Trên thế giới tồn tại nhiều mô hình CDCCKT, trong đó có thể nêu ba mô hình chính như sau:
Mô hình chuyển dịch hướng nội
Đây là mô hình nghiêng về sự đóng cửa của nền kinh tế, khuyến khích sản xuất cho thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu. Với mục tiêu phát huy tính chủ động, đảm bảo sự phát triển của các ngành truyền thống trong nước, một số quốc gia đã lựa chọn CDCCKT theo mô hình này. Tuy vậy, mô hình này tạo ra ít sức ép cạnh tranh do hàng hóa trong nước được bảo hộ bằng hàng rào thuế quan, cơ cấu sản xuất thiếu tính năng động.
Trong những năm 1950 – 1970, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và một số nước Đông Á khác đã áp dụng mô hình bằng cách thực hiện các hàng rào bảo hộ nghiêm ngặt, giảm tối đa nhập khẩu. Chiến lược này trong thời gian đầu tỏ ra hiệu quả, mang lại thành công cho một số ngành song sự thành công này không được lâu bền. Do áp dụng mạnh các chính sách bảo hộ nên sản xuất sớm rơi vào tình trạng trì trệ, kém hiệu quả.
Mô hình chuyển dịch hướng ngoại
Đây là mô hình với xu thế đưa nền kinh tế phát triển theo hướng thiên về mở cửa có khả năng thúc đẩy thương mại cùng với các nguồn đầu tư từ bên ngoài vào,thu được nhiều lợi nhuận thông qua sản xuất hàng xuất khẩu. Ưu điểm chính của mô hình là thúc đẩy quá trình đổi mới, tăng trưởng kinh tế cũng như năng suất lao động xã hội và tạo ra khả năng thích nghi của nền kinh tế.Dẫu sao, việc mở cửa cũng có những hạn chế tương đối như tính tự chủ của nền kinh tế, khả năng phát triển công nghệ trong nước do nhập khẩu tư liệu sản xuất,công nghệ và những rủi ro có thể xảy ra trên thị trường quốc tế.
Từ những năm 1980, những nước và vùng lãnh thổ đặc biệt xuất sắc như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông đã theo đuổi mô hình này và đạt được kết quả thần kì trong tăng trưởng và CDCCKT. Tuy nhiên do phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường thế giới làm cho việc áp dụng mô hình này không còn thuận lợi như những thập niên qua.
Mô hình chuyển dịch theo hướng kết hợp nội lực với ngoại lực.
Đây là mô hình tương đối phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Trong mô hình này có sự kết hợp chặt chẽ giữa việc khai thác có hiệu quả nguồn lực trong nước với việc mở rộng quan hệ với bên ngoài để xây dựng một nền kinh tế năng động. Một trong những nét đặc trưng của mô hình là tập trung vào công nghiệp hóa cùng với sự phát triển cân đối của ngành. Tuy nhiên, mô hình cũng không chủ trương phát triển một ngành duy nhất nhằm có thể đối phó linh hoạt với những biến động bất thường và dễ dàng hội nhập với thế giới.