- Bến Tre dừa ngọt sông dài Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh
Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan Anh đây muốn hỏi thiệt nàng
Là trai Thạnh Phú cưới nàng được chăng?
Bến Tre là một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ, có nhiều sông rạch, thích hợp với việc trồng nhiều loại cây ăn quả như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, đặc biệt Bến Tre nổi tiếng là nhiều dừa. Dừa là loại cây mang lại nhiều giá trị kinh tế cho bà con. Từ trái dừa Bến Tre đã hình thành một nghề nổi tiếng là nghề làm kẹo dừa. Đây là một nghề thủ công truyền thống mang đậm văn hóa xứ dừa. Kẹo dừa Bến Tre có nguồn gốc từ huyện Mỏ Cày. Kẹo Mỏ Cày rất thơm và béo chính là nhờ bàn tay khéo léo của người thợ làm ra, đặc biệt là người phụ nữ Mỏ Cày – người đầu tiên làm kẹo dừa ở Bến Tre. Trong bài ca dao trên, chàng trai rất ngưỡng mộ và khâm phục tài năng làm nghề của người con gái Mỏ Cày. Bởi vì, cô gái rất tỉ mỉ để làm nên những viên kẹo có mùi rất thơm và vị béo của dừa. Từ mùi vị thơm ngon của kẹo, chàng trai đã nảy sinh tình cảm với cô gái nhưng mà không biết làm sao để bộc lộ cảm xúc chân thật của mình. Vì vậy, chàng trai đã mượn hình ảnh kẹo Mỏ Cày để bày tỏ tấm lòng và tình cảm của mình đối với cô gái. Như vậy, kẹo Mỏ Cày – đặc sản Bến Tre – từ nghĩa biểu vật đã chuyển nghĩa biểu trưng: lời khen chân tình và sự mến yêu của một chàng trai đối với cô gái. Tên gọi kẹo Mỏ Cày đã
được chọn để so sánh với người con gái Mỏ Cày
- Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc,
Măng cụt Hàm Luông,
Vỏ ngoài nâu, trong trắng như bông gòn. Anh đây nói thiệt sao em còn so đo.
Mở đầu bài ca dao, chúng ta thấy có một số địa danh như Mỹ Lồng, Sơn Đốc, Hàm Luông. Đây là những địa danh của Bến Tre. Mỗi địa danh được gắn với một đặc sản nổi tiếng như muốn ăn bánh tráng nước cốt dừa thì ghé lại Mỹ Lồng, muốn thưởng thức bánh phồng thì ta đến Sơn Đốc, còn muốn ăn măng cụt thì xin về Hàm Luông. Đặc biệt Mỹ Lồng, Sơn Đốc là nơi chế biến ra bánh tráng, bánh phồng rất nổi tiếng. Hai loại bánh này đã trở thành món ăn ngon, ai một lần đã ăn thì sẽ không bao giờ quên hương vị của chúng. Đối với những người yêu thích ẩm thực thì khi chọn bánh tráng, bánh phồng đều chọn bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc. Từ một món ăn quen thuộc đối với cuộc sống của con người, chàng trai đã mượn tên gọi hai món ăn này để đưa vào ca dao nhằm bộc lộ tâm trạng, cảm xúc của mình. Bởi vì, chàng trai không thể nói trực tiếp những gì mình định nói, có thể chàng trai còn e ngại. Chàng trai đã có tình cảm với cô gái, có ý muốn sánh duyên cùng cô, nhưng chàng trai sợ cô gái từ chối. Vì vậy, chàng trai đã mượn hai hình ảnh có thật trong cuộc sống là bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc để bày tỏ tấm lòng chân thật của mình. Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc khi đi vào bài ca dao đã mang một nét nghĩa mới. Đó là nghĩa biểu trưng cho tấm lòng chân thật của người con trai đối với cô gái, khi mà chàng trai đã thành thật giải thích và bày tỏ tình cảm của mình đối với cô gái. Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc được chọn để so sánh với tấm lòng của người con trai.
- Cơm cha cơm mẹ đã từng
Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người
Cơm người khổ lắm, mẹ ơi !
Chả như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn.
Cơm là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày. Để có được bát cơm ngon nuôi nấng cho con cái, các bậc làm cha làm mẹ đã làm việc vất vả, không ngại
gian khổ. Cha mẹ sẽ cảm thấy vui sướng khi nhìn thấy con khỏe mạnh và lớn khôn. Tuy nhiên, người con khi đã trưởng thành thì phải biết lao động để kiếm cái ăn cho mình, không nên trông nhờ hay ỷ lại vào cha mẹ. Người con có lao động thì sẽ hiểu được nỗi vất vả và khó khăn của cha mẹ. Khi người con đi làm để kiếm cơm nuôi sống bản thân thì sẽ cảm thấy vất vả, vì để kiếm được đồng tiền mua cơm cũng khổ lắm. Nếu làm không vừa ý mọi người thì họ sẽ la mắng thậm chí còn đánh đập. Mặc dù, cha mẹ lao động vất vả để kiếm cơm nuôi nấng con cái nhưng không bao giờ la mắng ta mà ngược lại cha mẹ thường hay dành những món ăn ngon cho con ăn cơm. Tác giả dân gian muốn dùng hình ảnh cơm để nhắn nhủ đến con cháu rằng: chỉ có cha mẹ là yêu thương và hi sinh cho con cái. Cơm của cha mẹ là cơm của lòng yêu thương, con cái gặp phải khó khăn, gian khổ thì cha mẹ sẵn sàng bao bọc. Cơm người là cơm của sự lao động vất vả cho người, đôi khi còn bị họ la mắng. Hình ảnh cơm cũng chính là lời than thân của người con. Cơm trong bài ca dao trên mang nét nghĩa ẩn dụ.