Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong các tập truyện ngắn gần đây của Ma Văn Kháng ( Trốn nợ - 2008, Mùa thu đảo chiều - 2012, San Cha Chải - 2013) (Trang 71 - 78)

5. Cấu trúc của luận văn

3.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Để xây dựng tính cách nhân vật, Ma Văn Kháng rất chú ý đến việc miêu tả ngoại hình. Ngoại hình là một khái niệm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bề ngoài của nhân vật. Đó chính là những nét về diện mạo, hình dáng, trang phục, cử chỉ, tác phong của nhân vật được biểu hiện trong tác phẩm. Đây là yếu tố quan trọng góp phần cá tính hóa nhân vật. M.Gorki thường khuyên các nhà văn phải xây dựng nhân vật của mình đúng như những con người ngoài đời sống và phải tìm thấy, nêu lên, nhấn mạnh những nét riêng độc đáo, tiêu biểu trong dáng điệu, nét mặt, nụ cười, khóe mắt của nhân vật. Ngoại hình nhân vật cũng góp phần biểu hiện nội tâm của nhân vật. Đây chính là sự thống nhất giữa cái bên trong và bên ngoài của nhân vật. Do đó, tìm hiểu ngoại hình nhân vật chúng ta sẽ hiểu thêm những nét tính cách bên trong của nhân vật.

Các nhân vật trong tập truyện ngắn Trốn nợ, Mùa thu đảo chiều, San Cha Chải của Ma Văn Kháng được nhà văn tái hiện, dựng lên chân dung một cách

rất rõ nét trước mắt người đọc. Để từ chân dung đó, người đọc có thể nhìn thấu một cách sinh động, trọn vẹn tính cách nhân vật. Miêu tả ngoại hình nhân vật, Ma Văn Kháng thường miêu tả đầy đủ các đặc điểm vóc dáng, trang phục, khuôn mặt, mái tóc, nước da...vừa tả toàn diện, vừa tả những nét nổi bật nhất của chân dung nhân vật.

Dưới ngòi bút điêu luyện và giàu tình người của nhà văn Ma Văn Kháng, các nhân vật trong tập truyện hiện lên với những nét ngoại hình đa dạng, vừa có nét chung lại có nét riêng biệt của mỗi loại nhân vật, kiểu nhân vật và một loại người. Các nhân vật có những đặc điểm khác nhau về nét mặt, dáng người…Nét ngoại hình của nhân vật luôn phù hợp với phẩm chất, tính cách.

Những nhân vật tha hóa, lưu manh bao giờ cũng có hình dạng xấu, thậm chí dị dạng, dị hình. Nhà văn miểu tả ngoại hình nhân vật Mã Đại Câu (“Mã Đại Câu, người quét chợ Mường Cang”): “Người cao chừng thước rưỡi, da đen sạm, quắt như cái roi trâu, cóc cáy đóng vẩy như xưa rày chưa hề biết tắm táp rửa ráy là gì. Đặc sắc nhất là cái đầu to quá khổ, do nặng quá nên cứ phải ngoẹo như là ngả trên vai. Các bộ phận trên mặt lão thì thế này: mắt trắng dã, mồm hõm, răng vẹo vọ, má trái bị một vết sẹo xẻ đôi, cái tai phải cụt, đôi môi trơn lì như hai vết sẹo và thâm đen” [28, tr23]. Bộ mặt quái dị của Mã Đại Câu khiến người dân khu chợ Mường Cang đoán già, đoán non. Họ nghĩ có lẽ trước đây “hắn là kẻ đầu trộm đuôi cướp, thằng thổ phỉ hung tợn.... Nếu không thì hắn đích thị là phạm tội gì ác lớn lắm, nên đã bị ông trời đầy đọa, bị tạo hóa cho cái mặt như quỷ sứ, rồi đẩy ra giữa trần gian này”[28,tr22]. Với cách khắc họa ngoại hình như vây, nhà văn đã để lại ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc về một Mã Đại Câu vừa khôn, vừa dại, vừa ngu ngơ, ngờ nghệch. Nhưng đằng sau sự ngu ngơ về tính cách ấy, lại là biểu hiện của những con người bị tha hóa về đạo đức, nhân cách do sự tác động của đời sống xã hội.

Khác với Mã Đại Câu, nhân vật Khun trong “Vệ sĩ của quan châu” lại được Ma Văn Kháng khắc họa qua những nét ngoại hình kỳ dị, nhằm làm nổi bật những hành động dã man trong cuộc đời làm vệ sĩ của hắn: “…Bây giờ nhìn vào vóc dáng tướng mạo của Khun, người ta băn khoăn không biết quỷ sứ hiện hình vào Khun hay Khun là quỷ sứ cỡ siêu đẳng. Thấp lùn, hai chân đã cái cao, cái thấp lại còn khuệnh khoạng, vòng kiềng. Một mắt lép, một tai không vành, cả cái mặt cũng nham nhở như cái đầu lâu bị khoét, gặm dam dở vì chỗ nào cũng thấy có vết sẹo, vết xước, vết dao chém. Cái sọ người gớm ghiếc ấy cuối cùng cũng lọt thỏm vào đám râu, tóc, lông lá rậm bù, hôi rình.Chẳng phải thông thạo thuật tướng số mới nói về được con người Khun,cái mặt ấy là trang lý lịch đời Khun, là bức dư đồ của hành trình đời Khun.Cái tai cụt là do bị đồng bọn cắt vì cái tội phản thùng, con mắt lép là hậu quả của lần vỡ nòng sung. Vết sẹo này đem từ cuộc chiến nọ về, vết sẹo kia là chiến tích của một lần đi trả tù cho quan châu”[28, tr 29]. Diện mạo của Khun là nỗi ám ảnh ghê sợ rùng rợn đối với người đọc. Hóa ra trên đời này vẫn còn có sự tồn tại của những người tàn bạo như Khun. Có lẽ phần “người” trong hắn đã bị phần “con” che khuất, lấn át. Hắn ác một cách bản năng tự nhiên.

Không chỉ miêu tả thành công ngoại hình những nhân vật tha hóa về nhân cách, mà Ma Văn Kháng còn có những trang văn miêu tả khá sinh động và đậm nét ngoại hình của những con người giả tạo, khoác lác, cố tạo cho mình một cái vẻ hào nhoáng bên ngoài bằng những đồng tiền dơ bẩn hòng lấy được người phụ nữ đẹp. Người đọc sẽ vô cùng ấn tượng với tướng mạo của nhân vật người chồng trong truyện ngắn “Mùa thu đảo chiều”. Nếu như Nguyệt – người phụ nữ vừa xinh đẹp, thông minh, sắc sảo thì chồng nàng lại: “Cằn cọc thấp bé, héo hắt buồn tẻ như một dải khoai héo, trông chẳng khác tên đầy tớ hèn mọn của một phu nhân đài các là nàng. Ngực lép. Đít hóp. Mặt tóp. Hai

con mắt bên ngưỡng thiên bên ngưỡng địa, lại dán nhấm. Cái miệng lại loe loe với cái hàm răng càlavâu lúc nào cũng nhoe nhoét rớt dãi. Tướng mạo ấy dù có khoác lên người bộ đại lễ phục, dù có hưởng hàm trưởng phòng, vụ trưởng thì vẫn cứ lồ lộ vẻ tôi đòi, bần tiện. Thành ra, nhìn cái vẻ bề ngoài cóm róm, dị hợm, uột èo, chán ngắt của y, chẳng anh đàn ông chân chính nào mà không thấy chạnh lòng, khó chịu và tiếc rẻ, tiếc rẻ quá! [27, tr138-139]. Rồi hình ảnh Hoàn trong “Chị em gái”. Ta còn nhớ tác giả miêu tả rất kỹ vẻ bề ngoài của hắn với những nhận xét khách quan của mọi người về hắn: “Hay là tại cái mặt y, cái điệu bộ của y tuy cố làm sang mà vẫn quê kệch, lấc cấc, vừa quỷ quyệt vừa ngố nghế thế nào đó… Những chú mục thì thấy cái tướng hãm, cái vẻ bần tiện ở mọi chi tiết. Mắt y nhỏ, lại hay nhìn trộm nên gian lắm. Tai y quắt, mép y ăn tham nên thâm làm chốc trắng và môi y cong cớn như môi một con mẹ bán hàng rong”. [25, tr.272-273]. Với ngoại hình như vậy, ta biết ngay hắn là một kẻ “ăn bẩn, khôn vặt”, đểu giả, bậc cao thủ trong việc lừa dối mọi người. Hay nhân vật Quanh trong “Điệu rumba mê dại”, ông Luân trong truyện ngắn “Ngõ hoang”… đều được miêu tả hình dáng, nét mặt… rất kỹ, làm nổi bật tính cách và dự đoán những hành động mà bọn họ sẽ làm, sẽ gây ra đối với người khác.

Đặc biệt, người đọc vô cùng ấn tượng với những trang văn tác giả miêu tả vẻ đẹp phồn thực mỡ màng của những người phụ nữ từ thành thị đến nông thôn miền núi. Ở họ, tuy khác nhau về cảnh ngộ, số phận nhưng đều có chung một đặc điểm là rất đẹp, đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn. Nhà văn miêu tả vẻ đẹp của người phụ trong truyện ngắnChuyến xe buýt cuối ngày”, qua sự cảm nhận của nhân vật Đoan, người phụ nữ có số phận cay nghiệt, từ hoa hậu trở thành cô cave, bị người khác khinh bỉ nhưng lại có tâm hồn đáng quý, khiến ai tiếp xúc rồi cũng thấy ngẩn ngơ: “Đoan nhận ra chị là một thiếu phụ đẹp. Chị mặc những bộ đồ giản dị, nhưng luôn thay đổi và phù hợp với thời

tiết từng ngày. Chị biết cách làm đẹp mình, từ chút phấn hồng thoa nhẹ trên má tới làn son tím phớt trên đôi môi nhỏ. Tỏa ra từ chị, từ mỗi chân tóc và làn da chị là hương thơm tự nhiên hết sức quyến rũ. Nhìn chị, cũng giống như thấy một đóa phù dung đang tươi mởn, ta nghĩ tới bên kia của sự tuyệt mỹ là nỗi e sợ về những rủi ro. Không một khuyết tật, dù là nhỏ nhất, ở mỗi chi tiết trên thể chất chị; tất cả đều hoàn mỹ, ngoại trừ cái tiên cảm lo âu thấp thỏm của Đoan về sự mong manh đơn chiếc yếu đuối vốn dĩ của cái đẹp. Người phụ nữ xinh đẹp này gây nên một khắc khoải ở trong Đoan” [25,tr164].

Nhân vật Thoa trong Khách trọ được nhà văn miêu tả: “ Suối tóc đen

nhánh chảy sau lưng. Cả phần ngực trần trụi mênh mông với hai bầu vú mụp mạp cùng hai núm vú đỏ hồng cong vểnh căng tràn sinh lực của chị in trong làn gương sáng, tạo nên một hình dạng đặc thù, vừa hiện thực vừa hư ảo lạ lùng. Ôi, cơ thể người phụ nữ” [25,tr 98].

Cái tài của Ma Văn Kháng là ở chỗ miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ rất tự nhiên, ngòi bút của nhà văn không hề tránh né những góc khuất, nhạy cảm nhất của con người. Vì vậy mà trang văn của ông có sức lôi cuốn lạ kỳ, nhân vật người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp phồn thực căng tràn sức sống bản năng nhưng không nhuốm màu thô tục.

Nhân vật Nguyệt trong truyện ngắn “Mùa thu đảo chiều” được tác giả khắc họa qua những chi tiết rất mới lạ, làm toát lên vẻ đẹp vô cùng kiều diễm của người phụ nữ: “Nguyệt là một phụ nữ nhan sắc nổi trội hơn người. Mười tám tuổi nàng đã làm náo động cả tình trường một huyện lỵ sầm uất miền biên. Vẻ đẹp của cơ thể không một khiếm khuyết của nàng, cặp mắt đong đưa của nàng đã sản sinh ra cả một tá thi sĩ phủ huyện và tạo nên cơn ghen tuông hiềm khích của mấy vị chức sắc địa phương và ở cơ quan thương mại của nàng, nơi nàng giữ chân nhân viên kế toán….Cạnh nàng hồng nhuận thăn

lẳn, tươi giòn, nở nang, tướng mạo vượng phu ích tử, vừa đoan trang vừa đa tình” [27, tr 139].

Đối lập với những người phụ nữ giàu chất phồn thực là những người phụ nữ kém cỏi về dung nhan, thua chị kém em hoặc nanh nọc, tráo trở, ích kỉ, chua ngoa hay ghen ghét đố kị. Thị Nhi (“Bãi vàng”) “Mắt trắng dã. Mũi hếch. Mồm vẩu. Mày dựng đứng. Mặt đầy tàn nhang. Lưỡng quyền cao. Giọng á thanh khàn rè. Đã thế lại chân thấp chân cao. Diện mạo, thân hình tiên thiên bất túc thật chẳng được nét nào đáng gọi là đàn bà. Thị Nhi quê ở Thái Bình. Bị chồng bỏ năm mười chín tuổi” [25, tr124]. Thị Nhi là người đàn bà kém cỏi, thiệt thòi về nhan sắc thứ quyền lực tối cao, vũ khí lợi hại của người phụ nữ. Chính vì vậy cũng dự đoán được phần nào đó nỗi bất hạnh của thị. Thị lấy ba lần chồng nhưng tướng sát chồng của thị khiến những người đàn ông đều từ bỏ thị.

Ma Văn Kháng là người có tài trong việc quan sát, đối chiếu rút ra những nhận xét khá sâu sắc về tướng mạo của người phụ nữ theo quan niệm cổ truyền “ nhìn mặt mà bắt hình dong” như “khôn ngoan hiện ra mặt, què quặt hiện ra chân tay. Chớ qua nhà thằng lé, chớ ghé nhà thằng lùn. Cao chê ngỏng, thấp chê lùn”. Nhà văn rút ra một bài học mang tính chân lí nảy sinh trong cuộc sống còn đầy thiếu hụt này. “Con người ta về một khía cạnh nào đó, là một kẻ không sống yên ổn với đồng loại của mình. Mỗi kẻ là một đơn nguyên biệt lập. Ghanh ghét, đố kị với người khác là thuộc tính của nó. Nó ganh ghét để thoả lòng ganh ghét của nó, một thói xấu thâm căn, một cơn điên khùng, bất chấp cả lẽ phải thông thường”.

Mỗi nhân vật trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng đều hiện lên với một dáng vẻ riêng, ngoại hình riêng, chính ngoại hình ấy giúp ta nhận ra nhân vật và cảm nhận được tính cách của nhân vật. Đây cũng là nét riêng, là biệt bài trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Ma Văn Kháng.

Bên cạnh những nhân vật tha hóa, những người phụ nữ đẹp, nhà văn còn tập trung miêu tả những con người hiền lành, chất phác, tốt bụng với những nét ngoại hình đẹp, đáng yêu như phó công an Quân trong “Mùa săn ở Na Le”, Điền trong “Bí mật nghiệp vụ”; vẻ đẹp của con người trong lao động hăng say, cần mẫn trong đời sống hàng ngày như Duyên (Hương hoa Đà Lạt), Phin và Liêu trong “Vùng sâu vùng xa” . Cái đẹp của chị em Phin và Liêu trong truyện ngắn Vùng sâu vùng xa, là cái đẹp thuần khiết, nhưng vô cùng bí ẩn. Nhà văn không miểu tả chi tiết, mà chỉ khắc họa vẻ đẹp của hai chị em qua một vài câu văn ngắn gọn, nhưng đã toát lên vẻ đẹp trong trẻo, như những đóa hoa ban, hoa gạo tô điểm cho đất trời miền núi rừng: “Hoang vắng quá! Hoang vắng cả trên cặp mắt hai mí, trên gương mặt tròn đẹp như mặt trăng rằm của chị Liêu. Chị Liêu hai mươi. Phin mười tám. Hai chị em là hai cái mặt trăng rằm ở Phiềng La. Bất giác, Phin đưa tay lên sờ mặt mình. Chẳng lẽ, hai con mắt Phin cũng bơ vơ và gương mặt Phin cũng xa vắng như mắt, như mặt chị Liêu. Như quang cảnh núi đồi quạnh quẽ xung quanh hai chị em ư?” [28, tr193]

Thông qua những dẫn chứng trên, ta thấy thế giới nhân vật trong tập truyện ngắn Trốn nợ, Mùa thu đảo chiều, San Cha Chải của Ma Văn Kháng hiện ra là những chân dung sinh động, riêng biệt, phản ánh dòng giống, đời sống người đó. Miêu tả ngoại hình cũng là cách để Ma Văn Kháng thể hiện thái độ, tình cảm của mình với nhân vật mà còn đi sâu phản ánh tính chất đa diện, phức tạp của con người. Tuy nhiên như đã nói ở trên, Ma Văn Kháng không dừng lại lâu trong việc miêu tả ngoại hình nhân vật mà thiên về miêu tả hành động, nội tâm nhân vật để qua đó bộc lộ tính cách.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong các tập truyện ngắn gần đây của Ma Văn Kháng ( Trốn nợ - 2008, Mùa thu đảo chiều - 2012, San Cha Chải - 2013) (Trang 71 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)