6. Cấu trúc của luận văn 11
2.2.5. Đầu mối giao thông chính 89
Vĩnh Long chưa có thành phố lớn, toàn tỉnh chỉ có TP. Vĩnh Long là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Vì vậy, TP. Vĩnh Long là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội đồng thời cũng là đầu mối giao thông lớn nhất của tỉnh.
Với vị trí địa lí đặc biệt so với các tỉnh khác ở vùng ĐBSCL, Vĩnh Long nối liền ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ - vùng có kinh tế phát triển năng động nhất cả nước; gần trung tâm TP. Cần Thơ. Đây là những nơi có ngành công nghiệp phát triển mạnh, tập trung nhiều trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có chất lượng cao.
Riêng Vĩnh Long cũng là nơi tập trung các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, ngoài ra những năm gần đây ngành công nghiệp của tỉnh có sự phát triển nhanh. Như vậy, Vĩnh Long có thị trường rộng lớn để cung cấp và tiêu thụ hàng hóa, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cung cấp dịch vụ tương đối hoàn chỉnh. TP. Vĩnh Long là nơi tập trung hầu hết các cơ quan đầu não của tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục,… Do đó, TP. Vĩnh Long có nhu cầu lưu thông rất cao, hoạt động GTVT có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Tại đây, có cả hai loại hình vận tải đường bộ và đường thủy.
Về đường bộ, TP. Vĩnh Long là đầu mút giao thông với 3 tuyến quốc lộ: QL.1A (đi TP. Hồ Chí Minh về phía đông bắc, đi Cần Thơ về phía tây nam), QL57 (đi Bến Tre về phía đông), QL 80 (đi Đồng Tháp về phía tây). Ngoài ra, để giảm mật độ phương tiện ra vào thành phố, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường tránh TP. Vĩnh Long.
Tuyến QL.1A qua tỉnh Vĩnh Long dài 47,2 km, có điểm đầu tại cầu Mỹ Thuận và kết thúc tại cầu Cần Thơ, là tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh, nối Vĩnh Long với các tỉnh ĐBSCL như Cần Thơ, Tiền Giang. Tuyến đường này vừa được Bộ GTVT đầu tư nâng cấp nên có chất lượng tốt, mặt đường thảm BTN, năng lực chịu tải tốt, đạt cấp kỹ thuật cấp II đồng bằng, quy mô 4 làn xe, mặt đường rộng từ 18 - 26 m.
Mặt khác, QL.1A còn giao với QL.53 tại phường 9, TP. Vĩnh Long. Tuyến QL.53 qua Vĩnh Long dài 47 km, điểm đầu tại ngã ba giao nối QL.1A thuộc phường 9, TP. Vĩnh Long và kết thúc tại cầu Mây Tức (ranh giới giữa Vĩnh Long và Trà Vinh). Hiện nay, tuyến đường này đang được nâng cấp, sửa chữa nên có chất lượng khá tốt, đạt chuẩn cấp III đồng bằng với 2 làn xe, mặt đường rộng 12 m. Đây là tuyến đường bộ duy nhất nối liền tỉnh Trà Vinh
với các tỉnh ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, mật độ xe lưu thông trên tuyến đường này khá cao.
Ngoài ra, ở TP. Vĩnh Long còn có tuyến QL.57 nối liền Vĩnh Long với Bến Tre, bắt đầu từ ngã tưĐồng Quê giao với QL.53 thuộc phường 4, TP. Vĩnh Long và kết thúc tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Toàn tuyến có chiều dài 105 km. QL.57 qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long với chiều dài 7,5 km, bắt đầu tại ngã tư Đồng Quê, giao với QL.53 - QL.57 - đường Phạm Thái Bường, phường 4, TP. Vĩnh Long và kết thúc ở cầu Đập Ông Chói, huyện Long Hồ. Đây là con đường ngắn nhất nối TP. Bến Tre và TP. Vĩnh Long. Chất lượng đường tuyến này khá tốt, đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng với 2 làn xe.
Về hệ thống đường thủy, TP. Vĩnh Long là nơi có tuyến sông Tiền, sông Cổ Chiên chảy qua. Sông Tiền dài 230 km, qua các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, và Trà Vinh. Đến TP. Vĩnh Long, sông Tiền tách ra thành hai nhánh là sông Tiền và sông Cổ Chiên. Nhánh sông Tiền qua tỉnh Vĩnh Long dài 33,5 km, bắt đầu từ chỗ giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp chảy qua TP. Vĩnh Long, cù lao An Bình (huyện Long Hồ) và kết thúc tại nơi giáp ranh với tỉnh Bến Tre. Đoạn tuyến này có cấp kỹ thuật loại đặc biệt, chiều rộng lòng sông từ 600 - 1.800 m, độ sâu trung bình 12 - 15 m. Đây là tuyến giao thông thủy quan trọng không chỉ của Vĩnh Long mà còn của khu vực ĐBSCL, có thể nối từ cửa Tiểu, cửa Đại đến Campuchia. Sông Cổ Chiên là một phân lưu của sông Tiền, chảy qua các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre. Con sông này có chiều dài 182 km, làm thành ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Vĩnh Long với Bến Tre, Trà Vinh với Bến Tre. Sông bắt đầu từ TP. Vĩnh Long, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, đổ ra biển Đông qua hai cửa sông là cửa Cung Hầu và cửa Cổ Chiên. Nhánh sông Cổ Chiên dài 63 km, rộng từ 800 - 2.500 m, sâu từ 20 - 40 m, đạt cấp kỹ thuật loại đặc biệt, bắt đầu tại ngã ba sông Cổ Chiên - sông Tiền thuộc TP. Vĩnh Long chảy qua các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm và kết thúc tại nơi tiếp giáp với tỉnh Trà Vinh. Đây là tuyến giao thông không những cho vận chuyển của tỉnh mà còn của các tỉnh ĐBSCL như Trà Vinh, Bến Tre.
Ngoài ra, ở TP. Vĩnh Long còn có hệ thống các bến xe, cảng sông đủ năng lực phục vụ hoạt động vận tải. Ở đây có bến xe Vĩnh Long, là bến xe lớn nhất tỉnh với cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ, có khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải liên tỉnh và nội tỉnh. Mặt khác, trên tuyến sông Cổ Chiên còn có cảng Vĩnh Long, đây là một trong hai cảng sông quan trọng nhất trong giao thông đường sông của tỉnh.
Như vậy, về cơ sở vật chất phục vụ cho kết cấu hạ tầng GTVT, TP. Vĩnh Long được xem là tốt nhất tỉnh. Điều đó cho thấy vị trí quan trọng của TP. Vĩnh Long trong kết cấu hạ tầng GTVT tỉnh Vĩnh Long.