Tác động đến môi trường từ hoạt động sản xuất, chế biến hải sản trên

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng môi trường tại một số làng nghề chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh nghệ an (Trang 62 - 66)

địa bàn tỉnh Nghệ An

Sản xuất tại các làng nghề chế biến thực phẩm nói chung và làng nghề chế biến hải sản nói riêng góp phần không nhỏ đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta, nhưng các làng nghề chế biến hải sản cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; thiết bị thủ công, đơn giản; công nghệ lạc hậu, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp cộng thêm ý thức người dân làng nghề trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ sức khoẻ con người còn hạn chế,... Những yếu kém và hạn chế nói trên đã tạo sức ép không nhỏ đến chất lượng môi trường sống của chính làng nghề và cộng đồng xung quanh.

3.2.5.1. Tác động do suy giảm chất lượng môi trường các làng nghề đến an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe con người

Biểu hiện rõ nhất của vấn đề này là môi trường của không ít làng nghề đang bị suy thoái trầm trọng. Các chất thải phát sinh tại nhiều làng nghề đã và đang suy giảm chất lượng môi trường, tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân và ngày càng trở thành vấn đề bức xúc. Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chế biến hải sản có nguồn gốc chủ yếu là mùi hôi tanh từ quá trình thu mua nguyên liệu, chế biến hải sản và sản xuất nước mắm, mắm tôm; ô nhiễm nguồn nước do lượng nước thải của các làng nghề hầu hết chưa qua xử lý mà được xả thẳng ra hệ thống sông ngòi, kênh rạch. Ngoài ra, chất thải rắn ở hầu hết các làng nghề chưa được thu gom và xử lý triệt để gây tác động xấu tới cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất.

Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh cho người dân đang lao động và sinh sống tại chính làng nghề. Tỷ lệ người mắc bệnh tại các làng nghề đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, tập trung vào một số bệnh như: các bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, bệnh phụ khoa và các bệnh về mắt.

Chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất ở các làng nghề tác động đến môi trường đất, nước ngầm, nước mặt, không khí; Con người tiếp xúc qua đường ăn

uống, tiếp xúc qua da làm ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe con người.

Yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe phổ biến tại các làng nghề này là vi sinh vật gây bệnh, hóa chất, nước thải và chất thải rắn. Hầu hết các cơ sở chế biến, sản xuất ở đây đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, xả chất thải trực tiếp ra cống rãnh xung quanh hoặc để nước thải tự ngấm xuống đất (cụ thể 09/10 làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải, 01 làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng không đáp ứng được). Khi trời nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, mưa thì nước bẩn theo các con mương dẫn vào khu dân cư. Đặc biệt, lượng lớn nước thải của các làng nghề chế biến thực phẩm chứa hàm lượng lớn chất hữu cơ và mật độ vi khuẩn Coliform cao, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, môi trường đất. Vì vậy, các bệnh phổ biến của các làng nghề chế biến thực phẩm là bệnh ngoài da, hô hấp và đường ruột.

Ngoài ra lượng nước bẩn này sau thời gian dài đã ngấm vào lòng đất, đe doạ nguồn nước sinh hoạt của người dân. Hiện nay, nhiều giếng nước trong vùng đã không còn sử dụng được vì bị nhiễm mặn, nổi váng vàng, thậm chí có giếng bốc mùi hôi. Người dân ở nhiều làng nghề phải dùng nước giếng khoan, giếng đào phục vụ cho ăn uống và sinh hoạt. Theo kết quả phân tích chất lượng môi trường nước dưới đất cho thấy có 02 làng nghề chế biến thủy sản Ngọc Văn và Khối Hải Giang I đều cao hơn so với quy chuẩn cho phép, riêng mẫu nước thải của làng nghề chế biến hải sản Khối Hải Giang I cao gấp 8 so với quy định của QCVN 11:2008/BTNMT. Ngoài ra, nguồn nước tại một số làng nghề chế biến hải sản trên địa bàn huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu còn có hiện tượng nhiễm mặn, nước có nổi váng. Nhưng tại các làng nghề này, hệ thống cung cấp nước sạch cho là chưa có, người dân phải mua nước từ nơi khác với giá cao hoặc sử dụng chính nguồn nước bị ô nhiễm phục vụ cho sinh hoạt. Khi sử dụng nguồn nước này phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt gây ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe của người dân.

Hoạt động sản xuất của làng nghề với quy mô nhỏ, chủ yếu diễn ra ngay tại hộ gia đình, nguyên liệu sản xuất thường thu hút rất nhiều ruồi nhặng. Ngoài ra việc

thu gom rác thải sản xuất ở làng nghề chưa triệt để, bãi tập trung rác thải tại các làng nghề không đúng tiêu chuẩn vệ sinh, là môi trường thuận lợi tạo các ổ dịch bệnh, gây ruồi muỗi phát triển Đây là nguồn trung gian gây các bệnh về đường ruột thường gặp như dịch tiêu chảy, tả, lỵ, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Mặt khác, sản xuất làng nghề không tách rời khu dân cư nên môi trường bị ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người trực tiếp tham gia sản xuất mà cả những người dân sống trong làng. Mức độ ảnh hưởng của từng người phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ, loại ô nhiễm và thời gian tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.

Theo thống kê kết quả điều tra thực tế, tham vấn ý kiến của người dân cho thấy, vài năm gần đây tỷ lệ người các bệnh liên quan đến đường hô hấp và đường ruột đang trong độ tuổi lao động tại các làng nghề đang có xu hướng gia tăng, trên 60% người dân được tham vấn ý kiến đều khẳng định là đang gặp một số vấn đề về hô hấp, viêm da và bệnh đường ruột.

Vì vậy, sự ô nhiễm môi trường đã và đang có những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống hàng ngày và tới sức khỏe của cộng đồng làng nghề. Vì vậy, những giải pháp kết hợp đồng bộ, kịp thời để cải thiện, bảo vệ môi trường làng nghề trong quá trình phát triển là rất cần thiết. Điều này cần được nhận thức sâu sắc ngay từ nơi sản xuất, người sản xuất và toàn thể cộng đồng thì mới duy trì lâu bền giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

3.2.5.2. Ô nhiễm môi trường làng nghề gây tác hại đến các hoạt động kinh tế

Ô nhiễm môi trường do sản xuất làng nghề bao giờ cũng gây ra các thiệt hại kinh tế dù lớn hay nhỏ. Xét riêng về ô nhiễm môi trường do sản xuất ở các làng nghề hiện nay, các thiệt hại kinh tế chủ yếu là:

- Ô nhiễm môi trường làng nghề gây tác hại xấu tới sức khỏe người lao động và cộng đồng dân cư làng xã làm giảm năng suất lao động, mất ngày công lao động do nghỉ ốm.

- Ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến mỹ quan, giảm đi sức hút đối với du lịch, giảm lượng khách du lịch và dẫn đến các thiệt hại về kinh tế. Hầu hết các

làng nghề chế biến hải sản tập trung dọc bờ biển như Cửa Lò, Quỳnh Phương, Diễn Châu gần các điểm du lịch thu hút khách du lịch, tuy nhiên với tình trạng ô nhiễm đã không tạo được sức hút mà còn làm suy giảm đi lượng khách tham quan du lịch.

- Ô nhiễm môi trường cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất (nguồn nước sử dụng bị ô nhiễm, phát tán của các vi khuẩn gây bệnh vào không khí) làm ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị sản phẩm.

3.2.5.3. Ô nhiễm môi trường làng nghề làm nảy sinh xung đột môi trường

Do ô nhiễm môi trường, mối quan hệ giữa các làng nghề và làng không làm nghề, giữa các hộ làm nghề và hộ không làm nghề, trong các làng nghề đã làm nảy sinh nhiều xung đột. Việc xả chất thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý đã gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, chất lượng không khí bị suy giảm,… gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống người dân. Vấn đề lợi ích kinh tế đặt lên trên vấn đề bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng đã dẫn đến những mâu thuẫn trong cộng đồng.

Sự khác nhau giữa ý thức môi trường những người làm nghề và những người bị ảnh hưởng; Sự ảnh hưởng của hoạt động làng nghề tới lợi ích kinh tế của người dân không hoạt động làng nghề; Sự ảnh hưởng của hoạt động làng nghề tới sức khỏe người dân không làm nghề; Sự thiếu phối hợp giữa các nhóm hộ sản xuất và không sản xuất của làng nghề, sự non yếu của cơ quan chức năng là những nguyên nhân chính làm nảy sinh xung đột môi trường.

Các xung đột môi trường nảy sinh từ làng nghề như xung đột giữa các hộ gia đình trong làng nghề thường do các cơ sở sản xuất làm phát sinh các chất thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ xung quanh, gây ra xung đột, dẫn đến những khiếu kiện, mâu thuẫn.

Điển hình xung đột về môi trường là các phản ánh của cử tri tại Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI năm 2012 về tình trạng Cảng cá Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu trong đó có làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn chế biến hải sản gây ô nhiễm môi trường.

3.2.5.4. Tác động do suy giảm chất lượng môi trường các làng nghề đến hệ sinh thái

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng môi trường tại một số làng nghề chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh nghệ an (Trang 62 - 66)