Vai trò của giáo dục đối với phong trào cách mạng Việt Nam thời thuộc địa

Một phần của tài liệu Tình hình giáo dục việt nam thời thuộc địa 1858 1945 (Trang 77 - 83)

thời thuộc địa

Giáo dục Việt Nam thời thuộc địa đã đào tạo được những người con ưu tú cho phong trào cách mạng Việt Nam.

Cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX, những nhà Nho yêu nước Việt Nam đứng trước cảnh triều đình phong kiến nhà Nguyễn bạc nhược, đầu hàng để thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên đất nước mình đã lo lắng tìm cách khôi phục lại nền độc lập nước nhà. Một trong số những người đó, đã có xu hướng dùng giáo dục để chấn hưng chí khí và sức mạnh dân tộc.

Do tiếp xúc với văn minh phương tây, nên các nhà Nho đã lần lượt đưa ra những phê phán, đề nghị, yêu sách với nền giáo dục đương thời. Sau điều trần của Nguyễn Trường Tộ dưới thời Tự Đức, các nhà Nho ở thập niên thứ nhất, thế kỷ XX như Phan Chu Trinh… đã tiếp xúc với phong trào Duy tân học ở Trung Quốc (do Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu… đề xướng) đã làm cuộc vận động Duy tân (1902 – 1908). Trong đó có việc phê phán nền giáo dục cũ sa lầy vào từ chương văn vở, vô dụng đưa ra đòi hỏi xây dựng nền giáo dục dựa vào khoa học kĩ thuật thiết thực của phương Tây, đồng thời trực tiếp tổ chức ra một số trường lớp để thực hiện phổ biến nền giáo dục đó. Đó là lớp học ở một số làng quê tỉnh Quảng Nam (1902), là trường Dục Thanh ở Phan Thiết (1905), và có tiếng vang nhất là trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội (1907). Các trường tư này dạy chữ Quốc ngữ, dạy các kiến thức về lịch sử, địa lý, khoa học thường thức và lồng vào đó những tư tưởng dân chủ, kêu gọi lòng yêu nước.

Sợi chỉ xuyên suốt nội dung giáo dục của các trường này là lòng yêu nước nên bất kỳ môn học nào dù là văn thơ hay lịch sử địa dư đều đề cập đến lòng yêu nước. Trong cuốn sách Quốc dân độc bản đã đặt trách nhiệm cho một công dân phải “biết giữ pháp luật của nước, yêu mến đồng loại của mình,

xem việc nước như việc nhà…” [14, tr.197]. Như vậy với tư tưởng xuyên suốt của các trường ở đây chính là lòng yêu nước, đã góp phần giáo dục đào tạo ra những con người ưu tú cho cách mạng Việt Nam.

Trong hệ thống giáo dục Pháp - Việt, luôn âm ỉ trong một bộ phận không nhỏ thầy và trò tư tưởng yêu nước, chống Pháp và sẵn sàng bùng nổ thành phong trào đấu tranh công khai khi có thời cơ thuận lợi như các cuộc biểu tình của nhà yêu nước Phan Chu Trinh, đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, phong trào yêu nước công khai rầm rộ của Tổng hội sinh viên Việt Nam dưới ảnh hưởng của mặt trận Việt Minh, kéo theo sự hưởng ứng của đa số học sinh các trường phổ thông, các trường cao đẳng, đại học tham gia vào phong trào cách mạng.

Có rất nhiều nhà hoạt động yêu nước nói chung và chí sĩ cốt cán của Đảng cộng sản Đông Dương là thầy giáo hay học sinh, sinh viên trong hệ thống trường Pháp - Việt.

Cho đến năm 1911, khi Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước và bắt gặp ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, người đã tin tưởng đi theo và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Từ đó người đã tìm cách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, qua tập đề cương bài giảng mà người sử dụng để giảng dạy tại lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, mà sau nay được bộ tuyên truyền của “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” xuất bản thành sách “Đường kách mệnh”. Từ năm 1925 đến 4 - 1927, Nguyễn Ái Quốc đã mở được 10 khóa học với tổng số học viên là 200 người. Nội dung giảng dạy là những bài học về lịch sử cách mạng thế giới có liên hệ thực tế Việt Nam, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và giáo dục lòng yêu nước.

Đến tháng 8-1938, Hội truyền bá Quốc ngữ được thành lập và hoạt động tháng 8-1945. Mục đích của Hội là truyền bá chữ Quốc ngữ, là chống

nạn thất học cho nhân dân lao động, dạy người Việt biết nói tiếng mình. Khi nào có thể được thì dạy cho người Việt biết ít điều thường thức cho cuộc sống sinh hoạt hiện thời.

Đối tượng dạy của Hội là những người nghèo thất học và không có điều kiện theo trường công - tư, họ không phải trả học phí mà còn được cấp phát giấy, bút, sách vở… Tính từ ngày 25-4-1938 đến cách mạng tháng 8- 1945, Hội đã hoạt động được hơn 7 năm, đã lập được 30 chi hội ở Bắc Kỳ, 15 chi hội ở Trung Kỳ, 6 chi hội ở Nam Kỳ. Mở được 837 lớp học bao gồm 59.827 học viên sơ cấp và gần một vạn người học lớp bổ túc, với 1.917 giáo viên [3, tr.176].

Hội đã hướng công việc của mình vào nhân dân lao động, là tầng lớp bị thiệt thòi nhiều nhất dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, việc dạy học cho tầng lớp này đã xích họ lại gần với ánh sáng của tiến bộ, là thực hiện một chủ trương lớn của Đảng là đưa những người đã giác ngộ trở thành cán bộ trung kiên của phong trào cách mạng.

Hoạt động của Hội đã làm phân hóa kẻ thù, đã từng bước đẩy lùi một số hủ tục ở làng xóm, đặc biệt là với nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp, đã là những kinh nghiệm quý báu cho cuộc vận động xóa nạn mù chữ sau cách mạng tháng Tám thành công, đây chính là tính chất yêu nước và cách mạng của Hội.

Như vậy, xuất phát từ nền giáo dục Pháp - Việt với việc tiếp cận văn minh phương Tây nó đã không những không làm hủy hoại tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà còn góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho nhân dân ta. Giáo dục thời kỳ này đã góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ sau này.

Giáo dục Việt Nam thời thuộc địa (1858-1945), đã có bước chuyển mình lớn nó đã vượt qua hình mẫu nền giáo dục phong kiến cổ hủ lạc hậu, để xây dựng một nền giáo dục mới tiến bộ hơn, hiện đại hơn.

Nền giáo dục mới, được đánh giá là tiến bộ và hiện đại hơn nền giáo dục phong kiến. Bởi nó đã được tổ chức thành một hệ thống từ tiểu học lên đến tận đại học.

Với nội dung chương trình học, phương pháp giảng dạy và học tập mới, đã có tác dụng kích thích khả năng tư duy sáng tạo của học sinh. Việc mở nhiều ngành học mới đã mở ra một bước ngoặt mới cho sự phát triển của trình độ khoa học kĩ thuật, đồng thời đã góp phần nâng cao trình độ văn hóa cho đại bộ phận dân chúng.

Một điểm tích cực của giáo dục thời kỳ này, chính là từ nền giáo dục thực dân đó, đã giác ngộ cảnh tỉnh bao thế hệ con người Việt Nam về lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, đứng lên đấu tranh giành độc lập cho quê hương đất nước .

Bên cạnh những mặt tích cực đó nền giáo dục Pháp - Việt còn bộc lộ nhiều hạn chế. Vì đây là nền giáo dục thực dân Pháp xây dựng nhằm phục vụ lợi ích của mình, đào tạo lớp người thừa hành chính sách cai trị và khai thác của chúng, nhằm truyền bá tư tưởng sợ Pháp, phục Pháp.

Với mục đích đó, thực dân Pháp đã mô phỏng hệ thống giáo dục Pháp lúc đó, nhưng đã cắt xén nhiều nội dung tiến bộ mà thay vào đó là những nội dung phản động, mang tính chất thực dân, tư sản nửa phong kiến, ca ngợi thực dân Pháp - triều đình Huế và cả những quan niệm lạc hậu của tôn ti trật tự phong kiến.

Việc ra đời nền giáo dục mới tuy là một tất yếu của lịch sử, khi giáo dục phong kiến đã lỗi thời và suy tàn. Nhưng sự phát triển của nó là chưa thực sự toàn diện và khoa học, nó luôn chịu sự chi phối của các âm mưu chính trị của kẻ thù, nhằm biến nước ta thành thuộc địa của chúng, mãi mãi nằm dưới

bóng tối của nô lệ mà không ngóc đầu lên được. Nhưng đánh giá một cách khách quan, nền giáo dục mới đã tạo ra bước chuyển biến lớn cho nền giáo dục nước ta.

KẾT LUẬN

Tìm hiểu về tình hình giáo dục Việt Nam thời thuộc địa 1858-1945 cho chúng ta cái nhìn khái quát hơn, toàn diện hơn về nền giáo dục nước ta trong giai đoạn này. Đó là sự vận động lớn của lịch sử giáo dục Việt Nam, tạo ra một diện mạo mới cho giáo dục nước ta.

Nền giáo dục theo hệ tư tưởng phong kiến đã đào tạo cho nước ta rất nhiều nhân tài để xây dựng và quản lý đất nước. Nhưng bước sang thế kỷ XIX, Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với chủ nghĩa tư bản thì nền giáo dục theo tư tưởng Khổng Mạnh đã không còn phù hợp nữa. Bởi nền giáo dục đó đã không thể đáp ứng được yêu cầu của thực tế xã hội. Từ đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới.

Khi thực dân Pháp chiếm được nước ta, đã xây dựng một nền giáo dục mới tuy với mục đích là phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc nhưng sau nhiều cuộc cải cách, với những thay đổi của mình, nền giáo dục Việt Nam đã thực sự là động lực thúc đẩy xã hội phát triển đi lên.

Với chương trình, nội dung học tập hiện đại, có hệ thống đã cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản có thể áp dụng vào thực tế đời sống. Nó có ưu thế là nhanh hơn, càng học lên cao kiến thức càng phát triển đầy đủ và toàn diện. Như vậy, cá nhân sẽ được phát triển đầy đủ hơn, toàn diện hơn, có khả năng phục vụ xã hội theo sở trường và năng lực của mình.

Nền giáo dục mới đã xuất hiện đúng lúc khi nền giáo dục cổ truyền đã suy tàn, đặt ra yêu cầu phải cách tân. Với ưu thế của một nền giáo dục hiện

đại, nó đã khẳng định sự tồn tại của mình bằng phương pháp sư phạm khoa học, nội dung học tập phong phú toàn diện.

Tuy nhiên nền giáo dục này còn nhiều han chế. Bởi nó ra đời nhằm phục vụ quyền lợi của giai cấp thống trị, phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, đem lại lợi ích cho giai cấp thống trị là chính . Mặc dù hệ thống trường học được phát triển từ tiểu học lên đến đại học nhưng do chương trình đào tạo kéo dài, nội dung học tập và thi cử khó khăn nhân dân ta không có điều kiện học tập, cả nước chỉ có 1% đi học, đến năm 1945 nước ta vẫn còn trên 90% dân số mù chữ [2, tr.187].

Thực dân Pháp, đã đạt được một phần ý đồ của mình, nhưng nền giáo dục này lại có tác dụng ngược lại trái với ý muốn của thực dân Pháp. Tinh thần yêu nước của dân tộc ta không những không bị giáo dục thực dân làm thui chột mà còn thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng. Nền giáo dục này đã mô phỏng hệ thống giáo dục Pháp mà nội dung là tư tưởng dân chủ tư sản và khoa học kĩ thuật, mà tư tưởng dân chủ tư sản là một bước tiến lớn trong tư tưởng chính trị của nhân loại, khoa học kĩ thuật là một vũ khí sắc bén để hiểu thế giới và sử dụng sức mạnh của tự nhiên có lợi cho hạnh phúc loài người.

Như vậy, có thể nói nền giáo dục mới đã phản ánh thực tế bộ mặt xã hội nước ta thời kỳ đó, là một nền giáo dục thực dân nhiều hạn chế nhưng nó cũng có những tác dụng nhất định đối với sự phát triển của nền giáo dục nước ta sau này và cả xã hội.

Hiện nay nước ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn cả về kinh tế và xã hội, do đó hệ thống giáo dục nước ta đang phải gánh vác những nhiệm vụ hết sức to lớn và phải đương đầu với những khó khăn hết sức nặng nề. Để vượt qua những khó khăn đó, chúng ta cần phải phát huy những thành tựu đã đạt được trong công cuộc xây dựng nền giáo dục. Đồng thời cần có những biện pháp đổi mới về giáo dục, cần xây dựng những quam điểm đúng đắn về

sự nghiệp giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước và xu hướng của thời đại, để đưa nước ta hội nhập cùng thế giới.

Một phần của tài liệu Tình hình giáo dục việt nam thời thuộc địa 1858 1945 (Trang 77 - 83)