6. Bố cục của đề tài
3.2.2. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN
Trong phát triển kết cấu hạ tầng, yếu tố cần chú trọng và đặt lên hàng đầu là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, như: đường xá, cầu cống, phà,…Thực tế cho thấy sự phát triển mọi mặt của kinh tế xã hội một vùng phụ thuộc chặt chẽ vào sự phát triển của hệ thống giao thông vận tải địa phương và toàn vùng. Hơn nữa, giao thông phát triển góp phần thúc đẩy lưu thông, trao đổi hàng hóa được sản xuất trong KCN. Chính vì vậy, đầu tư kết cấu hạ tầng KCN phải gắn liền với đầu tư hạ tầng đô thị, phải quy hoạch thành một hệ thống tổng thể đồng bộ. Điều này đã được chứng minh, dù có chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư đến mức nào đi nữa mà kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN chưa hoàn chỉnh, chưa sẵn sàng thì chỉ làm xấu thêm môi trường đầu tư, cản trở sự phát triển của KCN.
Thực tế cho thấy ngày nay, các nhà đầu tư nước ngoài ít quan tâm đến giá thuê đất mà chủ yếu quan tâm đến cơ sở hạ tầng phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh. Do vậy, kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào KCN đồng bộ, hoàn chỉnh, giá cả hợp lý, càng đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài để thực hiện dự án thì có sức hấp dẫn càng cao đối với nhà đầu tư. Từ đây, đối với hạ tầng trong KCN, nhất là giao thông nội bộ và diện tích mặt bằng đã được thuê phải được chuẩn bị trước, để sau khi cấp phép đầu tư, nhà đầu tư có thể triển khai thực hiện ngay dự án. Khó có nhà đầu tư nào chấp nhận trường hợp đã thuê đất rồi mà không có đường vào tiếp cận được đất đã thuê hoặc đất được thuê vẫn còn sở hữu của người dân vì chưa được bồi thường giải tỏa, đấy là còn chưa kể đến điện, nước, bưu điện, nhà mày xử lý nước thải,…cũng chưa sẵn sàng. Đây cũng là nhược điểm lớn nhất của Cần Thơ về đầu tư xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN trong thời gian qua. Đối với kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào KCN, chúng ta đặc biệt phải chú ý tới giao thông đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không,…Đây là điều kiện cơ bản để cho các nhà máy sau khi xây dựng được hoạt động thông suốt, lâu dài và được sinh lợi. Việc vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ khắp nơi, quan hệ xuất nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, hàng hóa với nước ngoài, việc đi lại giao dịch của chuyên gia, nhà đầu tư,…với thời gian và chi phí thấp nhất trở thành vấn đề sống còn của những dự án đầu tư, đó là còn chưa kể đến
những nhu cầu về ăn ở, sinh hoạt của công nhân lao động, chuyên gia làm việc tại các KCN để tái sản xuất sức lao động một cách bền vững.
Từ những vấn đề trên, ngoài cố gắng của địa phương trong huy động vốn đầu tư xây dựng nhà ở, các công trình phúc lợi, dịch vụ, nâng cấp, mở rộng các đường giao thông,…thì cần tập trung mọi nỗ lực tác động sự hỗ trợ của các ngành trung ương, đẩy nhanh đầu tư xây dựng hoàn thành sớm nhất các công trình giao thông then chốt đã dược thẩm duyệt trên địa bàn TP Cần Thơ, như: nạo vét luồng Định Anh, nâng cấp sân bay Cần Thơ, quốc lộ 1A, hệ thống quốc lộ 80,…