủ trong lòng cát sâu

từ bao năm nay tưởng là đã thui chột hết hóa ra không chết, không bao giờ chết, nghĩa là bất tử và đã bật dậy mầm sống. Đã bật dậy mầm sống như những tài năng thực sự ẩn mình chờ đợi thời cơ, như đồng cỏ đến thì đến cữ thì nở hoa.” [27, tr25]. Tất cả những triết lý ấy đều là sự tổng kết quá trình tìm tòi, phát hiện, chiêm nghiệm, đúc kết từ cuộc sống. Nó là sản phẩm của một trái tim đầy tâm huyết, giàu lòng yêu thương con người và khao khát hướng về đời sống nhân sinh. Có lẽ vì vậy mà các tác phẩm của Ma Văn Kháng nói chung và ba tập truyện ngắn Trốn nợ, Mùa thu đảo chiều, San Cha Chải nói riêng lại hấp dẫn bạn đọc đến như vậy.

Hiện diện trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng, ta còn thấy giọng trào lộng trang nghiêm để chế giễu những kẻ sống giả dối, hay để thể hiện mặt tự nhiên của cuộc sống con người.

Có thể nói, ba tập truyện ngắn thể hiện sự phức hợp đa giọng điệu, thể hiện những trăn trở, suy tư của nhà văn về đời người và tình yêu thương con người. Giọng điệu, ngôn ngữ riêng, phong phú và đa dạng đã làm nên đặc sắc Ma Văn Kháng.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong các tập truyện ngắn gần đây của Ma Văn Kháng ( Trốn nợ - 2008, Mùa thu đảo chiều - 2012, San Cha Chải - 2013) (Trang 88 - 93)