Chỉ định phẫu thuật triệt để, tạm bợ, mở rộng hay làm sạch tùy vào các yếu tố : - Giai đoạn ung thư
- Độ xâm lấn của ung thư - Mức độ di căn
- Thể trạng của bệnh nhân
Phẫu thuật triệt để :Nguyên tắc phẫu thuật là cắt đoạn trực tràng có khối u kèm theo hệ thống mạch máu, bạch mạch chi phối. Phẫu thuật được chỉ định cho : - Những bệnh nhân thể trạng còn tốt
- Ung thư ở giai đoạn chưa di căn xa (A,B,C theo Dukes hoặc giai đoạn 0, I, II, III theo TNM)
- Ung thư còn khu trú ở thành ruột chưa xâm lấn các tạng xung quanh hoặc có xâm lấn nhưng còn khả năng cắt bỏ được.
Kỹ thuật cắt toàn bộ mạc treo trực tràng hiện nay được xem là tiêu chuẩn vàng cho tất cả các phẫu thuật triệt để ung thư trực tràng 1/3 giữa trở xuống. Đối với ung thư trực tràng 1/3 trên hoặc chỗ nối chậu hông trực tràng thì có thể cho phép cắt một phần mạc treo trực tràng với diện cắt dưới u 5 cm đối với mạc treo trực tràng được xem là đủ. Kỹ thuật cắt toàn bộ mạc treo trực tràng giúp là giảm tỉ lệ tái phát tại chỗ, tăng tỉ lệ sống còn dài hạn. Hơn nữa, ưu điểm của kỹ thuật này là ít mất máu, ít tổn thương thần kinh tự trị vùng chậu, giúp bảo tồn các chức năng bàng quang và sinh dục.
Phẫu thuật mở rộng: Đây là phẫu thuật cắt bỏ rộng rãi triệt để, kết hợp cắt bỏ các tạng lân cận bị xâm lấn và cắt bỏ một phần hay toàn bộ các tạng di căn. - Thể trạng bệnh nhân cho phép phẫu thuật lớn
- Ung thư xâm lấn vào các tạng lân cận hoặc di căn mà còn có thể cắt bỏ được.
Phẫu thuật làm sạch: Phẫu thuật cắt đoạn trực tràng có khối u với mục đích làm sạch để tránh các biến chứng nhiễm trùng, tắc ruột, vỡ khối u hoặc trong các trường hợp di căn mà không thể lấy được hết.
Phẫu thuật tạm bợ: Đối với ung thư trực tràng, thường là làm hậu môn nhân tạo trên dòng ở đại tràng chậu hông hoặc đại tràng ngang.
Chỉ định trong những trường hợp ung thư giai đoạn trễ (giai đoạn D theo Dukes hay IV theo TNM), không phẫu thuật triệt để được, thể trạng bệnh nhân quá kém không thể chịu đựng được cuộc mổ lớn.