Nâng cao chất lượng thu thập và xử lý nguồn thông tin đầu vào

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ kinh tế Chất lượng xếp hạng tín dụng doanh nghiệp tại Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Trang 78 - 81)

3 Tình hình nợ không đủ tiêu chuẩn

3.2.3.Nâng cao chất lượng thu thập và xử lý nguồn thông tin đầu vào

Hiện nay nguồn thông tin đầu vào phục vụ cho quá trình XHTD doanh nghiệp có từ rất nhiều nguồn, trong đó chủ yếu dựa trên số liệu từ các NHTM, các tổ chức tài chính có hoạt động ngân hàng cung cấp cho CIC. Các thông tin này chủ yếu là thông tin về dư nợ và báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, CIC cũng thu thập thông tin tài chính về khách hàng vay qua các kênh khác nhau như từ internet, các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc từ chính khách hàng. Nguồn thông tin quan trọng nữa là thông tin pháp lý thường được thu thập từ chính doanh nghiệp, từ tổ chức tín dụng hoặc các thông tin được công bố trên các trang website. Tuy nhiên, cần phải có các biện pháp để nâng cao chất lượng của các nguồn thông tin được thu thập này nhằm nâng cao chất lượng thông tin được sử dụng trong bản xếp hạng và cung cấp tới khách hàng những thông tin chính xác nhất.

- Thu thập thông tin qua hệ thống file truyền dữ liệu trong hệ thống ngân

hàng: thông tin mà các TCTD cung cấp cho CIC qua mạng máy tính hiện nay

chủ yếu là thông tin về dư nợ. Thông tin về tài sản đảm bảo có truyền file dữ liệu về nhưng chất lượng chưa cao do thông tin về tài sản và việc giải ngân từng lần chưa được cập nhật như các thông tin về dư nợ khác. Qua nhiều năm thực hiện theo Quyết định 51/2007/QĐ-NHNN ngày 21/12/2007 và Thông tư 03/2013/TT- NHNN ngày 28/01/2013, về việc cung cấp thông tin BCTC về khách hàng vay thì số liệu hiện nay đã tương đối tốt và đi vào quy trình. Tuy nhiên thông tin về BCTC của doanh nghiệp gửi về lại chủ yếu vẫn là bản giấy, để có thể nhập vào kho dữ liệu để phục vụ cho nghiệp vụ XHTD doanh nghiệp thì cần có nguồn nhân lực và thời gian để thực hiện. Do đó CIC cũng cần khuyến khích các TCTD gửi thông tin BCTC của doanh nghiệp theo file dữ liệu, như vậy sẽ vừa tiết kiệm

chi phí vừa tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó có nhiều TCTD gửi thông tin về khách hàng chậm cả về dư nợ vay và thông tin tài chính nên số liệu cung cấp còn chưa phản ánh hết được thực trạng tình hình vay nợ của khách hàng cũng như không có số liệu BCTC để thực hiện phân tích. Do đó trong thời gian tới CIC cần phải theo dõi và đôn đốc các TCTD cung cấp thường xuyên thông tin về dư nợ, BCTC và các thông tin phi tài chính khác đối với các doanh nghiệp là khách hàng của các TCTD theo mẫu biểu quy định chung. Trong năm 2013, CIC đã xây dựng quy trình hướng dẫn thực hiện thông tư 03/2013/TT- NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng cho toàn bộ hệ thống ngân hàng các đơn vị cung cấp thông tin cho CIC. Trong đó các thông tin pháp lý sẽ được các TCTD cung cấp nhiều hơn đặc biệt là thông tin về đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp. Trên cơ sở ra đời thông tư mới, CIC cần phải đôn đốc các TCTD cung cấp đầy đủ và nhanh chóng các thông tin theo thông tư 03. Việc có thể có được nguồn dữ liệu này sẽ rất hữu ích cho CIC khi có thêm các thông tin tham khảo, so sánh về các khách hàng doanh nghiệp.

- Thu thập thông tin từ các Bộ, Ban, Ngành: Hiện nay đã có thông tư liên

tịch số 01/2006/TTLT-BTC-NHNN, quy định trong việc trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, tuy nhiên mức độ thực hiện rất khiêm tốn dù các thông tin này là vô cùng quan trọng. Thêm vào đó việc trao đổi những thông tin nói trên không được thực hiện thường xuyên mà chủ yếu là dựa trên cơ sở thu thập thông tin từng lần đối với những trường hợp phát sinh đặc biệt, không có tính bắt buộc hợp tác nên hiệu quả không cao. Ngày 29/02/2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cùng thống nhất và ký Quy chế phối hợp công tác trao đổi thông tin giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên các thông tin trao đổi giữa các bên theo quy định vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu khai thác của các bên. Đối với CIC, việc thu thập một số thông tin pháp lý và thông tin BCTC, tình hình giải thể của các công ty là vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng XHTD. Theo thống kê, năm 2013 có

khoảng 61.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể và có khoảng 77.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong tổng số hơn 457.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, vì vậy nên việc trao đổi những thông tin này là vô cùng cần thiết.

Hiện tại trong kho dữ liệu của CIC cũng có rất nhiều các doanh nghiệp không có quan hệ tín dụng với các TCTD và cũng rất khó khăn trong việc thu thập trực tiếp thông tin tài chính từ chính công ty. Vì vậy, việc thu thập thông tin doanh nghiệp từ các cơ quan quản lý Nhà nước như Tổng cục Thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê,… cũng góp phần tăng thêm nguồn dữ liệu tại CIC, nâng tỷ trọng trả lời thông tin XHTD cho các TCTD và các tổ chức khác. Do đó để tăng cường trao đổi thông tin thì CIC cần chủ động đề xuất Thống đốc NHNN liên hệ với các Bộ, Ngành để tham mưu ban hành các công văn liên tịch về việc phối hợp trao đổi thông tin với NHNN.

- Thu thập thông tin từ doanh nghiệp: Theo như quy trình thực hiện XHTD doanh nghiệp tại CIC hiện nay, đối với thông tin pháp lý của các doanh nghiệp thì cứ 6 tháng sẽ được cập nhật lại một lần. Cách thức thực hiện chủ yếu là phỏng vấn tới từng doanh nghiệp để cập nhật thông tin pháp lý. Cụ thể, CIC trực tiếp gặp gỡ để phỏng vấn lãnh đạo doanh nghiệp hoặc có thể gián tiếp qua điện thoại, fax chuyển đến doanh nghiệp một mẫu thu thập thông tin và đề nghị doanh nghiệp gửi về CIC các thông tin dưới dạng văn bản. Đây là phương pháp cần được áp dụng rộng rãi để bổ sung thông tin phong phú vào hồ sơ các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn như các tổng công ty. Tuy nhiên cách thức này có nhược điểm là mất nhiều thời gian, chi phí và thông tin có thể chưa hoàn toàn chính xác và vẫn có sai lệch trong việc xác định lĩnh vực hoạt động chính. Điều này làm cho việc xác định ngành kinh tế sai lệch, làm sai kết quả xếp hạng tín dụng. Đôi khi các thông tin pháp lý về một doanh nghiệp được đề nghị gửi qua đường công văn nên mất nhiều thời gian, không đáp ứng thời gian hỏi tin. Vì vậy, thời gian tới cần có phương pháp điều tra đại trà, gửi mẫu

thu thập thông tin đến nhiều doanh nghiệp thường được các khách hàng quan tâm và có dư nợ tại nhiều TCTD, đề nghị doanh nghiệp cung cấp thông tin gửi về cho CIC. Cách thức này tuy lúc khởi đầu khối lượng công việc nhiều nhưng CIC có thể chủ động về việc cập nhật thông tin, rút ngắn thời gian xử lý bản XHTD doanh nghiệp. Cũng có nhiều doanh nghiệp hiện đã hết quan hệ tín dụng nhưng đã từng được các TCTD và tổ chức khác quan tâm; Vì vậy CIC cũng cần chủ động thu thập thông tin đối với các đối tượng này nhằm chủ động trong việc sẵn sàng cung cấp các thông tin khi có nhu cầu hỏi tin từ khách hàng.

- Thu thập thông tin từ các cơ quan thông tin báo chí, trên mạng internet: Đây là phương pháp đơn giản nhưng rất hữu hiệu, thông tin về doanh nghiệp và các các nhân có liên quan rất đa dạng, phong phú.Việc thu thập thông tin từ các nguồn này được triển khai theo 2 loại: thông tin kinh tế thương mại và thông tin doanh nghiệp. Khi có thông tin liên quan đến một doanh nghiệp nào đó sẽ được CIC phân loại tập hợp theo mã số và lưu trữ vào máy tính. Bên cạnh đó, khi phòng “Phân tích và Xếp hạng Tín dụng” thu thập, tổng hợp được các thông tin về tình hình kinh tế trong quá khứ và hiện tại sẽ giúp các chuyên gia có số liệu để tham khảo trong việc dự đoán, xác định xu hướng của ngành kinh tế trong thời gian tới và ảnh hưởng của nó tới các doanh nghiệp như thế nào trong tương lai. Các thông tin liên quan tới doanh nghiệp trên các trang mạng cũng sẽ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng trong việc cho điểm đối với các chỉ tiêu trong bản chấm điểm thông tin pháp lý của bản báo cáo XHTD doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải các thông tin nào cũng là chính xác và có ứng dụng cao, do đó cần phải có sự chọn lọc các loại thông tin trên mạng để có thể đưa vào bản xếp hạng và đưa ra đánh giá cuối cùng.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ kinh tế Chất lượng xếp hạng tín dụng doanh nghiệp tại Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Trang 78 - 81)