6. Giả thuyết khoa học
1.3.2. Vai trò của kiểm tra, đánh giá
Vai trò cơ bản của việc kiểm tra đánh giá kiến thức và kĩ năng của HS là làm sáng tỏ tình trạng các kiến thức, kĩ năng và kĩ xảo của HS, nghĩa làđánh giá xác định trình độ đạt tới những chỉ tiêu của mục đích dạy học dự kiến.
Việc kiểm tra kiến thức phải chỉ ra cho HS thấy họ đã tiếp thu những điều vừa học như thế nào, đã hiểu rõ những gì, còn những lỗ hổng kiến thức nào và phải đánh giá như thế nào kết quả học tập của họ. Dựa trên cơ sở đánh giá ấy, HS có thể hiểu được những đòi hỏi đặt ra đối với mỗi em về học tập và các em phải làm gì để thực hiện được những điều đó nhằm bổ sung, nâng cao kiến thức và kĩ năng, kĩ xảo.
Công tác kiểm tra đánh giá phải kích thích được việc học tập và khả năng nâng cao chất lượng kiến thức của HS. Nếu kiểm tra một cách có hệ thống, giáo viên có thể nắm được một cách khá chắc chắn mức độ kiến thức và chức năng của học sinh; từ đó có thể biểu dương, khuyến khích, giúp đỡ hay trừng phạt từng người, góp phần ngăn chặn tình trạng học kém của HS và nâng cao chất lượng học tập chung của các em.
Vai trò thứ hai, không kém phần quan trọng, là phát hiện lệch lạc. Việc kiểm tra đánh giá kiến thức HS ở trường phổ thông, trong đa số trường hợp, là một bộ phận hữu cơ của bài học. Vì vậy, việc kiểm tra đánh giá còn nhằm mục đích phát hiện, củng cố, đào sâu và làm chính xác thêm kiến thức, đồng thời có liên hệ chặt chẽ và phục vụ trực tiếp cho việc học bài mới. Trước hết điều đó liên quan tới nhiều HS được kiểm tra, bởi khi chuẩn bị và trả lời, HS phải sắp xếp hệ thống kiến thức của mình và làm cho chúng chính xác thêm. Sự nhắc lại kiến thức cũ, sửa những kiến thức thiếu chính xác của HS có tác dụng hoàn thiện kiến thức không phải chỉ cho HS đang trả lời những câu hỏi của GV mà còn cho tất cả HS khác khi nghe những câu trả lời ấy của bạn mình. Do đó, việc phát hiện ra thiếu sót, lệch lạc trong kiến thức, kĩ năng của học sinh, tìm ra nguyên nhân của những thiếu sót ấy là việc rất quan trọng.
Tiếp đến, thông qua việc phát hiện lệch lạc từ việc kiểm tra đánh giá, GV sẽ uốn nắn lệch lạc và điều chỉnh kế hoạch dạy học. Dựa vào kết quả kiểm tra kiến thức của HS trong lớp, GV có thể đánh giá hiệu quả phương pháp dạy học nào đó và chất lượng công tác nói chung của bản thân, nhờ đó GV đề ra được những bổ khuyết cần thiết. Đồng thời việc kiểm tra đánh giá cũng sẽ cung cấp cho nhà trường những tài liệu để đánh giá tình hình dạy học ở trong nhà trường và kết quả học tập từng thời gian của mỗi HS.
Kết quả kiểm tra đánh giá còn giúp các bậc phụ huynh biết được tình hình học tập của con em mình và có được sự phối hợp cần thiết với nhà trường để giúp con em
mình học tập tốt hơn.Việc kiểm tra đánh giá có hệ thống và thường xuyên có ý nghĩa giáo dục rất lớn: rèn luyện cho HS tinh thần trách nhiệm trong học tập, thói quen làm việc đều đặn và hoàn thành đúng hạn định những công việc được giao. Việc HS phát biểu những câu trả lời trước lớp coi như báo cáo không chỉ với GV mà cả với tập thể cùng học đã nâng cao ý nghĩa của việc kiểm tra miệng (nói). Những câu hỏi kiểm tra và những nhận xét góp ý kiến của GV về câu trả lời có tác dụng dạy cho HS cách học tập bộ môn và cách chuẩn bị cho mỗi giờ lên lớp. Xét ở tầm vĩ mô, kết quả của kiểm tra đánh giá là cơ sở để điều chỉnh hoạt động dạy, hoạt động học và quản lý giáo dục. Nếu kiểm tra đánh giá sai dẫn đến nhận định sai về chất lượng đào tạo gây tác hại to lớn trong việc sử dụng nguồn nhân lực. Vậy đổi mới kiểm tra đánh giá trở thành nhu cầu bức thiết của ngành giáo dục và toàn xã hội ngày nay. Kiểm tra đánh giá đúng thực tế, chính xác và khách quan sẽ giúp người học tự tin, hăng say, nâng cao năng lực sáng tạo trong học tập.