Trong quá trình khai hoang mở cõi với điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, người Việt ở Nam Bộ đã tạo ra một bản sắc văn hoá của vùng đồng bằng sông nước. Nhằm thích ứng với hoàn cảnh sống khó khăn, người Việt có cách ứng phó với môi trường đầy những nguy hiểm. Con người khôn khéo thuần phục tự nhiên và buộc thiên nhiên phục vụ nhu cầu của họ. Văn hoá của người Việt ở Nam Bộ mang tính chất động và góp phần hoà vào dòng chảy của nền văn hoá các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Văn hoá ở Nam Bộ được chia thành hai vùng: Đông Nam Bộ (lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn) và Đồng bằng sông Cửu Long. Nam Bộ được các cư dân Việt, Hoa, Chăm, Khơme đến để khai phá nhằm xây nhà lập ấp và họ đã nhanh chóng hoà hợp để cùng chung sống với nhau. Ngoài các cư dân Việt, Hoa, Chăm, Khơme còn có các dân tộc Mạ, Stiêng, Chơro, Mnông. Trong quá trình giao lưu và hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới, người Nam Bộ đã sớm tiếp cận và đi đầu.
Môi trường tự nhiên có nhiều thay đổi nên người dân tìm cách thích nghi phù hợp. Quá trình sinh hoạt và sản xuất của người Nam Bộ luôn gắn kết
với sự biến đổi của môi trường tự nhiên và chủ yếu phụ thuộc sự biến động của con nước. Trong lao động, sinh hoạt, tín ngưỡng, phong tục và lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Nam Bộ điều có quan hệ mật thiết và gắn bó với dòng nước.
Nam Bộ có nhiều sông rạch. Chợ thường ở ven sông cho nên xuất hiện chợ nổi. Đây là hình thức trao đổi buôn bán nổi bật ở Nam Bộ và chỉ có riêng ở Nam Bộ (chợ nổi Phụng Hiệp – Cần Thơ, chợ nổi Cái Bè – Tiền Giang). Xóm làng thường được lập trên đất được khai phá, nằm trên các gò đồi hay những giồng đất cao của Nam Bộ (Giồng Trôm, Giồng Dứa). Làng Nam Bộ nằm dọc theo những con kênh, con lộ để thuận lợi cho việc làm ăn buôn bán. Trong ẩm thực Nam Bộ, các nguyên liệu dùng để chế biến món ăn đều liên quan đến môi trường sông nước. Có nhiều món ăn đã trở thành đặc sản của vùng như cá lóc nướng trui, canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, mắm và đặc biệt người Nam Bộ thích dùng nước cốt dừa để chế biến món ăn... Do sống ở môi trường sông nước, người Nam Bộ rất giỏi bơi lội và thường di chuyển bằng xuồng ghe trên sông “Đất ở Gia Định có nhiều sông ngòi, bãi
biển, mười người thì chín người giỏi bơi lội, quen chở thuyền” [11; 147]. Môi trường xã hội là sự cộng cư của các dân tộc Việt, Hoa, Khơme và các dân tộc khác. Trong giao tiếp xã hội, họ rất linh hoạt, ít để ý đến lời ăn tiếng nói, nghĩ sao nói vậy nhưng giàu tình cảm.
Người Nam Bộ có đức tính cần cù, đoàn kết giúp đỡ và yêu thương nhau “Dù làm ăn dễ dãi, người nông dân Nam Bộ vẫn giữ nếp cần cù. Dù kinh tế hàng hoá phát triển, người Việt ở Nam Bộ vẫn coi trọng tính cộng đồng” [49; 199]. Đến vùng đất mới, họ đã kết thành chòm xóm, nương tựa vào nhau làm ăn, sinh sống, chống lại thú dữ, trộm cướp, giúp đỡ trong những lúc hiểm nghèo, túng thiếu. Vùng đất Nam Bộ đã sản sinh ra những anh hùng yêu nước có tinh thần đấu tranh bất khuất như Trương Định, Nguyễn Trung Trực... Đây là những người làm rạng danh đất “Nam kỳ lục tỉnh”.
Trong giao tiếp hàng ngày, người Nam Bộ rất chân tình, thật thà, cư xử tình cảm. Tác giả Trần Văn Giàu viết “Người dân đồng bằng sông Cửu
Long – Đồng Nai vẫn chân thật trung tín, cởi mở bộc trực, tình cảm, xử sự với người ngay một cách không suy tính thiệt hơn.” [29;161,162]. Người Nam Bộ mến khách “Khách đến thì mời ăn trầu trước, thết nước chè rồi đến ăn
cơm ăn bánh, cốt phải phong hậu.” [11; 146]. Người Việt Nam Bộ thích phiêu lưu mạo hiểm, chấp nhận hiểm nguy, trọng nghĩa khinh tài, giàu nghĩa khí.
Mặc dù luôn gặp những khó khăn trong cuộc sống nhưng người Nam Bộ sống lạc quan yêu đời “ Tục ở Gia Định, phàm có cầu đảo hay việc vui, đều bày diễn tuồng” [11; 146].
Như vậy, đặc trưng văn hoá Nam Bộ luôn gắn với yếu tố sông nước. Con người Nam Bộ cần cù, chân tình, sống tình nghĩa và thoải mái. Văn hoá Nam Bộ là văn hoá của những con người đi lên từ nghèo khó.