Thực trạng trình độ chuyên môn nghiệp vụ

Một phần của tài liệu chất lượng cán bộ công chức cấp huyện đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính qua thực tiễn huyện đông sơn thanh hóa (Trang 49 - 54)

Khi phân tích trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người lao động nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng thường được xem xét, đánh giá dựa trên hai góc độ là: trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng thực hành của người lao động, của cán bộ, công chức. Trình độ học vấn là khả năng về tri thức và kỹ năng để có thể tiếp thu những kiến thức cơ bản; Tổ chức Liên Hợp Quốc coi học vấn là một trong những tiêu chí để đánh giá nguồn nhân lực của mọi quốc gia. Cán bộ, công chức cấp huyện là những chủ

thể tiến hành các công vụ cụ thể, họ là hạt nhân của nền công vụ và cũng chính là yếu tố đảm bảo cho nền công vụ hiệu lực, hiệu quả. Chính vì vậy, trình độ học vấn của đội ngũ này càng đóng vai trò quyết định trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước cấp huyện nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

* Thực trạng về trình độ học vấn của cán bộ, công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Đông Sơn

UBND huyện Đông Sơn có tổng biên chế gồm 57 công chức, trong đó: 100% cán bộ, công chức tốt nghiệp Đại học và tương đương trở lên, trình độ Cao học là 03 người chiếm tỷ lệ 5,3%. Nhìn chung, xét về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, UBND huyện Đông Sơn là cơ quan có đội ngũ cán bộ, công chức khá đa dạng với nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau, đáp ứng về cơ bản việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một cơ quan hành chính cấp huyện. Cụ thể: Tài chính - kế toán, hiện tại UBND huyện có 9 công chức chiếm tỷ lệ 15,8% tập trung tại Phòng Tài chính - kế hoạch và Kế toán - Văn phòng UBND huyện; Nông nghiệp gồm 9 biên chế, chiếm tỷ lệ 15,8% tập trung ở phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Tài nguyên - môi trường gồm 05 biên chế, chiếm tỷ lệ 8,8% tập trung tại phòng Tài nguyên - môi trường và Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất; cử nhân Luật gồm 05 biên chế, chiếm tỷ lệ 8,8% tập trung ở phòng Tư pháp, phòng Lao động, thương binh và xã hội; Thương mại gồm 04 biên chế chiếm tỷ lệ 7%, tập trung ở Phòng Công thương...

Nhận thức được tầm quan trọng của trình độ học vấn, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền đã chú trọng đặc biệt đến công tác này. Chính sự quan tâm trên đã tạo động lực để đội ngũ cán bộ, công chức đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức trẻ có điều kiện học hỏi, nâng cao trình độ. Cụ thể: Tính đến tháng 6 năm 2014 cơ quan UBND huyện đã có 04 công chức hoàn thành

chương trình đào tạo sau đại học; 02 công chức đang tham gia khóa học và một số công chức khác đang tiến hành ôn thi đầu vào.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức huyện Đông Sơn chất lượng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu quản lý nhà nước trong thời kỳ mới, trong công tác tuyển dụng của cơ quan này đã có những thay đổi tích cực: chỉ lựa chọn những công chức có trình độ đào tạo phù hợp với lĩnh vực hoạt động và ưu tiên cho những người tốt nghiệp Đại học Luật hoặc tương đương. Để đảm bảo công tác tuyển dụng được thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tế của cơ quan, phòng Nội vụ đã rà soát lại trình độ, đào tạo của cán bộ, công chức trong từng phòng, ban kết hợp với việc thực hiện Đề án vị trí việc làm để từ đó có sơ sở cho việc tuyển dụng cán bộ, công chức đảm bảo đúng chuyên ngành.

* Thực trạng về trình độ chuyên môn:

Trình độ chuyên môn là kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được phân công. Nếu trình độ học vấn nói lên khả năng tiếp thu lý luận cơ bản thì trình độ chuyên môn là sự kết hợp giữa tiếp thu lý luận và kỹ năng áp dụng lý luận trên thực tế.

Đối với cơ quan hành chính nhà nước nói chung và cơ quan hành chính cấp huyện nói riêng, việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn là vô cùng quan trọng. Bởi vì, việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không những góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước mà còn giúp giải quyết kịp thời, chính xác các công việc cụ thể của tổ chức, cá nhân, tạo được niềm tin của nhân dân vào hệ thống các cơ quan này.

Cán bộ, công chức huyện Đông Sơn nhìn chung luôn quan tâm, chú trọng đến việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình. Điều này thể hiện tính tích cực, chủ động trong việc tham gia học tập kinh nghiệm tại các đơn vị bạn, các kinh nghiệm làm hay, hiệu quả để áp dụng sáng tạo vào

điều kiện thực tế của huyện nhà.

Hàng năm, cán bộ, công chức huyện Đông Sơn đều được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn do các cơ quan chuyên môn cấp trên tổ chức. Đây là hoạt động không mất nhiều thời gian nhưng lại mang đến nhiều hiệu quả thiết thực. Bởi vì các lớp tập huấn được tổ chức thông thường liên quan đến việc triển khai nội dung văn bản pháp luật có liên quan đến các chuyên ngành cụ thể do cán bộ, công chức đảm nhiệm hoặc các nghiệp vụ xử lý công việc vụ thể. Qua các lớp tập huấn cán bộ, công chức sẽ nắm bắt kịp thời các quy định mới của pháp luật cũng như có những kỹ năng nghiệp vụ bổ ích làm cơ sở cho việc giải quyết các vụ việc phát sinh trên thực tế, góp phần vào công cuộc cải cách hành chính của huyện nhà.

* Kỹ năng thực hành của đội ngũ cán bộ, công chức huyện Đông Sơn

Cán bộ, công chức cấp huyện là những người trực tiếp giải quyết các công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân nên nếu chỉ dừng lại ở trình độ học vấn, trình độ am hiểu thực tiễn mà không có kỹ năng thực hành thì hoạt động của đội ngũ này cũng không thể mang lại hiệu quả.

Cán bộ, công chức huyện Đông Sơn bên cạnh việc là lực lượng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao còn là những chủ thể áp dụng chính xác, sáng tạo các kiến thức lý luận vào từng vụ việc cụ thể. Chính vì vậy hoạt động của họ đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong quản lý nhà nước và giải quyết được phần lớn các công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân.

Huyện Đông Sơn đã áp dụng Tiêu chuẩn ISO 9001 - 2008 vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước nên đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận: đã xây dựng được quy trình chung trong hoạt động quản lý của UBND huyện và quy trình xử lý từng loại công việc cụ thể của từng phòng, ban chuyên môn. Chính nhờ việc áp dụng tiêu chuẩn trên vào quản lý mà cán bộ, công chức thực hiện công việc với trách nhiệm cao hơn, mức độ

hài lòng của khách hàng (người dân) cũng được đánh giá cao hơn.

Trên 70% cán bộ, công chức huyện Đông Sơn có trình độ tin học văn phòng nên việc sử dụng máy vi tính, mạng Internet trong giải quyết công việc không gặp mấy khó khăn. Tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, bộ phận văn thư - lưu trữ và một số phòng, ban khác như: phòng Tư pháp, phòng Tài chính - kế hoạch; Kế toán Văn phòng UBND… đã bước đầu sử dụng phần mềm nghiệp vụ trong giải quyết công việc giúp thuận lợi trong quá trình tác nghiệp, trả kết quả kịp thời cho tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức huyện Đông Sơn, chúng ta có thể nhận thấy còn tồn tại một số yếu kém sau:

Trong công tác tuyển dụng do quá coi trọng tính bằng cấp và không quan tâm nhiều đến kỹ năng thực hành của cán bộ, công chức nên có nhiều công chức, đặc biệt là công chức trẻ dù có kiến thức lý luận tốt nhưng cũng không thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công vì họ không có kiến thức thực tiễn, khả năng thực hành kém. Do vậy, chất lượng, hiệu quả hoạt động không cao ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của phòng, ban và nhiều trường hợp đã ảnh hưởng đến việc tư vấn cũng như giải quyết các vụ việc cụ thể cho tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong nhân dân.

Còn một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức (chủ yếu là những cán bộ, công chức đã lớn tuổi, có thâm niên công tác) bằng cấp không phù hợp với chuyên ngành đảm nhiệm, nhưng không được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo không bài bản, họ giải quyết công việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, chậm tiếp thu các quy định mới nên trong nhiều trường hợp vẫn còn sai sót về quy trình, thủ tục. Họ là những người mang tư tưởng bảo thủ, luôn tồn tại tư tưởng “sống lâu lên lão làng” nên khó thay đổi. Các buổi tập huấn được tổ chức thường chỉ có những công chức trẻ tham gia nên họ nắm bắt chậm các

quy định mới trong chính sách, pháp luật của nhà nước, ảnh hưởng lớn đến quá trình giải quyết công việc.

Nhiều cán bộ, công chức còn tư tưởng “ngại” tiếp xúc với cái mới. Thậm chí có những văn bản pháp luật mới được ban hành không được tiếp thu kịp thời để áp dụng trọng quá trình giải quyết công việc. Các lớp tập huấn được tổ chức nhiều song không thu hút được đông đảo cán bộ, công chức tham gia hoặc việc tham gia chỉ mang tính bắt buộc, thụ động nên hiệu quả trong các buổi tuyên truyền không cao.

Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một bộ phận cán bộ, công chức còn chậm (Cá biệt, tại UBND huyện hiện nay có khoảng 5% cán bộ, công chức không sử dụng được máy vi tính trong giải quyết công việc gây trở ngại lớn trong việc tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản áp dụng pháp luật có liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách).

Tiêu chuẩn ISO 9001 - 2008 mặc dù đã được áp dụng bước đầu nhưng cán bộ công chức nhiều phòng, ban chuyên môn không được hướng dẫn bài bản dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng.

Một phần của tài liệu chất lượng cán bộ công chức cấp huyện đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính qua thực tiễn huyện đông sơn thanh hóa (Trang 49 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)