Vài nét về ca dao, tục ngữ

Một phần của tài liệu Thuyết nhân quả Phật giáo trong văn học dân gian Việt Nam (Trang 41 - 44)

8. Kết cấu của đề tài

2.1.1. Vài nét về ca dao, tục ngữ

Tục ngữ, ca dao là phần phong phú nhất trong văn học dân gian của dân tộc ta. Đây cũng là phần có giá trị nhất về mặt trí tuệ, tình cảm và nghệ thuật biểu hiện. Do đặc điểm nội dung và hình thức ngắn gọn, có vần dễ nhớ nên nó luôn được nhân dân vận dụng, truyền miệng qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy, “nó luôn giữ được cái hồn, cái hình mặc dù có thay đổi một vài từ khi đến cư trú ở các địa phương khác nhau”. [42, tr. 5]

Hiện nay chưa có Một khái niệm nào chính xác về tục ngữ, ca dao bởi thực tế nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp trong việc phân biệt tục ngữ với thành ngữ, ca dao với dân ca. Sự lúng túng trong vấn đề phân biệt này xảy ra hầu hết ở mọi người, kể cả những người trong giới nghiên cứu về ngôn ngữ học. Do vậy, ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu những nét cơ bản nhất về ca dao, tục ngữ trong sự phân biệt nó với dân ca, thành ngữ thông qua quan điểm của các nhà nghiên cứu.

Thứ nhất về tục ngữ

Tục ngữ là lời ăn tiếng nói của nhân dân đã được đúc kết lại dưới những hình thức tinh giản mang nội dung xúc tích. Tục ngữ thiên về biểu hiện trí tuệ của nhân dân trong việc nhận thức thế giới, xã hội và con người. Nói như Gorki: “ Tục ngữ diễn đạt rất hoàn hảo kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội lịch sử của nhân lao động”. [18, tr. 229]

Hay “tục ngữ là những câu ngắn, gọn, có ý nghĩa hàm xúc, do nhân dân lao động sáng tạo nên và lưu truyền qua nhiều thế kỉ. Khối lượng thành ngữ và tục ngữ Việt Nam được tích luỹ từ lâu đời và ngày càng phong phú đã tạo nên một trong những đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ Việt Nam là tính chất giàu hình ảnh”. [31, tr. 244]

Tục ngữ có quan hệ với hầu hết các thể loại văn học dân gian khác nhau nhưng giữa tục ngữ và thành ngữ có mối quan hệ mật thiết và dễ lẫn lộn hơn cả, vì thế có rất nhiều ý kiến đưa ra để phân biệt tục ngữ và thành ngữ:

Việc phân biệt tục ngữ vói thành ngữ được Dương Quảng Hàm lần đầu tiên đặt ra qua “Việt Nam văn học sử yếu” (1943), với ý: Một câu tục ngữ tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ, hoặc khuyên răn hoặc chỉ bảo điều gì; còn thành ngữ chỉ là những lời nói có sẵn để ta tiện dụng mà diễn một ý gì hoặc tả một trạng thái gì cho có màu mè.

Nhưng Vũ Ngọc Phan lại cho rằng: “Tục ngữ là một câu tự nó diễn trọn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, một công lý, có khi là một sự phê phán. Còn thành ngữ là một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận của câu mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn tả được một ý trọn vẹn. Về hình thức ngữ pháp, mỗi thành ngữ chỉ là một nhóm từ, chưa phải một câu hoàn chỉnh; còn tục ngữ dù ngắn đến đâu cũng là một câu hoàn chỉnh. [51, tr. 29]

Bài viết “Về ranh giới giữa tục ngữ và thành ngữ” của tác giả Nguyễn Văn Mệnh trong Tạp chí ngôn ngữ (số 3, 1972) đã đưa ra ý kiến giải thích sự khác nhau giữa tục ngữ và thành ngữ trên cả hai mặt nội dung và hình thức. Theo ông, xét về nội dung, thành ngữ giới thiệu một hình ảnh, một hiện tượng, một trạng thái, một tính cách, một thái độ. Còn tục ngữ thì khác hẳn, nó không dừng ở mức độ giới thiệu một hình ảnh, một hiện tượng... như thành ngữ mà đi đến một nhận định cụ thể, một kết luận chắc chắn, một kinh nghiệm sâu sắc, một lời khuyên răn, một bài học về tư tưởng, đạo đức... Có thể nói nội dung của thành ngữ mang tính chất hiện tượng, còn nội dung của tục ngữ nói chung là mang tính quy luật.

Tóm lại có thể định nghĩa tục ngữ như sau: “tục ngữ là một thể loại văn học dân gian gồm những câu nói ngắn gọn, có vần điệu, có hình ảnh dễ nhớ, dễ truyền, có chức năng đúc kết kinh nghiệm, tri thức lâu đời về thiên nhiên

Thứ hai về ca dao

Định nghĩa về ca dao được Dương Quảng Hàm đề cập trong “Việt Nam văn học sử yếu” với ý: “ca” - ca hát; “dao” - bài hát không có chương khúc. “Ca dao là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình, phong tục của người bình dân. Bởi thế ca dao cũng gọi là phong dao (phong: phong tục) nữa. Ca dao cũng như tục ngữ, không biết tác giả là ai; chắc lúc ban đầu cũng do một người vì có cảm xúc mà làm nên, rồi người sau nhớ lấy mà truyền tụng mãi đến bây giờ”. [20, tr. 9 - 10]

Trong cuốn “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan, tác giả khi phân biệt ca dao và dân ca đã cho rằng: “đứng về mặt văn học mà nhận định, khi chúng ta đã tước bỏ những tiếng đệm, những tiếng láy, những câu láy ở một bài dân ca thì chúng ta thấy bài dân ca đó chẳng khác gì một bài ca dao. Do đó người ta có thể nói: giữa ca dao và dân ca ranh giới không rõ ràng. Ca dao có những câu bốn năm chữ, sáu tám hay hai bảy sáu tám, đều có thể ngâm được nguyên câu, không cần tiếng đệm như người ta ngâm thơ vậy. Còn dùng một bài ca dao để hát thì bài ca dao sẽ biến thành dân ca, vì hát yêu cầu phải có khúc điệu và như vậy phải có tiếng đệm”. [51, tr.32 - 33]

Như vậy: “ca dao thường được hiểu là lời hát của bài hát dân gian, khi tách lời ca ra khỏi điệu hát để phân biệt ca dao và dân ca về mặt diễn xướng. Một bài ca dao để đọc không cần tiếng đệm, luyến láy, nhạc điệu thì là ca dao; còn một bài ca dao được dùng để hát, có thêm tiếng nhạc đệm, đưa hơi thì nó sẽ thành dân ca”. [78, tr. 161]

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam: tục ngữ, ca dao là những viên ngọc quý giá nhất. Nó quý ở chỗ trong quá trình phát triển của văn học Việt Nam từ xưa đến nay, nó luôn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành tiếng nói của dân tộc, phản ánh sinh hoạt của nhân dân, biểu hiện những nhận xét, những ý nghĩ của nhân dân trong cuộc đấu tranh xã hội xây dựng đất nước. Cho nên nghiên cứu tục ngữ, ca dao cũng như nghiên cứu văn học dân gian nói chung, tốt nhất, lý tưởng nhất là trở về dạng nguyên hợp của nó.

Nhân quả là một chân lý phổ biến. Nó hình thành và tiềm tàng trong mọi sự vật, không một vật thể nào thoát khỏi nhân quả. Vì hiểu được định lý nhân quả, nên từ ngàn xưa, tổ tiên ta đã khéo ứng dụng thể hiện vào đời sống theo chiều hướng thăng hoa tốt đẹp từ cá nhân, gia đình và xã hội. Do sự trải nghiệm theo dòng đời khổ vui đó mà ông cha ta đã để lại một kho tàng quý báu về những câu ca dao tục ngữ bất hủ trong việc xử thế, trị quốc, tu thân, tề gia, hành thiện theo hướng nhân quả tốt.

Do đó những câu ca dao, tục ngữ được nhân dân vận dụng thuyết nhân quả của Phật giáo nhằm nhắc nhở người ta nhớ đến nhân quả để hành xử cho mình và người trong tương quan đời sống, nên tránh những nhân xấu mà cần gây tạo những nhân tốt để có cái quả báo tốt đẹp. Vì thế trong tất cả lĩnh vực của con người, từ quá trình lao động sản suất cho đến những mặt tình cảm của đời sống tinh thần…ca dao, tục ngữ Việt Nam thể hiện rất rõ tư tưởng sâu sắc của giáo lý nhân quả trong đó.

Một phần của tài liệu Thuyết nhân quả Phật giáo trong văn học dân gian Việt Nam (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)