5. Cấu trúc của luận văn
2.3. Nhân vật bản năng
Theo quan niệm của triết học, con người bản thân nó bao gồm cả phần “người” và phần “con”, phần “xã hội” và phần “tự nhiên”. Trong văn học phương Đông nói chung, trong suốt một thời gian dài, con người bản năng gần như không được chú ý và có phần kiêng kị. Mãi cho đến sau đổi mới (1986), người ta mới có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề bản năng của con
người và kiểu nhân vật bản năng được nhắc đến trong nhiều sáng tác của các tác giả trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu… Ma Văn Kháng mặc dù là nhà văn có sức sống mãnh liệt từ những năm kháng chiến, tuổi đời cũng khá cao nhưng trong dòng chảy của sự đổi mới cái nhìn và quan niệm về con người, đặc biệt là bản năng tính dục của con người, Ma Văn Kháng gây được ấn tượng cho người đọc và được nhắc đến là người đi tiên phong về vấn đề này.
“Bản năng là khả năng vốn có do bẩm sinh chứ không phải do kinh nghiệm luyện tập” (Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt). Trước hết, nhà văn miêu tả bản năng tự nhiên, hoang sơ của con người thời mới khai thiên ở vùng biên ải. Đời sống con người và xã hội vùng biên giới gắn chặt với một trình độ văn hoá, một giới hạn văn minh, con người sống phần nhiều dựa vào cảm tính tự nhiên. Vô khối con người ở đây không ý thức được hành vi của mình. Họ có thể tốt một cách hồn nhiên như Giàng Tả hay ác một cách bản năng như Khun. Ma Văn Kháng đã viết “Giàng Tả, kẻ lang thang” để nói lời minh oan cho những con người không ý thức được hành động của mình. Lí lịch trích ngang của Giàng Tả rất phức tạp, lúc ở với địch, lúc lại theo giúp bộ đội ta. Ngày giải phóng, chính quyền ta gọi Giàng Tả “đến tập trung học tập trong trại cải tạo những kẻ lầm đường theo giặc”. Trong con mắt của chủ tịch Lao Chải, Giàng Tả “không phải là đầu sỏ phỉ, chỉ là phỉ viên, nhưng cúc cung tận tuỵ với chủ nó lắm! Lão này gớm lắm!... Gan, ngoan cố lắm”. Anh ta không cần biết Giàng Tả là người “bụng dạ thật thà, nhân hậu, ngay thẳng”. Bởi vì anh ta không thể biết, trước sau, Giàng Tả vẫn chỉ là “cái anh chàng khoẻ như vâm, chuyên đi làm thuê”, “là một sức khoẻ phi thường mà lại hồn nhiên”.
Nhà văn đã để cho nhân vật người kể chuyện “thở một hơi dài não nuột”, sau khi nghe lời buộc tội Giàng Tả của viên chủ tịch xã Lao Chải. Chao ôi! Với
những cách nhìn như thế thì, “Cái đáng biết lại không biết. Cái không nên quên lại quên. Lịch sử thế là mất đi cái hồn nhiên của nó” [28,tr41-42].
Chốn hoang sơ rừng rú “của thời mới khai thiên” sản sinh ra cái hồn nhiên, thuần phác. Đó cũng là vương quốc tự do của bản năng tàn bạo. Ở đó, “những bản năng bán khai” được buông phóng không còn giới hạn. Khun trong truyện Vệ sĩ của quan châu là một “bản năng bán khai kinh thiên động địa”. Hắn ngửi được hơi lạ trong gió, nghe được bằng da thịt, nhìn xuyên đêm tối. Hắn thích giết người và không sợ bị người ta giết. Bản năng hiện hình trên cả cái thân xác của hắn. Hắn là “một đống bù xù hỗn mang mông muội”. Người ta băn khoăn không hiểu là “quỷ sứ hiện hình vào Khun hay chính Khun là quỷ sứ siêu đẳng”. Điều quan trọng ở đây, Khun tàn ác và bạo liệt, nhưng y không ý thức được hành động của mình. Khi được hỏi tại sao thích giết người, lại trung thành với lão quan châu, thì hắn lờ mờ nhớ rằng chỉ vì một bữa tiệc mười một món mà hắn được cho ăn khi đang đói. Miêu tả bản tính tàn bạo của đời sống rừng rú, bút lực của Ma Văn Kháng trở nên dữ dội, mạnh mẽ khác thường.
Trong thời đại thống trị giai cấp, mọi sự hồn nhiên, ngây thơ, vô ý thức, cả lòng tốt lẫn sự tàn bạo đều hoặc là bị đè bẹp, chà đạp, hoặc là bị mua chuộc lợi dụng. Giàng Tả là trường hợp như thế. Khun cũng là một trường hợp như thế. Quan châu Vàng A Ký đã biến Khun thành “nanh hổ, vuốt gấu, răng chó, dao, súng, đao phủ khát máu, chết chóc mù loà”, thành tay sai gian ác “gớm guốc còn hơn chủ”. Có thể nói, “ Ma Văn Kháng là nhà văn có những trang viết hay nhất về cái bạo liệt, dữ dội của miền biên ải. Nhà văn đã làm giàu thêm cảm xúc và kinh nghiệm thẩm mĩ của người đọc bằng những trang viết như vậy” [38].
Sáng tác của Ma Văn Kháng gợi dậy ở người đọc tình cảm xót xa, vừa giận, vừa thương: xót xa những kiếp người không được làm người, thương
cho sự hoang sơ mông muội và giận thaycho sự bạo tàn, man rợ mang “hình sắc của thời mới khai thiên”.
Nói đến nhân vật bản năng của Ma Văn Kháng, người đọc còn phải chú ý đến phần bản năng dục vọng, tính dục của con người. Nhà văn khai thác vấn đề này một cách tự nhiên, trả con người về với đúng nghĩa của nó. Chính vì vậy, tác phẩm của Ma Văn Kháng thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc. Vấn đề này được tác giả miêu tả trong các tác phẩm viết về chốn thành thị là chủ yếu, đó là các truyện ngắn trong hai tập Trốn nợ và Mùa thu đảo chiều.
Trở về với chốn thành thị, đọc “Điệu Rumba mê dại”, ta như thấy cả một nhịp điệu mê man chốn thị thành khi mà đời sống phơi mở biết bao phương diện mới mẻ, mời gọi và hấp dẫn con người - trong đó có khiêu vũ. Này đây: "Người múa đôi với Hoan giờ đây là một trang công tử tuấn tú, hào hoa, đã trở nên gần gụi tới mức có thể thổ lộ tâm tình và càng lúc càng cuốn hút Hoan rồi…. Một ngọn lửa khát khao đã bùng cháy. Một con hồ nổi sóng. Một kích thích dữ dội đẩy ra từ bên trong khiến nàng lúc này bỗng thấy đau tức cả vồng ngực dày như vừa được đắp nặn thêm và căng nhức hai bắp đùi"[27,tr104]. Những câu văn dài, ngắn khác nhau với độ gấp khúc hết sức linh hoạt đã cho chúng ta cảm nhận cái không khí, cái nhịp sống đầy hiện sinh ở vũ trường. Đồng thời cũng làm phát lộ cái "điệu tâm hồn" mới nảy sinh trong con người Hoan, vốn lâu nay đã chán chường vì chồng là một nhà "khoa học trong tháp ngà". Hoan là con người của đời sống phồn thực, hiện sinh, năng động đầy biến ảo. Khi bản năng, ham muốn giới tính được khơi dậy, Hoan bừng nở phơi phới như đâm chồi nảy lộc, tràn trề sinh lực.
Nhung trong “Hoa nhài buổi sớm mai” khao khát được yêu thương, nàng không thể sống thiếu đàn ông. Nàng mạnh bạo, thẳng thắn và quyết liệt trao thân cho Thành- người nàng yêu thương: “Nhung cầm tay tôi, mân mê rồi thình lình nâng lên và áp nhẹ vào khuôn ngực mình…Khuy áo đã tuột hết. hai
vạt áo như hai cánh màn toang mở một cung điện giữa thanh thiên. Vùng ngực Nhung mưng mẩy, bồng bềnh hư ảo và ngầy ngậy hương thơm của da thịt đàn bà đang mùa yêu” [27, tr 170-171]. Vì thế mà sau này, Thành đã có vợ vẫn không quên được Nhung- một tình yêu nồng nàn và thuần khiết.
Thoa (Khách trọ), một người đàn bà goá chồng ở độ tuổi 35, vất vả nuôi hai đứa con, nhưng trong con mắt của Quang, một chàng trai chưa vợ, cảm nhận: “Suối tóc đen nhánh chảy sau lưng. Cả phần ngực trần trụi mênh mông với hai bầu vú mụp mạp, nhuầy nhuậy cùng hai núm vú đỏ hồng cong vểnh căng tràn sinh lực của chị in trong làn gương soi, tạo nên một hình dạng đặc thù, vừa hiện thực vừa hư ảo lạ lùng”[25,tr98]. Chân dung ấy tạo cho Quang sức ám ảnh. Thoa là người đàn bà đẹp, vào tuổi 35 nhan sắc càng lúc càng nồng ngấu, nhưng tính tình rất khác thường. Nó rất giống kiểu người phụ nữ xuất thân trung lưu nhưng sớm va chạm nơi thương trường, không thuần nhất. Đó là lí do khiến Quang “tự nguyện vào vai hiệp sĩ” trong gia đình nàng với không ít niềm hi vọng và toan tính.
Vẻ đẹp của Út Sâm trong “Lênh đênh sông nước miền Tây” vừa phồn thực vừa lộng lẫy: “Út Sâm nhô nửa thân mình lên cao như nữ thủy thần trong ánh chiều nạm vàng, phô bày toàn bộ bầu ngực tròn đầy căng nở nuột nà của đàn bà đang ở trong thời điểm cực kì hoan lạc” [25, tr58]. Cũng có khi vẻ đẹp của nhân vật không cần phô bày trọn vẹn trong trạng thái khỏa thân mà chỉ qua đường cong eo hông, bờ vai…Vẻ đẹp gợi cảm của người phụ nữ cũng hiện lên sống động, khiến người ta khao khát, trân trọng. Nhung trong “Hoa nhài buổi sớm mai” “đẹp cái đẹp của bông hoa nhài buổi sớm mai sau một đêm ấp ủ nấu nung để khai mở. Có cái vẻ tưởi mưởi, rười rượi trong mắt nàng. Có niềm háo hức bừng nở ở ngoại diện nàng…” [27, tr174].
Thực tế việc thể hiện thân phận người phụ nữ với những khía cạnh này không phải là mới trong văn học. Hình ảnh người phụ nữ qua trang văn của
Ma Văn Kháng chủ yếu được nhìn nhận và đánh giá dưới góc nhìn chủ quan. Đa phần những người phụ nữ hiện lên nhuốm màu nhục cảm của nhà văn. Mỗi người một vẻ nhưng tựu trung những nhân vật phụ nữ của Ma Văn Kháng có vẻ đẹp cảm quan hết sức “phồn thực”. Vì vậy, như một tất yếu sự xuất hiện của các nhân vật nữ trong truyện mang giá trị khơi dậy cảm xúc giới tính và ham muốn bản năng của nhân vật phái mạnh.
Qua đây, có thể thấy, Ma Văn Kháng là nhà văn tiên phong đi sâu khai thác bản năng tính dục của con người. Ông đề cao, trân trọng và coi tính dục như một bản năng của con người chi phối đời sống của con người.