Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong các tập truyện ngắn gần đây của Ma Văn Kháng ( Trốn nợ - 2008, Mùa thu đảo chiều - 2012, San Cha Chải - 2013) (Trang 82 - 88)

5. Cấu trúc của luận văn

3.3.Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật

Khắc họa nội tâm là một biện pháp quan trọng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Càng ngày văn chương càng đi sâu vào thế giới nội tâm con người. Điều đó chứng tỏ văn chương ngày càng miêu tả chân thực cuộc sống con người, đặc biệt văn chương đã tỏ rõ chức năng của nó khi đi đào sâu bản chất của đời sống nội tâm con người. Vì quá trình tâm lý bên trong của con người là đối tượng đặc thù chỉ có văn chương mới khai thác, khám phá được. Bản chất của con người là tư tưởng, ý thức, tâm lý. Vì nhiều lí do mà con người không thể bộc lộ hết tâm tư tình cảm, suy nghĩ thầm kín bên trong, mà chỉ có thể biểu lộ một phần nào đó ra bên ngoài. Ứng với việc khai thác thế giới bên trong nhân vật không còn là thời gian tuyến tính nữa mà là thời gian

ba chiều: quá khứ, hiện tại và tương lại. Có nhiều biện pháp thể hiện tâm lý nhân vật. Người ta có thể dùng kiểu tự sự, phân tích tâm lý nhân vật, có thể dùng ngoại cảnh hoặc cũng có thể dùng ngôn ngữ nhân vật, hoặc ngôn ngữ trần thuật của người kể chuyện biết tuốt…. để khắc họa nội tâm nhân vật.

Tính cách nhân vật trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng thường bộc lộ chủ yếu qua ngoại hình, hành động. Người đọc ít thấy nhân vật chìm đắm trong suy tư. Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết nhà văn vẫn sử dụng biện pháp khai thác miêu tả nội tâm để khắc họa, xây dựng nhân vật, đặc biệt là thế giới nội tâm của nhân vật những người phụ nữ.

Tâm lí nhân vật được nhà văn soi chiếu từ những xao động nội tâm, những ẩn ức khó giãi bày của con người trước những tình huống đáng buồn của hiện tại như bi kịch gia đình, tình yêu, quan hệ giữa người với người...

Nhân vật của Ma Văn Kháng lại là những người chịu nạn, chịu oan trái của cuộc đời. Và dù bị mắc nạn họ vẫn hướng thiện, tự tìm cho mình niềm an ủi để chịu đựng và vượt qua. Không chỉ các nhân vật trong ba tập truyện ngắn chúng tôi khảo sát mà trong các truyện khác, nhà văn cũng đều tập trung diễn tả nội tâm, cách cư xử của các nhân vật trong mọi hoàn cảnh, chẳng hạn ông Thại trong “Tóc huyền màu bạc trắng” đã biết tự rèn luyện ý chí để “biết cách sống trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất” và có thể “ở trên những buồn phiền, lo âu, ở ngoài những nhọc nhằn đau đớn. Đó là những con người có nghị lực mạnh mẽ, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ vẫn sống như cây xương rồng luôn vươn lên trên cát cằn, sỏi đá.

Các kiểu nhân vật trong sáng tác của Ma Văn Kháng thường rơi vào môi trường đầy sự tráo trở, bất công. Ở đó, con người phải tự ý thức vượt qua những rào cản vô lý của cái xấu, của vận hạn để hướng tới những căn cốt, nền tảng của đạo lý, văn hóa làm nên cốt cách đầy giá trị nhân bản. Ma Văn Kháng đã rất tinh tế khi đi sâu miêu tả nội tâm, những dòng suy nghĩ của nhân

vật người đàn ông tên Đoan trong truyện ngắn “Chuyến xe buýt cuối ngày”. Trên chuyến xe buýt 550 cuối ngày, Đoan gặp một người phụ nữ xinh đẹp, hiền hậu và dần dần anh càng thương nhớ người phụ nữ đó, lâu dần anh trở nên quen hơi bén tiếng chị đến mức, đặt chân lên xe buýt là anh chỉ mong sao chuyến xe chạy thật nhanh để đến điểm dừng mà ở đó chị đang đứng đợi. Những rung động thầm kín len lỏi trong suy nghĩ của anh, nhớ thương chị đã trở thành một ý nghĩ thường trực làm biến động cả cuộc sống vốn bình lặng của Đoan, điểm dừng xe buýt đã trở thành niềm xao xuyến bồi hồi trong anh: “Trong sâu xa, anh có cảm giác, chị cũng chờ mong cuộc gặp gỡ này. Lên xe rất hấp tấp, tìm được chỗ đứng là chị đưa mắt kiếm tìm và cả hai đều rưng rưng cảm động khi nhìn thấy nhau. Đoan bắt đầu thương nhớ người thiếu phụ xinh đẹp có hoàn cảnh sống rất vất vả nọ. Chứng cớ là những ngày thứ bảy và chủ nhật không đi làm, có những lúc anh ngẩn ngơ như người lãng trí. Rồi sực nhớ, anh sốt ruột chỉ mong chóng đến ngày thứ hai, để được đi làm và trở về trên xe buýt cuối ngày” [25,tr165-166]. Cho đến một ngày người phụ nữ đã không còn xuất hiện trên chuyến xe buýt cuối ngày nữa, Đoan trở nên khắc khoải, hi vọng, đợi chờ, tim anh đập lồng lên khi xe chỉ còn cách phố Trần Nhân Tông một bến: “Và lần này, tim anh đập lồng lên khi xe chỉ còn cách điểm đỗ phố Trần Nhân Tông một bến xe. Thử chơi trò ú tim, anh nhắm mắt lại. Và chỉ mở bừng mắt khi nghe tiếng lá sung rung lao xao trong gió và chiếc xe hãm phanh, dừng hẳn lại”[25,tr168]. Điều mơ tưởng của anh đã không thành hiện thực, không phải bóng dáng người phụ nữ đã âm thầm chiếm trọn trái tim anh mà là một cụ già bước lên xe buýt, nỗi nhớ trong anh cồn cào, cháy bỏng, vắng bóng chị chuyến xe buýt cuối ngày càng trở nên cô đơn bởi còn lại mình anh đối diện với nỗi trống vắng trong lòng. Ngày nào Đoan cũng đi trên chuyến xe buýt ấy, để ngóng đợi, để mơ tưởng và anh sửng sốt bàng hoàng khi nghe tin sét đánh bên tai, người phụ nữ đó là cave đã đổi

địa bàn hoạt động. Trong anh trào dâng lên bao niềm cảm xúc, vừa buồn vừa yêu, vừa day dứt, vừa cảm thương sâu sắc, vừa trân trọng nâng niu. Câu chuyện thật cảm động về tình yêu chân thành của chàng bác sĩ với cô cave đã đem lại nhiều cảm xúc cho người đọc về số phận bất hạnh, đau khổ của con người. Cuối tác phẩm nhà văn đặt ra câu hỏi sâu sắc, khơi gợi nhiều dòng cảm nghĩ cho mỗi người: “Chẳng lẽ cái đẹp cần được nâng niu trân trọng lại phải nhận sự chà đạp phũ phàng đến thế? Chẳng nhẽ cái cuộc đời này lại ẩn chứa nhiều tai họa đến thế, lại thiếu hẳn sự bảo trợ an toàn đến thế?” [25,tr169]. Câu hỏi nhiều day dứt trở đi trở lại trong Đoan và anh lại tiếp tục mơ tưởng, hi vọng, ngóng trông.

Quan sát nhân vật Quang trong “Khách trọ” với những dòng suy nghĩ miên man hướng về Thoa, tính cách của Quang đã thể hiện rất rõ. “Thế này thì dứt khoát là sẽ nổ ra một trận lôi đình rồi! Thế này thì chắc chắn là chỉ chốc lát nữa thôi, ở căn nhà này, sẽ bùng nổ một cơn giận dữ không đổ quán xiêu đình, thì cũng ầm ĩ tan nát cửa nhà! Quang nghĩ ngay tới điều hung hiểm buồn lo đến thắt tim nọ, kể từ lúc nghe tiếng Thoa, nữ chủ nhân của căn nhà, cất tiếng gọi cổng bẳn gắt và sau đó là tiếng giày cao gót của chị nện cồng cộc dồn dập trên cầu thang gỗ ở tầng hai” [25,tr98]. Chỉ từng ấy câu chữ mà

tính cách của một nhân vật đã hiện ra rõ nét. Quang thận trọng trong ứng xử,

tinh tế trong việc nắm bắt tâm lý của người phụ nữ. Chính vì điều này mà Quang đã chiếm được tình cảm của Thoa, người đàn bà xinh đẹp nhưng rất cay nghiệt. Ngòi bút của Ma Văn Kháng đã thực sự thành công trong việc khắc họa thế giới nội tâm sâu sắc của nhân vật Quang khi vô tình được chiêm

ngưỡng vẻ đẹp phồn thực của Thoa “Quang có cảm tưởng vừa phải vượt qua

cả một khu rừng hoang sơ để đến với một cánh đồng phì nhiêu tươi tốt. Ám ảnh thiêng liêng và huyền bí bám riết Quang đến mức từ đó mỗi khi bước vào căn buồng nhỏ và đứng soi mình trước tấm gương nọ, anh lại run rẩy bồi hồi

như đang ở nơi thánh địa” [25,tr 99]. Với lối so sánh đầy hình ảnh, nhà văn đã không né tránh những dòng suy nghĩ đầy tính nhục dục của nhân vật. Nhưng cách miêu tả nội tâm như vậy không gây cho người đọc cảm giác ngượng ngùng, mà trái lại còn tạo ra nhiều sự liên tưởng độc đáo, phong phú trong tâm trí mỗi người.

Tuy rằng không thể so sánh với những cây bút đại thụ, tinh tế trong cách miêu tả dòng nội tâm thầm kín của nhân vật như Nam Cao, Tô Hoài…Nhưng tài năng của Ma Văn Kháng lại nằm ở việc không nói nhiều, không miêu tả chi tiết, suy nghĩ nhân vật không theo một dòng chảy nhất định. Những chỉ bấy nhiêu thôi khuôn mặt, hình dạng và tính cách con người đã hiện ra. Mỗi nhân vật của Ma Văn Kháng tạo ấn tượng cho người đọc cảm

giác vừa quen vừa lạ. Chứng tỏ, ông đã rất am hiểu tâm lý của con người, đặc

biệt là tâm lý của những người đang yêu, khao khát tình yêu. Nhà văn đã hóa thân vào nhân vật để diễn tả một cách chính xác chân thực những suy nghĩ, tâm tư tình cảm của họ.

Để khắc họa sâu sắc, cụ thể diễn biến tâm lí nhân vật, nhà văn Ma Văn Kháng có sử dụng yếu tố tâm linh để miêu tả. Yếu tố nghệ thuật này được nhà văn khai thác để khám phá sự phát triển tính cách, sự biến đổi số phận nhân vật, lý giải cho kết cục của nhân vật.

Ma Văn Kháng đến với khái niệm tâm linh ở ngoài phạm vi của cụm từ “mê tín dị đoan”. Tâm linh được hiểu theo nghĩa rộng, “là khả năng, năng lực, nhân tính thiêng liêng của con người phù hợp với cái thiện, cái đẹp nhưng dường như lại nằm ngoài khu vực của lí trí. Thế giới tâm linh là cõi huyễn hoặc, hư vô, đầy bí ẩn của con người mà khoa học vẫn chưa giải thích được”[35].

Nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn bị ám ảnh bởi số mệnh, nghiệp căn. Số phận nhân vật Nhung trong “Hoa nhài buổi sớm mai” được xác định

trong lá số tử vi là người đàn bà có đôi nhũ hoa đẹp nên “nàng có đồng hỷ loan phượng nghĩa rằng là trái tim nàng đồng vọng với ai thì tùy, nhưng nàng được rất nhiều người mến mộ và toàn bậc quân tử cả. Nàng không bao giờ được giữ vai người có cấp chức lãnh đạo, nhưng nàng luôn ở cạnh những người như thế” [27, tr 179]. Nhung đẹp nhưng số phận đa đoan. Nàng toàn gặp phải những hạng đàn ông dâm ô, đểu giả, chỉ muốn sở hữu đươc thân xác nàng mà không hề coi trọng, nâng niu nàng. Nàng không thể sống thiếu một người đàn ông. Nàng lấy chồng hai lần, người thì vũ phu, kẻ thì gù, già, góa vợ, chẳng vừa lứa xứng đôi. Đó là số mệnh, duyên phận của nàng.

Ma Văn Kháng lí giải số phận éo le, trắc trở của con người, ngoài hoàn cảnh xã hội thì mỗi con người còn có một số mệnh riêng, đã được ông trời sắp đặt từ khi sinh ra “có bao nhiêu là cái ngẫu sự trong đời người…Có vô số tình huống có thể dùng lời lẽ giải tỏ được. Nhưng cũng còn có bao nhiêu điều bí ẩn và trớ trêu nằm trong sự huyền bí của cuộc sống và con người chỉ có thể chấp nhận thôi” [27, tr176]. Trong truyện “Bức tranh người đàn bà chơi vĩ cầm”, nhà văn để cho ông Đường sữa nói về số phận của bà Hoàng Lan, bà phải kết hợp với Đác- chồng bà: “Tôi xem kỹ tử vi của bà Hoàng Lan và tay Đác rồi. Biết rõ Đác chỉ là tên lưu manh dở, một thằng phản trác đểu giả. Nhưng Lan không bỏ được. Ngược lại Đác cũng muốn dứt bỏ vợ để đi với cái Liềm trẻ trung, sôi nổi hơn. Nhưng cuối cùng cũng không dứt bỏ nhau dược. Vì sao? Nợ nần, ràng buộc phàm trần tôi không biết. Nhưng biết là tử vi nói rất rõ. Lan tuổi Canh Dần là hổ, hổ độc. Còn Đác tuổi Bính Tuất là chó nhưng là chó cũi. Chó cũi là chó dữ. Hổ độc đi một mình gặp chó dữ là chết rồi. Cho nên mới nói Bính phá Canh. Nói kỹ hơn thì là thế này: Trong tử vi có hai loại xung, xung khắc và xung sinh. Lan và Đác là xung sinh, họ có nhị hợp chứ không phải là tam hợp, nên vừa sống với nhau vừa kiềm chế, vừa trị nhau…”. Hay trong truyện ngắn “Quản giáo Thăng”, “Móng vuốt thời

gian”…đều có chi tiết miêu tả tướng số, định mệnh của nhân vật, có giấc mơ dự báo trước số phận, tương lai của nhân vật trong tác phẩm. Có thể nói đi sâu miêu tả thế giới tâm linh của nhân vật là nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong các tập truyện ngắn gần đây của Ma Văn Kháng ( Trốn nợ - 2008, Mùa thu đảo chiều - 2012, San Cha Chải - 2013) (Trang 82 - 88)