6. Giả thuyết khoa học
1.3.1. Khái niệm chung về đánh giá
Việc dạy-học luôn luôn phải gắn liền với quá trình kiểm tra đánh giá, hai quá trình này song song với nhau.
Theo giáo sư Phan Trọng Ngọ “Đánh giá trong dạy học bao gồm việc thu thập thông tin về một lĩnh vực nào đó trong dạy học; nhận xét và phán xét đối tượng đó, trên cơ sở đối chiếu các thông tin thu nhận được với mục tiêu được xác định ban đầu”[2].
Theo Từ điển Tiếng Việt (1997), đánh giá được hiểu là: Nhận định giá trị. Các kết quả kiểm tra thành tích học tập, rèn luyện của HS được thể hiện trong việc đánh giá những thành tích học tập, rèn luyện đó.
Để hiểu rõ khái niệm đánh giá, chúng ta cùng tìm hiểu các khái niệm có liên quan.
+ Đo lường: Theo Từ điển Tiếng Việt, đo lường được hiểu là xác định độ lớn của một đại lượng bằng cách so sánh với một đại lượng cùng loại được chọn làm đơn vị. Khái niệm đo lường ở trên phù hợp với khoa học vật lý. Còn khái niệm “đo
lường” trong khoa học xã hội, có thể hiểu được là: sự so sánh một vật hay một hiện tượng với một thước đo hoặc chuẩn mực và khả năng trình bày kết quả về mặt định lượng.
+ Nhận xét: là đưa ra ý kiến có xem xét, xét đoán về một đối tượng nào đó. + Đánh giá: là quá trình hình thành những nhận định, phán đoán về kết quả của công việc, dựa vào sự phân tích những thông tin thu được, đối chiếu với những mục tiêu, tiêu chuẩn đã đề ra, nhằm đề xuất những quyết định thích hợp để cải tạo thực trạng, điều chỉnh nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.
Từ đó, chúng ta thấy: Đánh giá là một khái niệm bao hàm một quá trình. Đo lường, nhận xét chỉ là các khâu của quá trình ấy.
Vậy đánh giá là việc đưa ra những kết luận nhận định, phán xét về trình độ HS. Muốn đánh giá kết quả học tập của HS thì việc đầu tiên là phải kiểm tra, soát xét toàn bộ công việc học tập của HS sau đó tiến hành đo lường để thu thập những thông tin cần thiết, cuối cùng là đưa ra quyết định.
Trong đại từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý định nghĩa: “Kiểm tra là xem xét thực chất, thực tế”. Theo Trần Bá Hoành, kiểm tra là cung cấp những dữ kiện, những thông tin làm cơ sở cho việc đánh giá. Theo Từ điển Tiếng Việt (1997), kiểm tra được hiểu là: “Xem xét tình hình thực tế để nhận xét, đánh giá”. Như vậy, việc kiểm tra sẽ cung cấp những dữ kiện, những thông tin cần thiết làm cơ sở cho việc đánh giá HS. Trong giáo dục, kiểm tra có những hình thức như kiểm tra thường xuyên (kiểm tra hằng ngày), kiểm tra định kì (kiểm tra hết phần, hết chương...), kiểm tra tổng kết (kiểm tra cuối học kì).
Do vậy, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của HS là hai khâu có quan hệ mật thiết với nhau. Kiểm tra nhằm cung cấp thông tin để đánh giá và đánh giá là thông qua kết quả của kiểm tra. Hai khâu này hợp thành một quá trình thống nhất là kiểm tra-đánh giá.