1.2.5.1. Khái niệm Phí môi trường
Phí môi trường là một khoản thu của ngân sách Nhà nước, được thu từ các tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc có hoạt động làm phát sinh các nguồn tác động xấu đối với môi trường nhằm hình thành lên nguồn tài chính để quản lý và bảo vệ môi trường.
Phí bảo vệ môi trường có mục đích khuyến khích các nhà sản xuất kinh doanh đầu tư giảm thiểu ô nhiễm, thay đổi hành vi ô nhiễm theo hướng tích cực, có lợi cho môi trường. Ngoài ra phí bảo vệ môi trường còn có mục đích khác là tạo nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước để đầu tư, khắc phục cải thiện môi trường [5].
1.2.5.2. Các loại Phí bảo vệ môi trường
Phí môi trường được tính dựa vào lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường, mức tiêu thụ nguyên nhiên liệu gây ô nhiễm, tổng doanh thu hoặc tổng sản lượng hàng hoá, lợi nhuận của doanh nghiệp[6].
Hiện nay ở nước ta đang áp dụng một số loại phí như sau:
- Phí vệ sinh môi trường: Là khoản phí trả cho việc thu gom, xử lý rác thải đô thị. Đây là công cụ kinh tế được sử dụng khá sớm. Về cơ bản loại phí này được sử dụng ở khu vực đô thị, mức phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, do vậy, mức phí thu có thể khác nhau phụ thuộc vào từng địa phương.
- Phí Bảo vệ môi trường đối với nước thải: Hiện đang được triển khai thực hiện trong cả nước trên cơ sở các Nghị định 67/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/6/2003 và 04/2003/NĐ-CP ngày 8/1/2007 nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường từ nước thải, sử dụng tiết kiệm nước sạch và tạo nguồn kinh phí thực hiện việc bảo vệ, khắc phục ô nhiễm môi trường[10].
- Phí Bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn: Hiện đang được triển khai thực hiện trên cơ sở Nghị định 174/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/11/2007 nhằm hạn chế phát sinh chất thải rắn và tạo nguồn kinh phí bù đắp một phần chi phí xử lý chất thải rắn[11].
- Phí Bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản: Hiện đang được triển khai thực hiện trong cả nước trên cơ sở Nghị định 63/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/5/2008. Nghị định quy định khoản phí được thu trên mỗi đơn vị khoáng sản được khai thác. Phí áp dụng cho các loại khoáng sản: đá, fenspat, sỏi, cát, đất, than, nước khoáng thiên nhiên, sa khoáng ti tan (ilmenit), các loại khoáng sản kim loại, quặng apatit, dầu thô và khí thiên nhiên [9].
1.2.5.3. Căn cứ thực hiện tính Phí môi trường
- Căn cứ vào lý thuyết xác định chuẩn mức thải và phí xả thải
Theo Pigou để có một chất lượng môi trường tốt chúng ta cần giảm việc sản xuất và tiêu dùng hàng hóa kinh tế. Tức là mức ô nhiễm có thể điều chỉnh thông qua việc điều chỉnh sản lượng. Tuy nhiên trên thực tế có thể không nhất thiết phải thay đổi sản lượng mà chỉ cẩn có các biện pháp kiểm soát ô nhiễm hiệu quả như giảm thải nhờ quy trình sản xuất sạch hơn, lắp đặt
các hệ thống xử lý ô nhiễm… cũng có thể đạt được mức ô nhiễm tối ưu. Từ các mô hình toán học, người ta có thể tính toán được mức chi phí để kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm. Từ đó xác định được chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để xử lý ô nhiễm hoặc mức phí doanh nghiệp phải đóng cho Nhà nước để giảm thiểu ô nhiễm môi trường [8].
- Căn cứ vào nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”
Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiển” bắt nguồn từ các sang kiến do Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đề xuất vào năm 1972 và 1974. Nguyên tắc “tiêu chuẩn” năm 1972 cho rằng các tác nhân gây ô nhiễm phải trả mọi chi phí cho hoạt động kiểm soát và phòng chống ô nhiễm. Nguyên tắc “mở rộng” năm 1974 có chủ trương rằng các tác nhân gây ô nhiễm ngoài việc phải tuân thủ các chi phí khắc phục ô nhiễm, còn phải bồi thường cho những người vị thiệt hại do ô nhiễm gây ra. Tức là người gây ô nhiễm phải chịu mọi khoản chi phí để thực hiện các biện pháp làm giảm ô nhiễm do chính quyền tổ chức thực hiện, nhằm khắc phục và hoàn trả [8].
- Căn cứ vào cơ sở pháp lý đó là các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam: Luật Bảo vệ môi trường, hệ thống tiêu chuẩn môi trường Việt Nam…