Đất Nam Bộ là vựa lúa chính, đồng thời là vựa trái cây nổi tiếng với đủ các loại hoa quả miền nhiệt đới như: chôm chôm, vú sữa, măng cụt, sầu riêng cho đến mít, chuối, xoài, ổi, nhãn, cam, quít... Mỗi địa phương đều bảo tồn những loại sản vật riêng, ví dụ, Tiền Giang có sầu riêng Ngũ Hiệp, Đồng Tháp thì có quýt hồng Lai Vung... Hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo cho Nam Bộ trở thành một vùng đa sinh thái rất giàu thủy hải sản: tôm, cua, rùa, rắn, nghêu, sò, ốc, hến, cá, lươn... Từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên, người Nam Bộ chế biến ra các món ăn khác nhau. Chế biến món ăn là một khâu vô cùng quan trọng, trong đó mỗi món ăn là một công thức đã được đúc kết qua kinh nghiệm bao đời. Qua dòng thời gian, con người càng ngày càng sáng tạo và chế biến nhiều món ăn khác nhau, góp phần làm cho ẩm thực của dân tộc phong phú và hấp dẫn. Nguồn thủy hải sản dồi dào dường như bất tận giúp người Nam Bộ chế biến ra nhiều món ăn vô cùng độc đáo và lạ mắt như: canh chua cá kèo, lươn um lá nhàu, ốc bươu luộc hèm, chuột đồng xào sả ớt... Đặc biệt, lẩu mắm được xem là một món ăn đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Nam Bộ. Chỉ riêng món mắm đã có một danh sách thực đơn dài: mắm cá lóc, mắm
cá sặc, mắm rươi, mắm còng, mắm ba khía, mắm ruốc...; chỉ một món mắm đã có nhiều cách ăn khác nhau: mắm sống, mắm kho, mắm chưng, lẩu mắm... Đối với người dân, quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, khi đi xa họ luôn nhớ về quê mình. Dân gian mượn hình ảnh món ăn quen thuộc này để thể hiện
tình cảm của mình đối với quê nhà “Bắt cua làm mắm cho chua, Gởi về quê
nội khỏi mua tốn tiền”.