Nhân quả đối với hôn nhân và gia đình trong ca dao, tục ngữ

Một phần của tài liệu Thuyết nhân quả Phật giáo trong văn học dân gian Việt Nam (Trang 48 - 54)

8. Kết cấu của đề tài

2.1.3.Nhân quả đối với hôn nhân và gia đình trong ca dao, tục ngữ

Như trên đã phân tích chúng ta thấy rằng trong suốt dọc dài lịch sử (có thể nói) hầu hết những sáng tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt trong ca dao, tục ngữ do người Việt viết, hoặc phóng tác, không nhiều thì ít, đều đã chịu sự ảnh hưởng của thuyết nhân quả, luân hồi, nghiệp báo của Phật giáo.

Ngay trong gia đình tư tưởng thuyết nhân quả - nghiệp báo của Phật giáo đã có ảnh hưởng trong nếp suy nghĩ của người dân:

“Ba duyên sánh với bảy tròn, Đời cha vinh hiển đời con sang giàu”

[22, tr. 43]

Chúng ta thấy rằng trong gia đình sự giáo dục của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách của con cái đặc biệt là tư cách của cha và mẹ. Ở đây chúng ta không quá nhấn mạnh vai trò của cha mẹ, nhưng xét theo quy luật nhân quả ngoài yếu tố là sự nỗ lực của chính bản thân người con thì những yếu tố bên ngoài như điều kiện vật chất, đặc biệt là gia đình (theo giáo lý nhân quả gọi là duyên) là một thành tố quan trọng để người con phát triển. Do vậy những triết lý mà ông cha ta đã đúc kết vận dụng theo thuyết nhân quả mang lại những giá trị nhân sinh sâu sắc nhằm khẳng định sự giáo dục của gia đình với con cái về cách sống, cách suy nghĩ. Mặc dù trong xã hội hiện đại cũng có không ít những gia đình bố mẹ công chức, kinh tế khá giả nhưng con cái vẫn không thành đạt một phần do tác động ngoại cảnh xã hội ảnh hưởng. Tuy vậy một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái nhiều nhất và quan trọng nhất vẫn là từ gia đình.

“Cây xanh thì lá cũng xanh Cha mẹ hiền lành để đức cho con”

Cây xanh là cây tươi tốt mạnh mẽ, cây đã tươi thì tươi từ gốc đến ngọn. Cũng như cha mẹ mà hiền từ thì con cái trong nhà cũng có nết na, ai thấy cũng tỏ dạ yêu thương. Nếu cha mẹ sống cuộc đời nhân hậu biết thí ân bố đức cho mọi người, thì ngay trước mắt hay con cháu về sau có ai gặp hoạn nạn, thất thế sa cơ, chắc chắn cũng gặp người tốt giúp đỡ. Câu ca dao trên mang ý nghĩa sâu sắc về sự giáo dục và ảnh hưởng của gia đình đối với con cái. Đặc biệt chứa đựng triết lý nhân quả sâu sắc. Chúng ta từng nghe câu “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Đúng vậy? Ở câu ca dao trên chữ đức mà cha mẹ để lại cho con cái có ý nghĩa rất quan trọng, đây chính là tiền đề để con người định hướng mục đích và hành động đặc biệt trong suy nghĩ của chính mình.

Và tư tưởng về nhân quả ba đời cũng có tác động đến nếp suy nghĩ và sự tin tưởng ở tương lai:

“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” [22, tr. 170]

Có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng chắc hẳn bản thân mỗi chúng ta cũng đều thấy rằng nếu hạnh phúc hay tiền của trong tay mà bất kì một người nào hay gia đình nào không biết nắm giữ hoặc gieo nhân ở hiện tại không đúng với những chuẩn mực đạo đức của xã hội, trái với quy luật khách quan hay chính trong suy nghĩ của bản thân mình về hành động thiện - ác thì quả tương lai không những không đạt được mà còn mang lại nghiêp báo ảnh hưởng đến đời sau. Trong khi đó nhận thức của con người là hữu hạn trước thế giới là vô cùng vô tận, lòng tham của con người là vô đáy. Chính vì vậy, theo Phật giáo để diệt trừ được tham, sân, si trước hết con người phải diệt trừ được vô minh. Có một số ý kiến cho rằng câu ca dao trên chỉ là lời động viên, an ủi khi người ta không thay đổi được kiếp nghèo. Nhưng chúng ta thấy rằng luật nhân quả đều có nhân và duyên của nó. Nó phụ thuộc vào bản thân mỗi chúng ta chứ không hẳn là do những tác động khách quan từ bên ngoài. Và con người có thể tiếp nhận những yếu tố bên ngoài (duyên) một cách tích cực hay tiêu cực để phù hợp với suy nghĩ, hành động của bản thân chúng ta. Qua

đó ta thấy được triết lý nhân sinh sâu sắc bởi hiểu được định lý nhân quả, nên từ ngàn xưa, tổ tiên ta đã khéo ứng dụng thể hiện vào đời sống theo chiều hướng thăng hoa tốt đẹp từ cá nhân, gia đình và xã hội đã đúc rút từ chính trong cuộc sống.

Bản thân mỗi chúng ta thấy rằng sức sống của tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn trong suy nghĩ và nhận thức khiến tư tưởng chuyển biến theo hoàn cảnh xã hội, tư tưởng Phật giáo Ấn Độ trở thành tư tưởng Phật giáo Việt Nam, trong đó có sự kết hợp với tư tưởng Phật, Nho, Lão của Trung Hoa và với tư duy của người Việt, cho nên có những câu ca dao tục ngữ đặc biệt mang hình thức Phật giáo, chứa đựng giáo lý nhân quả. Do vậy, từ khi Phật giáo được du nhập vào Việt đã được nhân dân ta tiếp nhận, cải biến và để sau đó trở thành tư tưởng Phật giáo Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, thấm đượm tính nhân sinh, chứa đựng đầy triết lý. Ngoài những câu ca dao – tục ngữ đã phân tích ở trên trong kho tàng ca dao – tục ngữ Việt Nam còn còn có rất nhiều câu ca dao – tục ngữ chứa đựng tư tưởng thuyết nhân quả dăn dạy con người mà trong giới hạn người viết không thể phân tích:

“Có tiên thì hậu mới hay.

Có trồng cây đức, mới dầy nên nhân” [22, tr. 60]

Việc gì cũng vậy, có trước rồi mới có sau. Dĩ nhiên trước có tốt thì sau mới tốt, trước đã không ra gì thì sau khó lòng tốt được. Bản tâm, bản tính con người trước có hiền lành, đức độ thì mới nảy sinh lòng nhân ái. Đức độ càng nhiều thì lòng nhân ái càng cao.

Hay:

“Tu đâu cho bằng tu nhà, Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”

[22, tr. 288]

cũng kính phục. Con cái hiếu thảo như vậy là người đáng khen, làm tròn công việc đó cũng đã xúng danh một vị chân tu.

Không những thế đó còn là lời khuyên dăn của ông cha ta đối với tình cảm vợ chồng, đây cũng là nhân để tạo quả. Quả đó không chỉ trong hiện tại mà từ quả còn sinh nhân mới trong tương lai. Tư tưởng nhân quả, luân hồi nghiệp báo là niềm tin cố hữu của dân tộc ta. Hiểu được luật nhân quả thì tâm con người ta hướng về những điều lành, điều thiện - tránh xa điều ác dẫu phải kiên trì chờ đợi :

“Ai ơi ăn ở cho lành,

Kiếp này chẳng gặp, để dành kiếp sau” [22, tr. 20]

Câu ca dao này ảnh hưởng rất lớn từ triết lý nhà Phật: luật Luân hồi. Đó là cái vòng tròn sinh sinh, hóa hóa của kiếp nhân sinh. Hễ kiếp này làm được được điều lành thì kiếp sau tránh được điều dữ. Ngược lại kiếp này ai làm điều dữ thì kiếp sau ắt gặp phải chuyện tai ương. Do vậy hãy ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức để tạo nghiệp cho kiếp sau của mình.

Người bình dân tin hiện kiếp là sự tiếp nối của tiền kiếp và là điều kiện tạo quả ở hậu kiếp. Thế nên họ xem xét trau dồi thiện tâm là để tạo phúc ở kiếp sau. Ta có thể hiểu được điều đó ở bài ca dao sau :

“Người trồng cây hạnh, người chơi, Ta trồng cây đức để đời về sau”

[22, tr.229]

Đức và hạnh là hai đức tính tốt của con người. Đức và hạnh bao giờ cũng ở cạnh nhau, hỗ trợ cho nhau như hình với bóng vậy. Vì người có đức, tức là biết ăn ở thuần hậu nhân nghĩa với mọi người xung quanh thì người đó tất phải có phẩm chất và bản tính tốt. Và ngược lại, người có phẩm chất và bản tính tốt – bao giờ cũng là người có đức độ, biết thương người, biết sống vì mọi người. Người có đức hạnh là người tốt, dù sống trong cảnh bẫn bách, cùng cực hoạn nạn, cũng được người đời ngưỡng mộ, kính trọng.

Trong tình yêu nam nữ cũng vậy, một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, đi sâu vào lòng người mà nhân quả cũng rất rõ ràng. Tình yêu là quà tặng của số phận, không ai giống nhau. Với quà tặng đó, người biết nâng niu thì lúc mở ra quà tặng đó sẽ có giá trị to lớn. Còn ngược lại, kẻ không biết quý trọng thì khi mở món quà đó ra sẽ không có giá trị gì hết. Tư tưởng của thuyết nhân quả cũng cho thấy rõ được điều đó: “gieo nhân nào gặt quả ấy”. Và điều đó thể hiện rất rõ qua các câu ca dao tục ngữ về tình yêu:

“Yêu nhau yêu cả đường đi, Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”

[1, tr. 171]

Khi yêu con người ta trở nên khác hẳn với bản thân mình. Họ luôn cố gắng để hoàn thiện bản thân mình, để có thể xứng đáng với người yêu mình hơn. Tình cảm là dòng suối vô tận chảy suốt trong lòng mỗi con người, thứ tình cảm trong tình yêu khác nhiều so với các thứ tình cảm khác. Khi họ biết đánh thức và trân trọng tình cảm ấy thì họ sẽ được nhiều thứ. Bởi thế mới nói: “yêu nhau yêu cả đường đi” hay “ yêu nhau vạn sự chẳng nề / một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”, nếu khi yêu họ biết nâng niu, trân trọng và vun đắp cho tình yêu của mình thì mọi việc đều tốt đẹp. Vì trong tình yêu bao giờ họ cũng coi người yêu của mình là trên hết là tất cả, họ có thể vì người mình yêu mà hi sinh nhiều thứ. Trong con mắt của những người yêu nhau, họ luôn tự hào về người mình yêu, thậm chí có những nhược điểm gì của người yêu mình họ cũng chấp nhận và cho là tốt. Thế nhưng khi không còn yêu nhau, hay không thể yêu một ai đó thì sao? Họ sẽ trở nên ghét hết mọi thứ mà người yêu đó có, oán hận, căm ghét…tất cả những gì thuộc về người đó :“ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”

Những câu ca dao, tục ngữ như:

“Yêu nhau thời ném miếng trầu Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra”

Hay:

“Yêu nhau cau sáu bổ ba

Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”, “Yêu nhau trầu vỏ cũng say

Gét nhau, cau đậu đầy khay chẳng màng”… [1, tr. 170]

Câu ca dao trên thể hiện nhân quả rõ ràng giữa yêu được gì và ghét nhau được gì trong những mối tình của nam nữ yêu nhau. Yêu là cho, là ban tặng mà không hối tiếc, dù cho nhiều đến mức nào đi nữa thì cũng còn thấy ít ỏi, chứ không nói đến chuyện cân nhắc, so đo tính toán. Ngược lại khi đã gét nhau thì một chút cũng không màng, mà nếu có cho thì cũng so đo từng chút.

Tình yêu cũng đa phương, đa sắc khó ai có thể khám phá hết được bản chất của tình yêu. Vì thế mà mỗi đôi bạn trẻ khi yêu có những cách biểu hiện khác nhau nên sẽ gặp những hậu quả tốt xấu không giống nhau như người đời thường nói:

“Yêu nhau lắm, cắn nhau đau” [1, tr. 170]

Nếu như khi bắt đầu một tình yêu nam nữ dường như ai cũng cố tìm ra trong cái kho ngôn ngữ của mình những từ ngữ đẹp nhất, thanh nhã nhất dành tặng cho những giây phút ban đầu khi họ dùng để tán tỉnh, chinh phục và bày tỏ tình cảm với người mình yêu thì khi chia tay hai người trong cuộc không còn yêu nhau nữa hoặc chia tay trong hờn ghen, tủi hận thì không ít người trong số họ không ngần ngại buông ra những lời chua cay nhất, đau nặng nhất để bắn vào người kia những phát đại bác liên hồi khiến họ phải tan nát hoặc tiếp tục sống trong đau khổ.

Như vậy, những câu tục ngữ ca dao trên khuyên con người phải biết những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Sống như thế nào cho phù hợp với gia đình với từng cá nhân để từ đó xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều mà

con người mong muốn là có một cuộc sống tốt đẹp mà ai cũng mong ước. Vậy thì, mỗi chúng ta hãy đối xử tốt trước nhất với những người thân trong gia đình, với những người vợ, người chồng, những người bên mình yêu thương mình đã. Có như vậy thì ai đó sẽ có được những nguồn cảm xúc hạnh phúc vô tận trong những ngày tháng sống trong cõi đời này, nhân quả cũng đến với họ một cách nhẹ nhàng và dễ chấp nhận hơn.

Một phần của tài liệu Thuyết nhân quả Phật giáo trong văn học dân gian Việt Nam (Trang 48 - 54)