Hiện nay hầu hết các hộ CT,TC ở Thái Bình đều trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng, nhất là vốn trung và dài hạn. Đây là một trong những khó khăn hạn chế lớn nhất của kinh tế CT,TC. Giải pháp khắc phục tình trạng trên là:
- Giải pháp để huy động vốn từ dân cư :
+ Các đơn vị sản xuất kinh doanh CT, TC phải tự mình tìm giải pháp thoát ra khỏi cảnh thiếu thốn, đói nghèo và thực hiện các biện pháp tạo vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Muốn tạo vốn không có cách nào khác là các hộ phải vươn lên bằng chính nỗ lực của mình.
+ Các cấp chính quyền tỉnh cần có cơ chế chính sách thích hợp để huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư, dần dần hình thành thị trường vốn tại địa phương.
Cùng với việc huy động nguồn vốn trong dân cư, cần có sự hỗ trợ tạo điều kiện từ phía nhà nước. Vì vậy, phải đổi mới chính sách vốn và tín dụng để kinh tế CT,TC tiếp cận các nguồn vốn một cách dễ dàng và thuận lợi hơn, cụ thể là:
+ Tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, tạo cho khu vực kinh tế CT,TC được bình đẳng trong tiếp cận vốn, bình đẳng về lãi suất. Muốn vậy các trang trại, các hộ, cũng phải được dùng giá trị quyền sử dụng đất vào việc thế chấp để vay vốn ngân hàng.
+ Về đối tượng cho vay, các tổ chức tín dụng cần tập trung cho vay các đối tượng sau:
Đầu tư phát triển các loại cây trồng vật nuôi có khả năng cạnh tranh để tăng khối lượng hàng hoá, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đầu tư phát triển công nghiệp dịch vụ nông thôn, đặc biệt chú trọng đến phát triển các làng nghề.
Đầu tư vào những dự án ứng dụng những thành tựu KHCN mới vào sản xuất đổi mới công nghệ, thay thế những máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu.
+ Đẩy mạnh tốc độ phát triển các dịch vụ ngân hàng.
Các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh tốc độ phát triển các dịch vụ nghề, đặc biệt là dịch vụ thanh toán, với tiện ích ngày càng cao, nhanh, chính xác, an toàn, thủ tục thuận tiện để thu hút khách hàng thuộc kinh tế CT,TC đến với ngân hàng ngày càng nhiều. Tuỳ theo điều kiện cụ thể, mỗi ngân hàng có biện pháp thu hút khách hàng mở tài khoản tiền gửi thanh toán, tài khoản cá nhân, tạo điều kiện để phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động nắm bắt khách hàng tốt hơn.
Nâng cao chất lượng tư vấn, cung cấp thông tin để khách hàng hiểu rõ về quy chế cho vay, lập dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng trong quá trình thực hiện thủ tục vay vốn.
+ Tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn.
Phát triển kinh tế CT,TC nằm trong quá trình CNH, HĐH nền kinh tế quốc dân. Do vậy nhu cầu vay vốn trung và dài hạn tăng nhanh ở bộ phận kinh tế này. Các tổ chức tín dụng cần có định hướng tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn theo các nội dung sau:
Xây dựng chính sách lãi suất huy động tiền trung và dài hạn hợp lý để thu hút được nhiều nguồn vốn của khách hàng.
Thực hiện bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền.
áp dụng hình thức huy động vốn phù hợp với nhu cầu tiền gửi của khách hàng. Trên cơ sở tăng cường được nguồn vốn, các tổ chức tín dụng mới mở rộng việc cho vay trung và dài hạn cho các hộ CT, TC.
+ Đơn giản hoá các thủ tục vay vốn và nâng cao trình độ thẩm định các dự án xin vay.
Sớm cải cách hành chính theo hướng đơn giản hoá các thủ tục vay vốn để các cơ sở kinh doanh CT,TC có thể vay vốn một cách nhanh chóng, kịp thời triển khai các phương án sản xuất kinh doanh.
Cần có chính sách đào tạo và đào tạo lại cán bộ ngân hàng nhằm nâng cao kiến thức, trình độ cho cán bộ, nhân viên ngân hàng, đặc biệt để nâng cao trình độ, thẩm định tín dụng. Tăng cường kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, trên quan điểm nắm bắt tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng để có đánh giá tổng quát, nhất về khách hàng cho vay.