Kinh nghiệm quốc tế về thực thi chính sách phát triển Hợp tác xã

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình thực thi chính sách hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội (Trang 35 - 38)

2.2.1.1 Kinh nghiệm về thực thi chính sách hỗ trợ phát triển HTX ở CHLB Đức

Nước Đức được coi là một trong những chiếc nôi đầu tiên của mô hình kinh tế HTX ở châu Âu. Từ những năm 40 của thế kỷ 19, Friedrich Wilhem và Schluze- Delitz đã có những ý tưởng mô hình kinh tế HTX và thành lập, phổ biến mô hình này. Từ sau chiến tranh thế giới thứ II, cơ cấu kinh tế của CHLB Đức đã có những thay đổi mạnh. Các ngành công nghiệp và dịch vụ đã thay thế và áp đảo kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Tuy vậy, cho đến nay CHLB Đức vẫn còn có một hệ thông kinh tế HTX vững mạnh, đặc biệt tại khu vực nông nghiệp và nông thôn, đóng góp quan trọng vào kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế quốc dân nói chung của CHLB Đức.

HTX nông nghiệp ở CHLB Đức hoạt động theo Luật HTX Đức được ban hành từ năm 1890. Theo đó các HTX được coi và đối xử hoàn toàn bình đẳng như

các doanh nghiệp khác, phải cạnh tranh lành mạnh với các loại hình doanh nghiệp khác. Các HTX nông nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế. Những hỗ trợ của Nhà nước, nếu có, thì chỉ là gián tiếp và dành cho tất cả đối tượng, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ dành riêng cho HTX.

Mặc dù thuế suất thu nhập doanh nghiệp ở Đức khá cao với tỉ lệ khoảng 45%, nhưng đối với các HTX Đức nói chung và các HTX nói riêng, khoản thuế này không bị coi là khó khăn gì đặc biệt. Lí do là các HTX lấy mục đích tương trợ, hỗ trợ thành viên của mình là chính. Với đặc thù của mô hình kinh tế HTX, hành viên đồng thời là khách hàng, các HTX thực hiện chính sách mở trong việc thu hút thành viên vào HTX, luôn luôn gia tăng các lợi ích kinh tế để người có nhu cầu tự nguyện gia nhập HTX. Chính vì vậy, số lượng thành viên các HTX ở toàn CHLB Đức lên tới 20 triệu người, bằng khoảng một phân tư dân số nước này. Đa số các HTX nông nghiệp ở Đức có số lượng thành viên tương đối lớn, thường chỉ ít hơn số lượng thành viên của các HTX tín dụng. Ví dụ HTX chăn nuôi chế biến thịt trung bình có từ 70 đến 150 thành viên; HTX chế biến sữa có từ 350 đến 400 thành viên; HTX mua bán nông nghiệp có từ 250 đến 500 thành viên; HTX trồng nho có từ 200 đến 300 thành viên,....Nhờ số lượng khá đông thành viên tham gia, một mặt HTX nông nghiệp đã có sẵn các khách hàng truyền thống và chính yếu cho mình, mặt khác HTX có thể huy động vốn điều lệ từ số đông thành viên. Ở các HTX CHLB Đức nói chung và các HTX nông nghiệp nói riêng, không có những thành viên góp vốn lớn, có thể chi phối, gây sức ép về mặt vốn đối với HTX. Phần lớn các HTX có qui định tỉ lệ góp vốn tối thiểu (thường từ khoảng 100 –500 Euro) và tối đa (thường được gấp 5-10 mức tối thiểu). Như vậy mỗi thành viên HTX thường chỉ góp 0,1% -0,5% vốn điều lệ, cao nhất cũng chỉ khoảng 1%- 3%). Các thành viên viên HTX do góp vốn ít nên không quá quan tâm đến việc được chia cổ tức nhiều ít mà họ quan tâm chủ yếu đến các dịch vụ mà HTX cung cấp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đời sống của mình. Với chính sách thành viên và chính sách góp vốn như vậy, các HTX nông nghiệp không bị áp lực chạy theo lợi nhuận tối đa để chia cổ tức càng cao càng tốt. Các HTX có điều kiện thực hiện chức năng hỗ trợ, cung cấp dịch vụ tốt nhất, có lợi nhất cho

thành viên của mình.

So với các HTX nông nghiệp Việt Nam, các HTX nông nghiệp Đức không có khó khăn về đất hay trụ sở. Các HTX vì vậy không quá chú trọng đến việc phải mua đất hay sở hữu trụ sở riêng. Trên cơ sở nguồn đất do HTX quản lý hoặc thuê dài hạn của xã viên, HTX được chính quyền địa phương cho phép xây dựng bán kiên cố các nhà kho, cửa hàng, trụ sở của mình khi có nhu cầu cần thiết. Hoàn toàn bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác, các HTX nông nghiệp ở Đức có thể vay vốn không khó khăn từ các ngân hàng thương mại. Họ không nhất thiết phải có hay phải có đủ tài sản thế chấp mà quan trọng hơn là dự án vay vốn khả thi và HTX có uy tín, hoạt động quản trị, điều hành minh bạch, hiệu quả. Theo qui định của Luật HTX Đức, hàng năm các HTX đều được kiểm toán định kỳ do Hiệp hội HTX thực hiện.

2.2.1.2 Kinh nghiệm thực thi chính sách phát triển Hợp tác xã tại Nhật Bản

Hợp tác xã có vị trí rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp ở Nhật Bản. Hầu hết những người nông dân đều là xã viên của HTX nông nghiệp. Chính phủ rất coi trọng thể chế vận hành các HTX nông nghiệp và đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách giúp đỡ phát triển, không ngừng mở rộng quy mô sản xuất nhằm giúp người nông dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và cùng hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Theo Luật hợp tác xã nông nghiệp, năm 1972 Liên hiệp các HTX nông nghiệp quốc gia Nhật Bản (ZEN-NOH) chính thức được thành lập và được chính phủ giao thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp và nông thôn. Hệ thống HTX nông nghiệp Nhật Bản được phân làm 3 cấp, hoạt động với tôn chỉ dựa vào sự nỗ lực hợp tác giữa các hợp tác xã nông nghiệp cấp cơ sở, các liên đoàn cấp tỉnh và cấp trung ương tạo thành một bộ máy thống nhất hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương. Vai trò của các HTX và tổ chức kinh tế HTX dịch vụ đã thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất và chuyên môn hoá sâu theo hướng thương mại hoá trong nông nghiệp nước này.

Các HTX và tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp đã phát huy tác dụng tích cực trên nhiều mặt: đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; tiêu thụ hết nông sản hàng hoá với giá cả ổn định theo hợp đồng, có lợi cho

người sản xuất, cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, giá cả nông sản... làm cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư chiều sâu phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, thâm canh cao và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường trong nước và thế giới. Nhờ chính sách đưa công nghiệp về nông thôn, ngày nay hầu như không còn vùng nông thôn thuần tuý, kể cả vùng núi, vùng xa. Ranh giới giữa nông thôn và thành thị thật khó phân biệt cả về kinh tế, xã hội và đời sống. Quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đã cơ bản hoàn thành

HTX nông nghiệp được xây dựng trên nền tảng làng xã nông thôn Nhật Bản. Trong mỗi làng xã, những mối quan hệ nhiều chiều đa dạng đã tồn tại từ rất lâu giữa các gia đình, giữa những người nông dân. Lợi dụng ưu điểm này, HTX nông nghiệp được xây dựng trên cơ sở cộng đồng nông thôn để tạo quan hệ cộng đồng mới vững chắc được bắt nguồn từ bên trong cộng đồng làng xã. Do vậy, HTX cũng rất chú trọng đến các hoạt động mang tính cộng đồng để làm cho cuộc sống ở nông thôn tốt đẹp hơn.

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình thực thi chính sách hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w