Đặc điểm của giáo dục Việt Nam thời thuộc địa (1858-1945)

Một phần của tài liệu Tình hình giáo dục việt nam thời thuộc địa 1858 1945 (Trang 72 - 74)

Giáo dục Việt Nam thời thuộc địa là nền giáo dục mới do thực dân Pháp tiến hành, nhằm phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa của chúng ở Việt Nam. Nền giáo dục đó có những đặc điểm tiêu biểu như:

Nền giáo dục đó ra đời và hoạt động trong điều kiện chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc thực dân Pháp. Năm 1858, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, sau đó nhanh chóng chiếm được cả ba kỳ và thiết lập nền cai trị trên đất nước ta, biến nước ta thành thuộc địa của chúng. Để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa chúng, đã tiến hành nhiều thay đổi về mặt giáo dục.

Sau khi thực dân Pháp tiến hành đổi mới giáo dục ở nước ta đã từng bước xoá bỏ hệ thống giáo dục phong kiến và đến năm 1929 sau cải cách giáo dục lần thứ hai (1917 – 1929) thì hệ thống giáo dục phong kiến đã hoàn toàn bị xoá bỏ, đưa đến sự xác lập của một nền giáo dục mới: nền giáo dục thực dân.

Đây là giai đoạn có sự vận động mãnh liệt của nền giáo dục Việt Nam. Đó là sự chuyển biến từ nền giáo dục Nho học, chữ Hán cổ hủ, lạc hậu, nhiều khiếm khuyết không đáp ứng được yêu cầu thực tế của xã hội sang một nền giáo dục mới, hiện đại hơn, tiến bộ hơn khác hẳn nền giáo dục cũ theo lối từ chương, văn vở. Khi thực dân Pháp xây dựng nền giáo dục mới đã đưa đến những yếu tố mới cho giáo dục. Đó là việc tổ chức hệ thống trường học, cấp học, lớp học có hệ thống bài bản hơn, với hình thức tổ chức dạy học tập trung. Học sinh được tổ chức thành từng lớp, có cùng độ tuổi, giống nhau về tâm sinh lý, cùng học một chương trình thống nhất, đa dạng về loại hình trường lớp và được tổ chức rộng khắp. Chương trình được xây dựng với nội dung giáo dục toàn diện, không chỉ có khoa học xã hội mà còn có cả khoa học tự nhiên, kĩ thuật, ngoại ngữ…

Tuy nhiên, đây vẫn là một nền giáo dục mang tính chất thuộc địa, tổ chức và nội dung giáo dục đều nhằm mục đích duy nhất là khai thác thuộc địa. Từ mục đích đó nên chương trình học dù dựa trên mô hình giáo dục của Pháp đương thời, nhưng nó đã bị cắt xén đi nhiều nội dung, chỉ dạy cầm chừng, sách giáo khoa thì ít, chương trình học lại quá nặng và dài, chất lượng giáo viên thấp chưa có nghiệp vụ sư phạm… dẫn đến kết quả đạt được là không cao.

Một nền giáo dục mới lẽ ra phải xoá bỏ những quan niệm học tập lỗi thời của chế độ phong kiến, nhưng trái lại do âm mưu xảo quyệt của kẻ thù lại tô đậm thêm những quam điểm lỗi thời đó. Ngày xưa là mộng khoa danh thì nay là óc bằng cấp, đi học chỉ để lấy bằng, những Cử nhân Luật, Tú tài… bỏ tiền ra để chạy chân Tri huyện hay Tham tán... còn học sinh thì chỉ mong lấy được bằng Cơ Thuỷ hay Thành Chung rồi đi làm Thông phán, Kí lục toà xứ, Thông ngôn…Nhà trường phong kiến có mối tệ là xa rời thực tế, khinh lao động, khinh nhân dân thì ảnh hưởng của trường Pháp - Việt cũng không thay

đổi được quan niệm này. Mặc dù chương trình học đã đưa vào những môn khoa học thực nghiệm nhưng học sinh vẫn chỉ thu được những kiến thức sách vở mơ hồ đã làm cho một bộ phận thanh niên học sinh có ý thức coi khinh lao động, không muốn gắn bó với nông thôn.

Một đặc điểm nữa của giáo dục Việt Nam thời kỳ này là nó được xây dựng theo mô hình chóp, tức là hệ thống trường lớp cũng như nội dung học tập càng lên bậc học cao hơn thì càng giảm dần. Khi tiến hành xây dựng hệ thống giáo dục mới, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng bậc tiểu học một cách rộng khắp nhưng lên đến bậc trung học, cao đẳng, đại học thì cả số lượng và chất lượng ngày càng giảm dần. Trong năm học 1929 - 1930, các trường tiểu học được mở rất nhiều: riêng Bắc Kỳ đã có 835 trường với 879 lớp và 27.627 học sinh; ở Trung Kỳ là 826 trường [3, tr.99]. Nhưng lên đến bậc cao đẳng, đại học thì cả số lượng và chất lượng đều giảm đi rất nhiều, chỉ có một số trường cao đẳng, đại học như trường Luật, trường Y Dược, trường Canh nông… với tổng số sinh viên rất khiêm tốn năm 1930 – 1940 là 682 sinh viên; năm 1940 – 1941 là 704 sinh viên [3, tr.106]. Điều đó chứng tỏ càng lên cao thì cả số lượng và chất lượng giáo dục đều giảm, đây là một nền giáo dục được xây dựng theo mô hình chóp.

Như vậy, có thể thấy đặc điểm của nền giáo dục Viêt Nam thời kỳ thuộc địa là một nền giáo dục mới hiện đại và tiến bộ hơn nền giáo dục Nho học, nhưng sự hiện đại đó nằm trong ý đồ của thực dân Pháp, nên đó vẫn là một nền giáo dục thực dân phục vụ cho mục đích cai trị của Pháp tại Đông Dương, gieo rắc những tư tưởng nô dịch, tuyên truyền cho văn hóa tư tưởng “mẫu quốc”, chủ yếu phục vụ con em người Pháp và quan lại người Việt thân Pháp. Phần lớn nhân dân ta vẫn ở trong đói nghèo, lạc hậu và thất học.

Một phần của tài liệu Tình hình giáo dục việt nam thời thuộc địa 1858 1945 (Trang 72 - 74)