Hàm lượng N, P, K dễ tiêu trong đất nghiên cứu được thể hiện ở bảng 3.5
Bảng 3.5. Hàm lượng N, P, K dễ tiêu trong đất tại hai khu vực nghiên cứu
Mẫu Độ sâu (cm) Ndt (mg/100g) P2O5dt (mg/100g) K2Odt (mg/100g) ĐQV1 0 – 20 5,6 7,7 15,3 ĐQV2 0 – 20 7,8 5,5 13,1 ĐQV3 0 – 20 9,6 9,5 15,5 ĐQV4 0 – 20 7,0 3,8 11,8 ĐQV5 0 – 20 8,9 4,5 9,2 ĐTD1 0 – 20 3,4 14,6 10,2 ĐTD2 0 – 20 3,3 11,5 9,5 ĐTD3 0 – 20 6,5 9,8 5,6 ĐTD4 0 – 20 4,8 4,5 4,4 ĐTD5 0 – 20 7,3 4,7 5,5 ĐTD6 0 – 20 8,2 4,3 5,9 ĐTD7 0 – 20 4,7 5,3 5,2 ĐTD8 0 – 20 8,5 5,8 4,5 ĐTD9 0 – 20 6,9 9,8 8,7 ĐTD10 0 – 20 7,8 3,8 5,5
3.2.3.1. Hàm lượng Nitơ dễ tiêu (Ndt)
Nitơ dễ tiêu trong đất tồn tại dưới dạng vô cơ, chủ yếu là NH4+, NO3- và các hợp chất hữu cơ phân tử bé khác mà cây trồng có thể trực tiếp sử dụng dễ dàng. Do hàm lượng amoni (NH4+) và nitrat (NO3-) thấp và luôn biến động, lại thường xuyên được bổ sung do quá trình khoáng hóa chất hữu cơ nên trên thực thế kết quả phân tích NH4+và NO3- không phản ánh đầy đủ khả năng cung cấp Nitơ dễ tiêu của đất, vì vậy Nitơ dễ tiêu trong đất thường được đánh giá thông qua Nitơ thủy phân (NTP).
Số liệu ở bảng 3.5 ,hình 3.2 cho thấy: Hàm lượng Nitơ dễ tiêu dao động từ 3,3- 9,6(mg/100g đất) và thấy rằng hàm lượng Nitơ dễ tiêu có sự biến động khác nhau giữa các mẫu đất tại 2 khu vực nghiên cứu và đều thuộc loại từ nghèo tới giàu. Trong 15 mẫu có 11/15 mẫu có hàm lượng Nitơ dễ tiêu ở mức giàu chiếm 73,3% tổng số mẫu đát nghiên cứu và chỉ có 2/15 mẫu ở mức nghèo Nito dễ tiêu chiếm 13,3% tổng số mẫu đất nghiên cứu.
Hình 3.2. Hàm lượng Nitơ dễ tiêu ở trong các mẫu đất ở 2 khu vực nghiên cứu
Ta thấy rằng trong 10 mẫu đất thì hàm lượng Nitơ dễ tiêu lớn nhất ở mẫu đất ĐQV3 (9,6 mg/100g đất) gấp gần 3 lần so với mẫu đất ĐTD2 có hàm lượng Nito dễ tiêu thấp nhất (3,3mg/100g đất).
3.2.3.2. Hàm lượng Photpho dễ tiêu (P2O5dt)
Photpho thường tồn tại trong đất dưới dạng hợp chất hữu cơ và vô cơ, photpho vô cơ chiếm chủ yếu gần một nửa photpho tổng số. Photpho dễ tiêu trong đất gồm: các nhóm hòa tan trong nước, trong axit hoặc bazơ yếu, dạng này cây trồng có thể hút và sử dụng trực tiếp được. Hàm lượng Photpho dễ tiêu trong đất dao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ canh tác, cơ cấu cây trồng, điều kiện địa chất.
Photpho dễ tiêu là đại lượng thể hiện mức độ cung cấp lân tức thời cho cây trồng trong đất. Tuy nhiên, photpho trong đất chủ yếu tồn tại dưới dạng cố định, lượng photpho hòa tan trong dung dịch là rất ít và phụ thuộc lớn vào pH của môi trường. Photpho hòa tan nhiều nhất khi môi trường có pH từ 5,5 - 7,0.
Hình 3.3. Hàm lượng P2O5dt ở trong các mẫu đất ở 2 khu vực nghiên cứu
Kết quả phân tích các mẫu đất nghiên cứu ở bảng 3.5 cho thấy, hàm lượng P2O5dt ở tầng đất mặt dao động từ 3,8 – 14,6 (mg/100g đất). Theo thang đánh giá thì đất ở các mô hình thuộc ngưỡng từ nghèo đến trung bình. Trong đó có 2/15 mẫu có giá trị hàm lượng P2O5dt thuộc loại trung bình, còn lại có 13/15 mẫu đất có hàm lượng P2O5dt ở mức nghèo.
Hàm lượng Photpho dễ tiêu ở trong đất nghiên cứu ở ngưỡng nghèo có thể do: trong đất chuyên canh rau thì hàm lượng P2O5dt để cây trồng lấy đi là rất lớn, rau lại được trồng và thu hoạch quanh năm nên trong quá trình canh tác người dân chưa kịp bổ sung kịp thời vào đất làm cho lượng P2O5dt trong đất giảm.
3.2.3.3. Hàm lượng K2O dễ tiêu trong đất nghiên cứu
Kali là một trong 3 nguyên tố đa lượng, có chức năng sinh lý đặc biệt: giúp cho quá trình quang hợp của cây diễn ra bình thường, tăng cường sự tạo thành các bó mạch, độ dài thân cây giúp cây cứng cáp, kích thích sự hoạt hóa các ezim.Kali được giải phóng do quá trình phong hóa đá và khoáng hóa, quá trình trao đổi và hòa tan. Nhờ các quá trình này cây trồng được cung cấp Kali dưới dạng hòa tan hoặc dạng hấp phụ trao đổi. Trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, đa số các loại đất của nước ta bị phong hóa khá mạnh, Kali khá linh động nên rất dễ bị rửa trôi đặc biệt là ở đất dốc. Do đó vấn đề duy trì khả năng cung cấp K cho đất là rất quan trọng trong việc bảo vệ đất.
Hình 3.4. Hàm lượng K2O dễ tiêu ở trong các mẫu đất ở 2 khu vực nghiên cứu
Số liệu phân tích hàm lượng K2Odễ tiêu ở bảng 3.5 và hình 3.4 cho thấy: đất tại khu vực nghiên cứu có hàm lượng K2Odt dao động từ 4,4 – 15,5 (mg/100g đất). Trong đó, hàm lượng K2Odt cao nhất ở mẫu đất ĐQV1 (15,5 mg/100g đất). Như vậy đất tại khu vực nghiên cứu có hàm lượng K2Odt thuộc loại nghèo đến khá.
Theo kết quả phân tích đất ở các khu vực nghiên cứu cho thấy, đất tại khu vực nghiên cứu vẫn đảm bảo đủ lượng Kali cho nhu cầu của cây trồng, tuy nhiên người dân nên chú ý đầu tư bón thêm phân Kali cho đất để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn.