1.1.3.1. Các tiêu chí chung
Để đánh giá sự phát triển kinh tế của bất kì một quốc gia nào trên thế giới thì điều cần thiết nhất là phải xây dựng được những tiêu chí đánh giá cụ thể như tổng sản phẩm quốc nội, tổng thu nhập quốc dân và cơ cấu kinh tế. Hiện nay, căn cứ vào những tiêu chí chủ yếu để đánh giá nền kinh tế như:
Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product viết tắt GDP): là tổng giá trị sản phẩm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cuối cùng được sản xuất ra trên phạm vi lãnh thổ của một quốc gia tính cả khoản thu nhập của các nhà đầu tư nước ngoài nhưng không tính đến thu nhập của những người thuộc quốc gia đó sống ở nước ngoài ở một thời kì nhất định (thường là một năm).
GDP thường được sử dụng để phân tích cơ cấu kinh tế, mối quan hệ tỉ lệ giữa các ngành trong sản xuất, mối quan hệ kết quả sản xuất với phần huy động vào ngân sách. Chỉ tiêu này còn thể hiện tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, trình độ phát triển và mức sống của con người.
Tổng thu nhập quốc dân (Gross National Income viết tắt GNI): là tổng giá trị sản phẩm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cuối cùng trên phạm vi lãnh thổ của một
quốc gia bao gồm cả các khoản thu nhập do đầu tư ở nước ngoài gởi về và trừ đi phần giá trị sản phẩm mà nền kinh tế của quốc gia phải trả cho người nước ngoài dưới dạng lợi nhuận họ đã đầu tư vào nền kinh tế.
GNI được tính bằng GDP cộng với chênh lệch giữa thu nhập nhân tố sản xuất từ nước ngoài với thu nhập nhân tố sản xuất trả cho nước ngoài, trong một thời kì nhất định (thường là một năm).
GNI lớn hơn hay nhỏ hơn GDP tuỳ thuộc mối quan hệ kinh tế (đầu tư vốn, lao động, …) giữa một nước với nhiều nước khác. Nhìn chung, những nước có vốn đầu tư ra nước ngoài cao thì GNI lớn hơn GDP. Ngược lại, những nước đang tiếp nhận đầu tư nhiều hơn là đầu tư ra nước ngoài sẽ có GDP lớn hơn GNI.
Thu nhập bình quân đầu người (GDP/người, GNI/người): Chỉ số thu nhập theo đầu người phản ánh trình độ phát triển kinh tế của các quốc gia và được coi là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cuộc sống. GDP và GNI bình quân đầu người là chỉ tiêu vừa phản ánh tăng trưởng kinh tế vừa phản ánh phát triển kinh tế.
Để so sánh mức sống của dân cư ở các nước khác nhau người ta thường dùng các chỉ số GDP và GNI bình quân đầu người. GDP/người và GNI/người được tính bằng GDP và GNI chia cho tổng số dân ở một thời điểm nhất định. [15]
Cơ cấu nền kinh tế: là tổng thể các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế với vị trí, tỉ trọng tương ứng của chúng và mối quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành. Cơ cấu kinh tế có vai trò quyết định tới sự phát triển và tăng trưởng kinh tế cũng như quyết định đến sự phát triển của xã hội. Việc xem xét cơ cấu kinh tế thường được tiến hành trên ba khía cạnh gồm:
Cơ cấu ngành kinh tế: có nhiều ngành tạo thành ngành kinh tế, có thể gộp các ngành phân loại thành ba khu vực như khu vực I gồm nông - lâm - ngư nghiệp, khu vực II gồm công nghiệp - xây dựng và khu vực III gồm dịch vụ. [24]
Trong quá trình sản xuất, các ngành có mối liên hệ tác động qua lại thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Mối liên hệ giữa các ngành không chỉ biểu hiện về mặt định tính mà còn được tính toán thông qua tỉ lệ giữa các ngành, thường được gọi là
cơ cấu ngành. Như vậy, cơ cấu ngành là mối quan hệ tỉ lệ giữa các ngành trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, mối quan hệ này bao hàm cả về số lượng và chất lượng. Chúng thường xuyên biến động và hướng vào những mục tiêu kinh tế nhất định.
Cơ cấu ngành là bộ phận cơ bản và rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Nó phản ánh trình độ phân công lao động xã hội và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Sự biến động của nó sẽ mang lại ý nghĩa quyết định đến sự biến động của nền kinh tế.
Cơ cấu thành phần kinh tế: là sự tương quan theo tỉ lệ giữa các thành phần kinh tế tham gia vào các ngành, các lĩnh vực hay bộ phận hợp thành nền kinh tế. Do đó, để có một cơ cấu kinh tế hợp lí cần phải dựa trên cơ sở hệ thống tổ chức kinh tế với chế độ sở hữu với mục đích thúc đẩy sức sản xuất và phân công lao động xã hội. Các thành phần kinh tế được hình thành trên cơ sở chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất bao gồm nhiều thành phần kinh tế có tác động qua lại lẫn nhau, vừa hợp tác lại vừa cạnh tranh với nhau trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật. Cùng với quá trình phát triển của lịch sử, chế độ sở hữu cũng xuất hiện những thành phần kinh tế như kinh tế nhà nước, ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Sự chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế phải dựa trên nguyên tắc huy động tối đa nguồn lực và đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cơ cấu lãnh thổ: nếu cơ cấu ngành được hình thành từ chuyên môn hóa sản xuất thì cơ cấu lãnh thổ hình thành từ việc bố trí sản xuất theo không gian địa lý, đây là sản phẩm của quá trình phân công lao động theo lãnh thổ. Mỗi vùng lãnh thổ là một bộ phận tổ hợp của nền kinh tế quốc dân. Chính vì vậy, sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, kinh tế, nguồn lao động, kết cấu hạ tầng và các điều kiện xã hội khác làm cho mỗi vùng có những đặc thù và những thế mạnh riêng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế lãnh thổ dựa trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế, tiềm năng của từng vùng, liên kết hỗ trợ nhau cùng phát triển. Việc chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ đảm bảo hình thành và phát triển có hiệu quả các ngành, các thành phần kinh tế phù hợp với đặc điểm của từng địa phương nhằm khai thác có hiệu quả thế mạnh của từng vùng.
Như vậy, sự đóng góp của cơ cấu ngành, cơ cấu lãnh thổ và cơ cấu thành phần kinh tế là ba bộ phận hợp thành cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Trong đó, cơ cấu ngành có vai trò quan trọng nhất, nó trực tiếp giải quyết mối quan hệ cung - cầu, đảm bảo sự phát triển cân đối của cả nền kinh tế. Ở mỗi giai đoạn phát triển, phù hợp với trình độ phát triển sản xuất sẽ hình thành một cơ cấu kinh tế tương ứng. Nếu sự phát triển kinh tế trong thực tế tiến sát đến cơ cấu kinh tế hợp lí thì nền kinh tế đó sẽ tăng trưởng nhanh. Trong trường hợp ngược lại, nền kinh tế sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, việc xác định đúng cơ cấu kinh tế của từng giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia.
1.1.3.2. Các tiêu chí riêng cho cấp huyện
Qui mô giá trị sản xuất (GTSX): Đây là tiêu chí phản ánh toàn bộ giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ của toàn ngành kinh tế và cũng là tiêu chí quan trọng trong đánh giá sự phát triển của một nền kinh tế nói chung và kinh tế huyện nói riêng. Nói cách khác, đây là kết quả hoạt động của các ngành sản xuất vật chất trong một thời kì nhất định của huyện. GTSX theo ngành kinh tế thể hiện ở ba nhóm ngành như nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Ngoài ra, GTSX còn thể hiện theo thành phần kinh tế gồm kinh tế nhà nước, ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Tốc độ tăng trưởng GTSX: Thể hiện mặt định lượng tăng trưởng kinh tế. Đối với cấp huyện thường dùng tốc độ tăng trưởng GTSX để đo lường và để thể hiện tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu này được tính chủ yếu theo giá so sánh với một năm cố định gọi là năm mốc (ở nước ta là năm 1994).
Cơ cấu GTSX và sự chuyển dịch cơ cấu GTSX theo ngành kinh tế: Cơ cấu GTSX dùng để chỉ qui mô và tỉ trọng các ngành, nội bộ từng ngành, các thành phần kinh tế và các lãnh thổ trong giá trị sản xuất của huyện. Qua đó, đã thể hiện rõ vai trò và trình độ phát triển KT - XH của huyện. Sự chuyển dịch cơ cấu GTSX sẽ phản ánh được những chuyển biến của nền kinh tế.
Năng suất lao động: Là năng lực sản xuất của người lao động, nó được đo bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian
lao động hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm. [15]
Năng suất lao động tăng lên có nghĩa là cũng trong một thời gian lao động, nhưng khối lượng hàng hóa sản xuất ra tăng lên làm cho thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra một đơn vị hàng hóa giảm xuống. Do đó, khi năng suất lao động tăng lên thì giá trị của một đơn vị hàng hóa sẽ giảm xuống và ngược lại.