Xây dựng và hoàn thiện mô hình quản lý rủi ro tín dụng tập trung

Một phần của tài liệu khoá luận tốt nghiệp Giải pháp phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng tiêu dùng tại ngân hàng thương mại cổ phần việt nam thịnh vượng (Trang 75 - 76)

Hiện nay, quy trình cấp tín dụng tại VPBank còn tồn tại những hạn chế, những khe hở có thể dẫn tới rủi ro cho ngân hàng. Ví dụ như các chuyên viên quan hệ khách hàng tại ngân hàng có trách nhiệm thu thập thông tin khách hàng, thẩm định khách hàng sau đó trình ban lãnh đạo cấp trên quyết định khoản vay. Điều này có thể làm giảm tính khách quan trong công tác thẩm định của ngân hàng.

Vì vậy, VPBank cần xây dựng mô hình quản lý RRTD theo hướng tập trung như sau:

Tại Hội sở chính: tách bạch chức năng ra quyết định tín dụng với chức năng quản lý tín dụng trên cơ sở phân định trách nhiệm và chức năng rõ ràng giữa các bộ phận thẩm định, phê duyệt tín dụng, quản lý tín dụng, quản lý rủi ro tín dụng.

Tại chi nhánh: Tiến hành tách các bộ phận, chức năng bán hàng (tiếp xúc khách hàng, tiếp thị…), chức năng phân tích tín dụng (phân tích, thẩm định, dự báo, đánh giá khách hàng …) và chức năng tác nghiệp (xử lý hồ sơ, theo dõi, giám sát khoản vay, thu nợ, thu lãi…).

Theo cách phân nhiệm này, bộ phận quan hệ khách hàng chịu trách nhiệm tìm kiếm, phát triển và chăm sóc khách hàng. Bộ phận này sẽ tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ vay vốn, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ và các thông tin liên quan đến khách hàng cho bộ phận phân tích tín dụng.

Bộ phận phân tích tín dụng kiểm tra thông tin, thu thập các thông tin bổ sung qua các kênh thông tin lưu trữ ngân hàng, hỏi tin qua CIC… Trên cơ sở thông tin đó, thực hiện phân tích, đánh giá toàn bộ các nội dung từ tình hình

chung về khách hàng, tình hình tài chính, thiện chí trả nợ, tư cách người vay... Bộ phận phân tích tín dụng trực tiếp báo cáo kết quả, phân tích đánh giá khách hàng lên người phê duyệt tín dụng. Kết quả phê duyệt tín dụng sau đó sẽ được chuyển cho bộ phận phân tích tín dụng để lưu trữ thông tin đồng thời được chuyển cho bộ phận quan hệ khách hàng để thực hiện các khâu tiếp theo trong quy trình tín dụng.

Ưu điểm của mô hình quản lý rủi ro này là quản lý rủi ro một cách hệ thống trên quy mô toàn ngân hàng, đảm bảo tính cạnh tranh lâu dài. Đồng thời, thiết lập và duy trì môi trường quản lý rủi ro đồng bộ, phù hợp với quy trình quản lý gắn với hoạt động của các bộ phận kinh doanh nâng cao năng lực đo lường giám sát rủi ro. Chính sách quản lý rủi ro được xây dựng thống nhất cho toàn hệ thống sẽ có thể phát huy hiệu quả cao hơn.

Mô hình quản lý rủi ro tín dụng tập trung phù hợp với những ngân hàng lớn, vì vậy VPBank cần cố gắng xây dựng và hoàn thiện quản lý RRTD theo mô hình này để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong quá trình phấn đấu đạt được mục tiêu trở thành một trong năm ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu khoá luận tốt nghiệp Giải pháp phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng tiêu dùng tại ngân hàng thương mại cổ phần việt nam thịnh vượng (Trang 75 - 76)