5. Cấu trúc của luận văn
3.2. Miêu tả nhân vật qua hành động
Để người đọc có thể thấy được rõ nét tính cách của nhân vật thì Ma Văn Kháng còn rất chú ý trong việc miêu tả hành động của nhân vật. Thể hiện tính cách nhân vật qua miêu tả hành động là một thủ pháp cơ bản trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. “Hành động là những việc làm cụ thể của nhân vật trong các quan hệ ứng xử với các cá nhân khác và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống’’. Hành động được xem như là kết quả cuối cùng của quá trình nhận thức, quá trình tâm lý, quá trình tình cảm. Hành động là cơ sở để xác định tư cách, lí tưởng, phẩm chất cũng như những đặc điểm thuộc về thế giới tinh thần của nhân vật. Hơn nữa, trong các tác phẩm tự sự, tính cách nhân vật không phải ngay từ đầu đã được hình thành trọn vẹn. Chính hành động có tác dụng bộc lộ quá trình phát triển của tính cách và thúc đẩy sự diễn biến của hệ thống cốt truyện. Thông qua các mối quan hệ, sự ứng xử giữa các nhân vật trong các tình huống khác nhau, người đọc có thể xác định những đặc điểm và bản chất của nhân vật.
Miêu tả nhân vật bằng hành động, Ma Văn Kháng thể hiện sự khác biệt với các nhà văn cùng thời trong nghệ thuật xây dựng nhân vât. Mỗi người có một tính cách riêng, cách suy nghĩ riêng với những cảm nhận khác nhau về thế giới và con người. Với Ma Văn Kháng, ông tập trung vào việc miêu tả hành động của nhân vật, để tính cách nhân vật được bộc lộ ra. Mỗi nhân vật khi làm bất cứ một điều gì, hành động như thế nào đều đã thể hiện một phần tính cách của mình. Miêu tả hành động của nhân vật, ngoài để góp phần thúc đẩy cốt truyện, Ma Văn Kháng còn khéo léo thể hiện tính cách nhân vật, góp phần xây dựng nhân vật trong tính hoàn chỉnh của nó. Đây là biện pháp rất cơ bản trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Bởi suy cho cùng thì tâm lý, ngôn ngữ cũng là để làm sáng tỏ hành động của nhân vật mà thôi. Tức là lý giải động lực bên trong của hành động. Miêu tả hành động bên trong của nhân vật
phải có chọn lọc những hành động tiêu biểu, có ý nghĩa thể hiện tính cách nhân vật.
Trong “Vệ sĩ của quan châu”, Ma Văn Kháng đã miêu tả hành động của Khun qua vài chi tiết nhưng đã khái quát rõ nét chân tơ kẽ tóc tâm tính con người Khun, “hắn ngửi được hơi lạ trong gió, nghe được bằng da thịt, nhìn xuyên đêm tối, hắn thích giết người và không sợ bị người giết. Hắn là một đống bù xù hỗn mang mông muội. Khun tàn ác và bạo liệt, nhưng y không ý thức được hành động của mình”[28, tr29].
Lão Xuyển trong “Đỉa bám chân ai”, hiền lành, nói ít mà làm nhiều, lão cặm cụi cả đêm một mình đóng chiếc cũi, tự biến mình thành một tù nhân. Hành động đó khiến bà vợ lão băn khoăn, không biết ông lão đang làm gì. Khi hiểu tra sự việc lão đang tự đóng cũi nhốt mình để chế ngự những cơn vật vã khi lên cơn them thuốc. Người đọc mới thấy hết được nghị lực, sự dũng cảm của người đàn ông này. Hành động đó đã trả lão Xuyển về đúng bản chất của mình, hình như lão đang sống lại cái thời trai trẻ, cũng thức khuya, dậy sớm… chất phác, hiền lành. Con ma thuốc phiện đã đầu độc tâm trí lão, hành hạ thân xác lão, nhưng nó không làm vẩn đục tấm lòng và nhân cách trong sáng, giản dị của Lão.
Lý A Lừ trong “Hoa gạo đỏ” lại được khắc họa qua hành động kề vai, cõng cả phiến đá nặng trên lưng, băng rừng vượt suối để đưa báu vật của vua về với bản mèo. Nghĩa cử cao đẹp của lão xuất phát từ tinh thần yêu nước, tình yêu thương người bạn đường đã kiệt sức và còn là nghĩa vụ là tinh thần trách nhiệm của một công dân với quê hương. Với Lý A Lừ dù việc khó đến đâu, vất vả thế nào, nhưng nếu đã là việc làng, việc nước thì dẫu có phải chết lão cũng dốc toàn bộ sức lực để làm cho trọn vẹn. “Ông Lừ đã dựng phiến đá
dậy, đặt nó vào hai sợi dây da. Ngồi xuống, áp lưng vào phiến đá, ngoằng hai đầu dây vào vai tay nắm hai đầu dây còn lại, nhịn hơi, mặt căng nhức, ông từ
từ đứng lên hai cái đầu gối run lẩy bẩy chỉ chực trẹo đi, gẫy khục. Nhưng mà không, ông Lừ đã đứng dậy được. Ông đã bước đi. Loạng choạng mấy bước đầu, nhưng ngay ngắn dần. Ông quàng sợi dây da lên trán. Đầu ông giờ là cái cọc níu giữ phiến đá nặng kia”[28,tr 60]. Đây có lẽ là hành động đẹp nhất, đoạn văn hay nhất trong cả tập truyện bởi nó phản ánh đúng bản chất, tính cách của người miền núi. Yêu biết bao những người dân nơi địa đầu Tổ quốc, trình độ hiểu biết của họ tuy còn thấp, song họ không mắc phải căn bệnh thờ ơ, vô cảm trước những nỗi đau khổ, cực nhọc hay mất mát của đồng loại. Mà trái lại, trong khổ đau, vất vả, trong những thời khắc thử thách quan trọng của cuộc sống, họ đã vượt qua và tỏa sáng lòng dũng cảm. Chỉ với một hành động mà nhân vật Lý A Lừ đã trở thành biểu tượng của sức mạnh, tình yêu thương người, lòng dũng cảm, sự giản dị chất phác. Và cũng chỉ với một hành động ấy thôi nhân vật người dân miền núi của Ma Văn Kháng sẽ còn sống mãi bên cạnh một A Phủ gan dạ, một cô Mị xinh đẹp là một Lý A Lừ chất phác, những biểu tượng ấy sẽ mãi ghi một dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng.
Khi viết về những trang nam nhi gan dạ, dũng cảm, Ma Văn Kháng miêu tả hành động của họ chỉ với vài chi tiết nhưng đã làm nổi bật phong thái và phẩm chất của họ. Đó là những chiến sĩ công an trên mặt trận an ninh. Quản giáo Thăng trong truyện ngắn cùng tên hành động nhanh nhẹn, dứt khoát: “Thăng nhảy ngay lên một mô đá…hất nòng tiểu liên ngỏng lên trời, nổ liền một tràng dài” [27, tr 77]. Trong giới tội phạm, Thăng mỗi ngày thêm khôn ngoan, kinh nghiệm hơn. Có lúc mạnh mẽ, lúc lại điềm tĩnh, vững vàng đối phó với từng tên tội phạm, có như vậy anh mới hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đặc biệt những chiến sĩ cảnh sát nằm vùng, trà trộn vào thế giới tội phạm để phá án thì hành động càng phải cẩn trọng. Những dòng viết miêu tả chi tiết hành động của họ cho thấy kiến thức sâu rộng, sự quan sát kĩ lưỡng và
tấm lòng yêu người tha thiết của tác giả mới có những câu chuyện tinh tế, độc đáo như vậy.
Ngược lại khi miêu tả hành động của những gã trai lơ giả tạo, tác giả cho thấy sự bần tiện, bỉ ổi của chúng. Hành động của Hoàn (“Chị em gái”): “Hoàn sấn lại ngay. Tưởng y có thể trơ trẽn thọc tay vào túi sơ mi chật căng nơi ngực Thương theo gợi ý của chính Thương để lấy tiền, ai ngờ y lại táo tợn vòng tay ôm ngang hông Thương” [25, tr 279]. Hành động đó chứng tỏ hắn tinh nhanh năm bắt tâm lí, tình cảm đàn bà, càng chứng tỏ hắn ranh mãnh, ma cô “được con em lại them con chị”. Hắn bắt cá hai tay, đùa giỡn tình cảm hai chị em, thỏa mãn cơn khát khao nhục dục của mình.
Nhân vật người phụ nữ trong ba tập truyện ngắn này của Ma Văn Kháng, ngoài niềm khao khát hạnh phúc, đam mê nhục dục, đa phần ở họ mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Đảm đang, tháo vát, giàu đức hi sinh, cảm chịu nhẫn nhục và luôn sống vì người khác hơn là sống cho bản thân mình. Hành động của các nhân vật này phần nào thể hiện tính cách của họ. Nhân vật người phụ nữ trong “Lũ tiểu mãn ngập bờ” là một minh chứng
điển hình cho điều đó. “Lần này, sau khi dặn Biên, My đã đứng lên trong thế
đứng dé chân chèo. Và lập tức con thuyền đã thoát ra tình thế bị khống chế. Mũi nó quay sang ngang. Nó chồm lên trên từng lớp sóng. Vì lúc này nó đã có một lực tiếp sức mới. Lực tiếp sức đó là ở cái mái chèo trong thao tác chém mạnh xuống mặt nước rồi dựa vào điểm tựa là cái cọn chèo để kích đẩy con thuyền vượt lên, thật mạnh mẽ và dứt khoát. Lực tiếp sức đó là của My, là từ My ở đáng đứng vững chãi phía đuôi thuyền. Ở sức lực dẻo dai bền bỉ tiềm ẩn trong My. Ở đôi tay My uyển chuyển trong động tác chèo lái. Ở cái dáng giật ngược mái chèo và ở cái hình hài chị khi xòe rộng hai cánh tay, rạp mình xuống như đè lên đôi mái chèo, để hở cả nửa khuôn ngực tròn trĩnh trắng mịn như khuôn ngực trinh nữ, sau mấy cái khuy bấm đã buột mở” [25,tr126].
Như vậy qua sự khảo luận ngắn gọn trên, chúng tôi nhận thấy các tập truyện ngắn Trốn nợ, Mùa thu đảo chiều và San Cha Chải của Văn Kháng mang những cảm hứng thế sự rất mới mẻ, mọi chi tiết, hành động trong truyện đều được chắt lọc, chọn lựa cẩn thận và miêu tả có dụng ý nghệ thuật. Người đọc thấy được sự hiểu biết sâu rộng của nhà văn đối với cuộc sống miền núi và thành thị, trước đây và hôm nay. Quả thực Ma Văn Kháng sống và viết rất kĩ lưỡng, thâm trầm, cẩn thận. Hình tượng nhân vật vừa phong phú đa dạng nhưng vẫn có gốc rễ sâu xa trong tâm thức người Việt. Vì vậy mà truyện ngắn của ông vừa ra đời đã được đông đảo bạn đọc đón nhận và ngay lập tức trao cho ông vị trí danh giá trên văn đàn văn học nước nhà.
Tính cách nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng đều được bộc lộ qua hành động, chủ yếu bằng hành động. Nhà văn khắc họa hành động để qua đó thấy được tính cách, bản chất bên trong của nhân vật. Điều đó ta có thể tìm thấy qua bất kỳ truyện ngắn nào của ông, đặc biệt là nhân vật trong Trốn nợ, Mùa thu đảo chiều và San Cha Chải.