Thứ nhất, hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh CT, TC đều trong tình trạng thiếu vốn và gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tính dụng ngân hàng.
Trong những năm vừa qua, Thái Bình đã phát triển mạnh mạng lưới ngân hàng phục vụ nhu cầu vay vốn của các đơn vị sản xuất trong địa bàn tỉnh, trong đó có các hộ CT, TC. Tuy nhiên các hộ CT, TC vẫn không có đủ vốn để đầu tư cho phát triển sản xuất, do:
- Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, nên khả năng tích luỹ vốn thấp. Vì vậy, thiếu vốn là căn bệnh chung của các hộ CT, TC.
- Các hộ CT, TC (nhất là hộ trong nông nghiệp) không chỉ thiếu vốn mà thiếu cả kinh nghiệm phát huy hiệu quả đồng vốn. Thêm vào đó, trình độ dân trí thấp, lao động chủ yếu là lao động giản đơn, nên đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả sản xuất của kinh tế CT, TC.
- Ngoài lý do năng lực sản xuất, còn có lý do khách quan, đó là: kinh tế CT, TC rất khó tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Bởi vì: muốn được vay vốn họ phải thế chấp, nhưng do năng lực tài chính còn quá nhỏ, lại bị các ngân hàng định giá tài sản rất thấp khi cho họ vay, hơn nữa các hộ CT, TC thường bị cho là khách hàng nhỏ với kiểu hoạt động tạm thời, có thể không báo cáo đúng tình hình sản xuất kinh doanh, nên khó giám sát đầu tư.
- Cơ chế cho vay và lãi suất còn bất cập: Hiện tại lãi suất cho vay đối với các hộ nông dân là hơn 1%/tháng, còn cho vay các thành phần kinh tế ở thành thị là 0,85%/tháng, lãi suất cho vay ở khu vực nông nghiệp nông thôn cao hơn khu vực thành thị. Các ngân hàng còn nhiều loại vốn cho vay với nhiều mức lãi suất cao thấp khác nhau, nhưng việc xác định đối tượng cho vay theo lãi suất thấp lại chưa chính xác nên người dân suy bì và trông chờ để được vay vốn ưu đãi của nhà nước.
- Cơ chế lãi suất hiện hành các ngân hàng thương mại đang áp dụng chưa tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các hộ kinh doanh CT, TC với các doanh nghiệp khác, nhất là với ngân hàng nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước được vay vốn với lãi suất thấp, trong khi các cơ sở sản xuất kinh doanh CT, TC lại phải vay với lãi suất cao hơn.
Chính từ lý do trên, các hộ CT, TC đều khởi nghiệp từ nguồn vốn tự tích luỹ được của gia đình hoặc vay bạn bè, người thân.
Những khó khăn về nguồn vốn kinh doanh đã khiến cho đa phần các cơ sở sản xuất kinh doanh hầu như không thể thực hiện được các mục tiêu như: đầu tư mở rộng, đổi mới và hiện đại hoá máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất kinh doanh cũng như triển khai các hoạt động nghiên cứu thị trường và kéo theo một loạt những khó khăn, hạn chế khác. Riêng đối với các hộ CT, TC trong nông nghiệp tình trạng thiếu vốn đã hạn chế mở mang ngành nghề, thay đổi cơ cấu sản xuất, hạn chế khả năng nâng cao trình độ thâm canh trong nông nghiệp, hạn chế khả năng tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư.
Tất cả những khó khăn trên đã khiến cho kinh tế CT, TC luôn trong tình trạng rơi vào vòng luẩn quẩn: vốn ít sản xuất nhỏ và sức cạnh tranh kém hiệu quả kinh doanh thấp tích luỹ thấp ít vốn.
Thứ hai, thị trường tiêu thụ sản phẩm của kinh tế CT, TC rất khó khăn và hạn hẹp. Hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh CT, TC phải mua các yếu tố sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường địa phương và dựa vào mạng lưới quan hệ cá nhân. Sản phẩm họ làm ra cũng chỉ tiêu thụ được trên thị trường này, trong khi thị trường địa phương lại quá nhỏ bé và tăng trưởng chậm do thu nhập của dân cư còn quá thấp, nhu cầu tiêu thụ hạn hẹp dẫn tới khó khăn tiêu thụ sản phẩm trên thị trường này.
Mặt khác, mấy năm gần đây do tình trạng nhập lậu hàng Trung Quốc vào địa bàn tỉnh đã làm cho việc tiêu thụ sản phẩm của các hộ CT, TC càng gặp nhiều bất lợi. Một lý do nữa dẫn đến sự khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hoá của các hộ nông dân, các trang trại sản xuất nông nghiệp là: công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh chưa phát triển mạnh. Sự hợp tác, liên kết giữa các hộ, trang trại với các doanh nghiệp công nghiệp chế biến chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp nhiều khi còn ép giá thu mua sản phẩm của nông dân, ngược lại, các hộ nông dân cũng có lúc không thực hiện đúng hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Do đó, việc tiêu thụ sản phẩm không ổn định.
Có thể nói, vấn đề tìm kiếm thị trường cho kinh tế CT, TC hiện nay vẫn là vấn đề nan giải mà bản thân các chủ hộ CT, TC không thể tự mình giải quyết được và rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước và chính quyền địa phương.
Thứ ba, thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh đang là trở ngại đối với các hộ sản xuất kinh doanh CT, TC.
Hầu hết các hộ phải sử dụng nhà ở, đất của gia đình trong khu dân cư làm mặt bằng sản xuất kinh doanh nên địa bàn sản xuất chật hẹp, làm ô nhiễm môi trường, khó mở rộng sản xuất kinh doanh. Một số hộ phải đi thuê lại đất, nhà xưởng của các đơn vị khác phải trả giá cao hơn nhiều so với giá thuê do nhà nước quy định. Một số khác phải tự giải quyết mặt bằng sản xuất thông qua việc mua bán bất động sản trên thị trường không chính thức, dưới dạng “ngầm”, giá cả thất thường, nhiều khi gặp phải tệ đầu cơ. Những trở ngại trên đã làm tăng thêm chi phí sản xuất, gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của các hộ CT, TC.
Thứ tư, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện cũng là một trong những trở ngại cho sự phát triển của kinh tế CT, TC.
Nhiều văn bản quy định của nhà nước chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, hay thay đổi phức tạp và chồng chéo dẫn tới tình trạng các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh CT, TC lúng túng trong việc chấp hành pháp luật và gặp nhiều khó khăn cho việc đăng ký và hoạt động kinh doanh của họ.
Sự thiên lệch đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước với kinh tế CT, TC cũng là một yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh của bộ phận kinh tế này. Sự phân biệt đối xử biểu hiện cả trong chính sách và trong việc thực hiện chính sách, thi hành công vụ của một số cán bộ nhà nước (như trong lĩnh vực vay ngân hàng, tiếp cận chế độ ưu đãi của Chính phủ, thuế đất, tiếp nhận thông tin về thị trường xuất khẩu, trong việc đào tạo, bồi dưỡng lao động…).
Tình trạng hình sự hoá quan hệ kinh tế và dân sự vẫn xảy ra trong nhiều lĩnh vực, nhất là đối với lĩnh vực tín dụng. Các cán bộ ngân hàng rất e ngại khi cho khu vực kinh tế CT, TC vay vốn vì lo độ rủi ro lớn, phải chịu trách nhiệm cao đối với nguồn vốn ngân hàng.
Thứ năm, về môi trường tâm lý xã hội:
Môi trường tâm lý xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế CT, TC do: trong xã hội còn có phần định kiến đối với khu vực kinh tế này và chưa nhìn nhận đúng vai trò của nó trong xã hội. Do vậy, còn có tâm lý e ngại, dè dặt, sợ chệch hướng XHCN, không muốn thúc đẩy khu vực này phát triển.
Mặt khác, trong xã hội vẫn còn tồn tại cách nhìn nhận cho là chưa bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi thực hiện chủ trương kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Do đó, có quan niệm cho rằng kinh tế CT, TC sẽ ở vị trí thứ yếu, bổ trợ. Tình trạng chưa rõ ràng về chính sách đã gây tâm lý ngần ngại đầu tư lớn, dài hạn và kinh doanh lâu dài của bộ phận kinh tế này.
Quan niệm coi kinh tế CT, TC mang nặng tính tự phát, luôn chỉ nhìn thấy những tiêu cực của bộ phận kinh tế này như: Cá thể thường kinh doanh theo kiểu chụp giật, làm hàng giả, trốn thuế… đã dẫn đến sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với kinh tế CT, TC trong một số không nhỏ cán bộ ở các cấp Đảng, nhà nước và trong nhân dân.
Ngoài ra, vẫn còn những định kiến, tâm lý về so sánh vị trí giữa người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước với lao động trong khu vực kinh tế CT, TC. Coi những người công nhân trong doanh nghiệp nhà nước mới là những người thực sự có năng lực, còn lại những người lao động (nhất là lớp trẻ) không còn cách nào khác để kiếm sống mới làm việc trong khu vực kinh tế CT, TC. Điều đó cũng ảnh hưởng tới tâm lý của bộ phận lao động trong khu vực kinh tế CT, TC ở Thái Bình hiện nay.
Tóm lại, tuy môi trường pháp lý, môi trường tâm lý xã hội sau khi Luật doanh nghiệp ra đời đã tạo thuận lợi hơn trước nhiều, song trong hoạt động thực tiễn, kinh tế CT, TC còn gặp nhiều khó khăn hơn các loại hình doanh nghiệp khác, khiến nhiều người e ngại, không dám mạnh dạn đầu tư phát triển, hoặc chỉ phát triển ở những ngành có tính chất ngắn hạn, phát triển có mức độ hoặc cầm cự để tồn tại. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động các nguồn lực, tiềm năng của kinh tế CT, TC cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.