3.1.2.1. Quan điểm, định hướng của tỉnh Thanh Hóa
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (gọi tắt là Tỉnh uỷ) là cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh giữa hai nhiệm kỳ đại hội và do Đại hội Đảng bộ tỉnh bầu ra. Tỉnh uỷ là hạt nhân lãnh đạo ở địa phương đại biểu cho năng lực, trí tuệ và sức mạnh của Đảng bộ; là trung tâm khối đại đoàn kết trong đảng và nhân
dân. Tỉnh uỷ có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của Đảng bộ, là cơ quan lãnh đạo thực hiện nghị quyết của cấp mình, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, là đại biểu tiêu biểu cho việc thực hiện nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Cấp uỷ còn giữ vai trò trung tâm trong chỉ đạo công tác xây dựng nội bộ đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Tỉnh uỷ có nhiệm vụ lãnh đạo các mặt công tác của Đảng bộ trong thời gian giữa hai nhiệm kỳ đại hội trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị; quán triệt và tổ chức thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, nghị quyết của Trung ương, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; thường xuyên chăm lo xây dựng đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng và thực hiện quy chế hoạt động của tỉnh uỷ, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; chuẩn bị nội dung và kế hoạch đại hội theo quy định của Điều lệ Đảng.
Trong việc thực hiện công cuộc cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy có vai trò vô cùng quan trọng. Tỉnh ủy căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết của Trung ương về các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nền hành chính hiện đại để đưa ra các quyết sách phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh và các huyện trên địa bàn tỉnh sẽ căn cứ vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và tình hình cụ thể của huyện để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ do Tỉnh ủy đưa ra.
Nghị quyết số 10 NQ/TU ngày 08 tháng 12 năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2014 đã đưa ra nhiều nhiệm vụ quan trọng trong năm, trong đó có nội dung về xác định nhiệm vụ của các Cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh là:
Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; theo đó, nhanh chóng xây dựng các văn
bản cụ thể hóa các quy định của pháp luật để quản lý tốt hơn, phân rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, các ngành, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; đối với những vụ việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn xã, huyện, tỉnh thì chủ tịch UBND các cấp là người phải chịu trách nhiệm chính, xảy ra ở lĩnh vực, ngành nào thì người phụ trách lĩnh vực, ngành đó phải chịu trách nhiệm, nếu liên quan đến nhiều ngành thì các người đứng đầu các ngành có liên quan phải chịu trách nhiệm [31, tr.4]
Để đạt được mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết đề ra là một thử thách không nhỏ và đòi hỏi phải có hướng đi đúng, phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể.
Đổi mới công tác quản lý, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nội dung cơ bản của công cuộc cải cách hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian qua kết quả công tác này còn khiêm tốn; chất lượng cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong thời kỳ mới. Trong giai đoạn hiện nay, khi vai trò của nhà nước chuyển đổi sang hình thức “phục vụ” thì việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức là vô cùng quan trọng.
Đổi mới quy trình, chế độ tuyển dụng công chức là khâu đầu tiên trong quá trình quản trị nhân sự. Đây là giải pháp có vai trò quan trọng, có tính chất quyết định đế chất lượng cán bộ, công chức sau này. Quản lý công chức phải xuất phát thực sự từ yêu cầu công việc, từ đòi hỏi của công tác quản lý trên cơ sở phân tích, đánh giá, dự báo về nguồn nhân lực hiện tại và tương lai ở từng cơ quan, đơn vị. Công tác tuyển dụng công chức phải được thực hiện nghiêm túc để tạo niềm tin, niềm tự hào cho những người được tuyển
dụng. Trong những năm qua, công tác tuyển dụng công chức đã được Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch. Ông Trịnh Văn Chiến đã phát biểu tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa tháng 7 năm 2013, phát biểu trước các vị đại biểu HĐND và cử tri Thanh Hóa, phần nói về công chức, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa khẳng định “vào công chức nhà nước không phải mất tiền chạy chọt…”. Kỳ thi tuyển công chức năm 2013 đã đã phần nào thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh trong công tác thi tuyển công chức. Trong lịch sử, chưa có kỳ thi công chức nào mà tỷ lệ tượt lại cao đến thế - tỷ lệ trượt lên tới 71,4%, trong khi đó những năm trước tỷ lệ trượt chỉ chiếm 5%.
Để thực hiện quá trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức phải áp dụng phương pháp thay dần cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ chuyên môn bằng những cán bộ, công chức trẻ, có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức khoa học - công nghệ hiện đại để bắt kịp xu thế chung của thời đại. Trong quá trình này cần chú trọng công tác đào tạo lại, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật tình hình kinh tế - xã hội cho đội ngũ cán bộ, công chức đương nhiệm, giúp họ có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để đổi mới công tác đạo tạo, đào tạo lại cán bộ, công chức, trước mắt chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Trong thời gian tới, để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, công chức tỉnh nhà, cần thực hiện tốt những giải pháp: Xác định chu kỳ sát hạch cán bộ, công chức để đánh giá năng lực công chức (chu kỳ có thể từ 3 đến 5 năm); xác định số lượng công chức theo ngạch trong từng cơ quan, đơn vị; quy định các loại văn bằng, chứng chỉ cho từng chức danh; xây dựng các quy định nhằm định hướng đào tạo để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và đặc biệt là các kỹ năng thực thi công vụ, tránh tình trạng bằng cấp chỉ để hợp thức hoá tiêu chuẩn chức danh và ngạch bậc.
khâu nâng ngạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, đây là động lực thúc đẩy tính tích cực, sự cố gắng phấn đấu của cán bộ, công chức nhằm nâng cao năng lực của công chức, khắc phục tình trạng trì trệ, thâm niên, “sống lâu lên lão làng”.
Cải cách công tác đánh giá công chức. Cán bộ, công chức nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thường chưa được đánh giá đúng trình độ, năng lực thực tiễn, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá công chức còn nhiều hạn chế, chưa có tiêu chí rõ ràng nên còn tình trạng “cào bằng”, “bình quân chủ nghĩa”. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức đòi hỏi trong khâu đánh giá phải quan tâm đến thực tiễn thực thi chức năng, nhiệm vụ, mức độ hoàn thành công việc của từng cán bộ, công chức. Để thực hiện được phương pháp này đòi hỏi vai trò quan trọng hàng đầu của người đứng đầu, cơ quan, đơn vị.
Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu tăng cường chất lượng, tinh giản biên chế hành chính, đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các chức danh lãnh đạo, quản lý, các ngạch, bậc công chức, viên chức; giữa các độ tuổi, địa bàn, giới tính, dân tộc, lĩnh vực công tác; khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ.
Tạo chuyển biến sâu sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, theo quy hoạch, tiêu chuẩn chức danh cán bộ; chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý coi đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện công tác cán bộ trong giai đoạn mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Có thể hình dung một số yêu cầu cơ bản về năng lực đối với đội ngũ công chức này như sau: công chức hoạt động trong lĩnh vực nào liên quan đến hội nhập quốc tế, nhất thiết phải có trình độ nghiệp vụ sâu về từng lĩnh vực,
nắm vững xu hướng phát triển của lĩnh vực mà mình hoạt động; phải có hiểu biết rộng bao quát về chính trị-kinh tế- văn hoá-xã hội - lịch sử; có trình độ về luật, kinh tế- thương mại- thị trường, và các mối quan hệ quốc tế.
Trên đây là các quan điểm, định hướng của tỉnh Thanh Hóa trong việc nâng cao chất lượng cán bộ, công chức đến năm 2020, với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngang tầm nhiệm vụ, phấn đấu đến năm 2020 tỉnh ta cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Trên cơ sở các quan điểm, định hướng của tỉnh, các huyện trên địa bàn tỉnh sẽ thực thi các chủ trương, chính sách kể trên kết hợp với đặc điểm riêng có của từng huyện cụ thể để có những hướng đi phù hợp, tạo điều kiện để phát triển toàn diện chất lượng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính quốc gia nói chung, của tỉnh và của huyện nói riêng.
Đông Sơn là một huyện nhỏ trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức huyện nhà, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã căn cứ vào chủ trương, chính sách của tỉnh Thanh Hóa để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng cán bộ, công chức trên địa bàn huyện đáp ứng yêu cầu chung của tỉnh nhà và của cả nước.
Các quan điểm, định hướng của Trung ương và của tỉnh Thanh Hóa mặc dù mang tính chất điều chỉnh chung trong phạm vi cả nước và trong phạm vi cả tỉnh. Tuy nhiên, với những quan điểm đúng đắn đã góp phần quan trọng định ra hướng đi cụ thể làm cơ sở cho địa phương thực hiện đúng đắn các giải pháp của mình.