Nai
2.3.1. Những mặt mạnh
Thời gian qua ngành nông nghiệp nói chung và tình hình phát triển các nông sản chủ lực của tỉnh Đồng Nai đã có khá nhiều thành tựu, trong đó đáng kể nhất là: loại hình tổ chức, phương thức chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi với dây chuyền thiết bị công nghệ tiên tiến và giống cây trồng – vật nuôi có chất lượng ngày càng cao, cùng với loại hình kinh tế trang trại trồng cây lâu năm (cao su, hồ tiêu, cây ăn quả đặc sản) và các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được xem là tiền đề vững chắc cần được thừa kế phát huy cao độ trong thời gian tới.
Trong quá trình sản xuất, tỉnh Đồng Nai đã bước đầu hình thành những vùng chuyên canh cây trồng vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao; ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang thực hiện chương trình phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực; là điều kiện thuận lợi để nông nghiệp Đồng Nai tiến lên sản xuất lớn, theo hướng gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế, ứng dụng công nghệ cao, bền vững và an toàn. Hực tế những loại cây chủ lực được trồng theo vùng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, như tại huyện Vĩnh Cửu đã phát triển hai cây trồng chủ lực của địa phương là bưởi và xoài, với tổng diện tích trồng bưởi của huyện hiện có 731 ha, trong đó trồng mới được 183 ha. Cây xoài là trên 2 nghìn ha, với 320 ha trồng mới. Trong đó, gần 28 ha bưởi tại xã Tân Bình và trên 27 ha xoài tại xã Phú Lý đều được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều có khối lượng sản phẩm, giá trị sản xuất cao, tốc độ gia tăng tương đối nhanh, chất lượng tốt, một số sản phẩm đã có được thương hiệu riêng được thị trường ưu chuộng và có nhiều ưu thế để xuất khẩu.
Đồng Nai nằm kế cận TP. Hồ Chí Minh và thuộc vùng KTTĐPN dự báo đến năm 2020 dân số toàn vùng là 22 triệu người và hàng chục triệu lượt khách du lịch; sẽ là thị trường tiêu thụ nông thủy sản nhiều nhất cả nước, đặc biệt là các loại nông thủy sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, ngành nông nghiệp cần coi đây là yếu tố hết sức thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường.
Công nghiệp chế biến nói chung, chế biến nông lâm sản nói riêng ở tỉnh Đồng Nai và vùng KTTĐPN phát triển mạnh nhất cả nước với số lượng nhà máy và ngành nghề chế biến đa dạng với dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại. Chính vì vậy công nghiệp chế biến có điều kiện hỗ trợ cho sản xuất nông lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến thông qua hợp đồng, liên doanh liên kết cùng phát triển.
Hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ nông, lâm nghiệp hiện có và cải tạo, nâng cấp xây dựng mới trong thời kỳ 2011 - 2020 sẽ tạo động lực mới thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa của tỉnh Đồng Nai phát triển đúng hướng, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Thực hiện Nghị quyết số: 26-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Chính phủ, các bộ ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động, cơ chế chính sách mới với nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng và không thể xem nhẹ đối với “Tam Nông” chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp phát triển vững chắc hơn.
Nguồn thu ngân sách của tỉnh đạt bình quân 27.400 tỷ đồng/năm; thời kỳ 2011 - 2015 dự kiến sẽ tăng 12 - 13%/năm. Tổng sản phẩm GDP dự kiến tăng bình quân ở mức cao (12% - 13%/năm). Do vậy, tỉnh hoàn toàn có thể chủ động phân bổ chi ngân sách thông qua cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích, tạo động lực đối với phát triển nông lâm nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các nước trên thế giới đã làm.