Trong lịch sử phát triển kinh tế của toàn cầu đã cho thấy rằng, giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường có mối quan hệ khăng khít gắn bó không thể tách rời. Hay nói cách khác hệ thống môi trường và hệ thống kinh tế là hai bộ phận của một thực thể không thể tách rời. Nền kinh tế không thể hoạt động nếu tách khỏi hệ thống môi trường, hệ thống môi trường đóng vai trò là đầu vào quan trọng cho quá trình hoạt động sản xuất và nó là nơi tiếp nhận mọi đầu ra của hệ kinh tế [2].
Trước đây trong quản lý môi trường các nước trên thế giới chỉ sử dụng những quy định pháp lý để điều chỉnh hành vi liên quan tới môi trường hầu như đã không đạt được hiệu quả như mong muốn. Mặt khác các tổ chức môi trường thường xuyên thiếu nguồn ngân sách để hoạt động, cũng như các vấn đề môi trường đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn đôi khi năng lực tài chính của
một quốc gia cũng không thể đáp ứng được. Mặt khác khi áp dụng các tiêu chuẩn pháp lý đơn thuần đôi khi quá cứng nhắc, thiếu tính linh hoạt trong quản lý môi trường. Để giải quyết vấn đề này các công cụ kinh tế đã ra đời và được sử dụng trong quản lý môi trường, và có những vai trò sau:
Thứ nhất, tăng hiệu quả chi phí: từ thực tiễn của việc áp dụng các công cụ kinh tế cho quản lý môi trường, người ta đã rút ra kết luận rằng nếu cùng một mục tiêu môi trường cần đạt được như nhau khi sử dụng công cụ kinh tế (EIs) so với công cụ điều hành và kiểm soát (CAC) thì công cụ kinh tế có chi phí thấp hơn. Sử dụng công cụ kinh tế là liên quan đến giá cả, vì vậy việc sử dụng giá cả và cung cấp tính linh hoạt trong việc ứng phó với những tín hiệu giá cả, cho phép các cá nhân và doanh nghiệp tìm kiếm đến chi phí có tính hiệu quả hơn trong khả năng lựa chọn của họ.
Thứ hai, Tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường: do chi phí thấp khi sử dụng chúng, mặt khác chúng tác động đến quyền lợi kinh tế của các cá nhân hay doanh nghiệp, do vậy người ta phải tính đến việc sử dụng nguồn tài nguyên như thế nào là tiết kiệm và hiệu quả nhất mà không ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận.
Thứ ba, khuyến khích nhiều hơn cho việc đổi mới: công cụ kinh tế không ra lệnh cho chiến lược kiểm soát mà những người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nó có tác động đến hoạt động kinh tế một cách tích cực để phát triển và lựa chọn chi phí kiểm soát hiệu quả mà không theo quy ước nào.
Thứ tư, hành động nhanh chóng và mềm dẻo hơn: công cụ kinh tế cho phép thực hiện một cách nhanh chóng, linh hoạt và mềm dẻo so với việc sử dụng công cụ kinh tế, bởi lẽ nó có thể được điều chỉnh kịp thời thông qua cơ chế giá cả thị trường, sử dụng tín hiệu thị trường thường cho phép nhận được những thông tin phản hồi nhanh hơn và nắm bắt được tính hiệu quả của việc thực hiện quản lý sử dụng quản lý điều hành.