Thuế môi trường

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG ÁP DỤNG CÔNG CỤ THUẾ VÀ PHÍ TRONG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐỒNG HỶ GIAI ĐOẠN 2010-2015 (Trang 29 - 32)

1.2.4.1. Khái niệm Thuế môi trường

Thuế môi trường là khoản thu của ngân sách nhà nước, nhằm điều tiết các hoạt động có ảnh hưởng tới môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đánh thuế môi trường là hình thức hạn chế một sản phẩm hay hoạt động không có lợi cho môi trường.

Mục tiêu của thuế môi trường là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước lấy từ người gây ô nhiễm và gây thiệt hại cho môi trường để bù đắp cho các chi phí xã hội như gây quỹ tài trợ cho các hoạt động để xử lý hoặc đền bù ô nhiễm. Thúc đẩy thay đổi mặt hàng, cách sản xuất, khuyến khích các hoạt động tích cực về môi trường.

1.2.4.2. Phân loại Thuế môi trường

Thuế môi trường có thể chia thành 2 loại:

- Thuế trực thu nhằm đánh vào lượng chất thải độc hại với môi trường do cơ sở sản xuất gây ra. Loại thuế này đánh vào các chất thải gây ô nhiễm môi trường nước, khí quyển, đất, hoặc tiếng ồn ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Thuế đánh vào nguồn gây ô nhiễm được xác định trên cơ sở khối lượng và hàm lượng các chất gây ô nhiễm.

- Thuế gián thu nhằm đánh vào giá trị hàng hóa gây ô nhiễm môi trường. Thuế Bảo vệ môi trường ở Việt Nam là thuế gián thu mà người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế Bảo vệ môi trường, còn người chịu thuế là người tiêu dùng. Thuế Bảo vệ môi trườngchỉ phải nộp 1 lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu.

Theo Luật Thuế Bảo vệ Môi trường, đối tượng chịu thuế gồm 8 nhóm: Xăng, dầu, mỡ, nhờn; Than đá; Dung dịch HCFC; Túi ni lông; Thuốc diệt cỏ (loại hạn chế sử dụng); thuốc trừ mối (hạn chế sử dụng); Thuốc bảo quản lâm sản (hạn chế sử dụng); Thuốc khử trùng kho (hạn chế sử dụng)[7].

Ngày 08 tháng 08 năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường. (Các loại thuốc hạn chế sử dụng được quy định trong thông tư 21/2013 TT BNNPTNT ngày 17 tháng 4 năm 2013 của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

1.2.4.3. Các phương pháp tính thuế môi trường

Theo Điều 7, Chương 2, Luật Thuế bảo vệ môi trường: “Số thuế bảo vệ môi trường phải nộp bằng số lượng đơn vị hàng hóa chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa”.

Trên thực tế, phương pháp tính thuế bảo vệ môi trường, tùy vào mỗi đối tượng tính thuế khác nhau có thể sử dụng các phương pháp tính thuế môi trường khác nhau. , có 5 phương pháp tính thuế môi trường phổ biến nhất, đó là: Tính thuế theo nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền; tính thuế theo khối lượng tiêu thụ các nguyên, nhiên liệu đầu vào; tính thuế dựa vào lợi nhuận của doanh nghiệp, tính thuế dựa vào khối lượng sản phẩm được sản xuất ra và tính thuế theo mức độ gây ô nhiễm môi trường[3]:

- Tính thuế theo nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền: Theo nguyên tắc này, người gây ô nhiễm cho môi trường, cho dù là người sản xuất hay là người tiêu dùng, họ đều phải chịu trách nhiệm về các chi phí phải sử dụng để hoàn trả lại những tổn thất về môi trường mà chính họ là nguyên nhân gây ra; nói cụ thể hơn là người gây ô nhiễm môi trường phải nộp một số tiền thuế tương ứng với mức ô nhiễm môi trường mà họ gây ra.

- Tính thuế theo khối lượng tiêu thụ các nguyên, nhiên liệu đầu vào: Các loại nguyên, nhiên vật liệu được sử dụng cho quá trình sản xuất, nếu chúng là các nguyên nhân phát sinh ô nhiễm môi trường thì phải chịu một mức thuế tương đương với mức ô nhiễm môi trường mà chúng gây ra. Phương pháp tính thuế này có rất nhiều ưu điểm; để hạn chế tối đa, thậm chí tránh được mức thuế ô nhiễm môi trường phải nộp, các doanh nghiệp phải

tích cực tìm kiếm và sử dụng các loại nguyên nhiên vật liệu thích hợp với các yêu cầu bảo vệ môi trường; thông qua đó khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sử dụng các nguyên nhiên vật liệu sạch, vừa đảm bảo cho quá trình sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho môi trường.

- Tính thuế dựa vào lợi nhuận của doanh nghiệp: Lợi nhuận trước thuế của một doanh nghiệp được tính bằng hiệu số giữa tổng doanh thu và tổng chi phí của doanh nghiệp trong kì kế hoạch. Do đó, việc tính thuế này có vẻ đơn giản và dễ thực hiện, nó phản ánh được một cách trực tiếp các chi phí về môi trường mà doanh nghiệp phải nộp. Cơ sở để xác định tỷ lệ thuế mà doanh nghiệp phải nộp phụ thuộc vào mức độ gây ô nhiễm môi trường mà doanh nghiệp gây ra.

- Tính thuế dựa vào khối lượng sản phẩm được sản xuất ra: Cách tính thuế này phải tùy theo từng loại hình sản xuất kinh doanh để tính: dựa vào khối lượng sản phẩm được sản xuất ra hoặc dựa vào doanh thu của doanh nghiệp trong kỳ kế hoạch. Tuy nhiên, phương pháp này có một số nhược điểm là: khó có thể xác định được tỷ lệ thu thuế hợp lý và đảm bảo tính công bằng giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh; nó có thể gây bất lợi cho các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ mới, hoặc bất lợi cho các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các biện pháp xử lý môi trường.

- Tính thuế theo mức độ gây ô nhiễm môi trường: Việc xác định mức thuế ô nhiễm phải dựa vào quy mô, tính chất hoạt động và mức độ gây ô nhiễm môi trường của từng doanh nghiệp cụ thể. Khối lượng chất thải của một doanh nghiệp càng lớn, hàm lượng chất độc hại càng cao, tính chất các chất độc hại càng nguy hiểm, thì mức thuế ô nhiễm môi trường doanh nghiệp phải nộp càng nhiều. Như vậy, để giảm thuế doanh nghiệp bắt buộc phải tìm cách đổi mới công nghệ để hạn chế chất thải ra môi trường [1].

Nhận xét

Ưu điểm:

- Khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng ô nhiễm thải ra môi trường - Khuyến khích người sản xuất thay đổi công nghệ, sản phẩm, quy trình sản xuất để giảm mức thuế phải đóng.

- Thuế dựa trên nguyên tắc càng gây ô nhiễm nhiều thì càng phải trả nhiều tiền, do đó kích thích nhà sản xuất giảm ô nhiễm đến mức tối đa để giảm số thuế phải nộp.

Nhược điểm:

- Làm tăng chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp

- Ảnh hưởng tới phân phối thu nhập: nhóm đối tượng có thu nhập thaaos sẽ bị ảnh hưởng lớn so với nhóm đối tượng có thu nhập cao.

- Đầu tư hệ thống thiết bị và hệ thống quản lý giám sát, kiểm soát việc đánh thuế vào các hành vi gây ô nhiễm môi trường đòi hỏi chi phí lớn.

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG ÁP DỤNG CÔNG CỤ THUẾ VÀ PHÍ TRONG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐỒNG HỶ GIAI ĐOẠN 2010-2015 (Trang 29 - 32)