6. Bố cục của đề tài
2.3.5. Cải cách thủ tục hành chính
BQL KCX & CN Cần Thơ cố gắng hỗ trợ tích cực về mọi mặt cho các nhà đầu tư khi đến với các KCN Cần Thơ. Mục tiêu BQL đặt ra là thực hiện thủ tục hành chính ngày càng đơn giản, thuận tiện cho các nhà đầu tư, DN nhằm giảm phiền hà, giúp DN giảm thời gian, chi phí, dành nguồn lực cho việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Trên tinh thần đó, từ ngày 02/04/2007 BQL KCX & CN Cần Thơ đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện ISO 9001-2000 để giải quyết các loại thủ tục hành chính. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc hoàn thành các thủ tục liên quan đến sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chính thức đi vào hoạt động, BQL KCX & CN Cần Thơ đã triển khai thực hiện Quyết định số 63/2008/QĐ – UBND, ngày 21/07/2008 của UBND TP Cần Thơ về việc ban hành quy chế phối hợp liên thông trong việc thẩm định và phê duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, cấp mã số thuế, khắc con dấu, cung cấp điện cho DN, nhà đầu tư vào các KCN Cần Thơ. Năm 2009, thực hiện công tác cải cách hành chính theo tiêu chuẩn Việt Nam
ISO 9001-2000 và đề án 30 của Chính phủ - đơn giản hóa thủ tục hàng chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010, BQL KCX & CN Cần Thơ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đã được UBND thành phố công bố bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BQL KCX & CN Cần Thơ tại quyết định số 2562/QĐ-UBND, ngày 20/08/2009.
Bộ thủ tục hành chính (gồm 33 thủ tục) đã được BQL KCX & CN Cần Thơ niêm yết công khai tại văn phòng theo quy định. Quy trình tiếp nhận và trả kết quả cũng được quy định rõ ràng, quy định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, từ khâu tiếp nhận cho đến khâu điều chuyển hồ sơ lên các phòng nghiệp vụ đều được giải quyết nhanh chóng, đúng quy trình và sớm hơn thời gian quy định; không nhũng nhiễu, không gây phiền hà cho nhà đầu tư. (xem bổ sung Quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư của BQL KCX & CN Cần Thơ – phụ lục 2.10)
Tiểu kết chương 2
Quá trình hình thành và phát triển KCN là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Sự ra đời của các KCN đã đem lại những thành tựu to lớn, khẳng định vai trò quan trọng của sự nghiệp CNH-HĐH, đẩy nhanh tiến trình hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế khu vực và quốc tế.
Riêng đối với TP Cần Thơ, với vai trò là trung tâm của vùng ĐBSCL cần đảm trách tốt nhiệm vụ đầu tàu, dẫn dắt các tỉnh trong vùng phát triển. Trong đó, phát triển các KCN là một mô hình quan trọng, có sức lan tỏa, để hỗ trợ, liên kết các tỉnh tập trung phát triển những lĩnh vực, những sản phẩm có lợi thế lâu dài, có tiềm năng, nhằm hướng đến phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
So với nhiều địa phương khác trong cả nước, tại TP Cần Thơ, các KCN hình thành từ rất sớm. Chưa đầy 1 năm sau khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 322/HĐBT ngày 18/10/1991 về Quy chế KCX, thì đến ngày 21/9/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã cho phép tỉnh Cần Thơ (cũ) được thành lập KCX tại Trà Nóc (KCN Trà Nóc 1 hiện nay). Đây là một trong 4 KCX được thành lập đầu tiên trong cả nước. Sau khi KCN Trà Nóc 1
lấp đầy, để đáp ứng nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư, tỉnh Cần Thơ (cũ) và TP. Cần Thơ tiếp tục quy hoạch xây dựng thêm nhiều KCN bám theo tuyến sông Hậu và Quốc lộ 91, thuộc địa bàn các quận Cái Răng, Ô Môn và Thốt Nốt nhằm phát huy lợi thế “ tiền sông hậu lộ”.
Tính đến năm 2010, trên địa bàn TP. Cần Thơ có 5 KCN tập trung, gồm: KCN Trà Nóc 1, 2; KCN Hưng Phú 1, 2 và KCN Thốt Nốt. Các DN trong các KCN Cần Thơ phần lớn hoạt động có hiệu quả, doanh thu tăng cao qua các năm, đóng góp nguồn thu rất lớn cho ngân sách thành phố. Nếu như vào năm 1999, các DN trong KCN Cần Thơ tạo ra giá trị sản lượng công nghiệp trên 96 triệu USD, chiếm 15,6% giá trị toàn ngành công nghiệp của thành phố, xuất khẩu đạt 56,7 triệu USD, chiếm 21,56% kim ngạch xuất khẩu, nộp thuế trên 60 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng thu nội địa, thì đến năm 2010, ước tổng doanh thu của các DN trong các KCN Cần Thơ đạt 1,835 tỷ USD. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1,217 tỷ USD, dịch vụ thương mại đạt 618,322 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 515 triệu USD; thực hiện các nghĩa vụ thuế 2.343 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 34.210 lao động.
Qua 15 năm hình thành và phát triển, các KCN Cần Thơ đã đóng góp lớn vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của TP Cần Thơ, vùng ĐBSCL và cả nước. Các KCN Cần Thơ không những đã tác động tích cực đến thu hút đầu tư, đến sản xuất công nghiệp, đến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, giải quyết việc làm cho lao động trong vùng,… mà còn góp phần tạo điều kiện đưa TP Cần Thơ trở thành đô thị loại I và là một trong 4 thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước. Các KCN Cần Thơ thực sự đóng vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển dịch vụ và đã tác động lan tỏa tích cực trong công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
CHƯƠNG 3: MỘT SỐ NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ VÀ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH SỰ PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP THÀNH
PHỐ CẦN THƠ