Các nhà khai thác mạng GSM định ra các chỉ số KPI chất lượng dịch vụ mạng cũng như các giá trị ngưỡng cho từng loại chỉ số này. Các chỉ số KPI thường được xem xét thay đổi bổ sung hàng năm tùy vào mục tiêu kinh doanh. Quản lý năng lực mạng và các công việc tối ưu hóa tài nguyên mạng sẽ góp phần đảm bảo yêu cầu chất lượng dịch vụ được đặt ra.
Ở những khu vực có chất lượng dịch vụ không đảm bảo (những nơi có chỉ số KPI không đáp ứng được ngưỡng cho phép), các công việc tối ưu hóa sẽ được tiến hành. Năng lực của khu vực mạng được phân tích bằng các phương pháp hiện có để tìm hiểu rõ nguyên nhân của vấn đề và từ đó đưa ra các giải pháp thích hợp. Để làm được việc này, người ta phải dựa vào các thông tin thu thập được từ khiếu nại của khách hàng, kết quả đo chất lượng trên các xe lưu động và số liệu thống kê về hoạt động của mạng. Thông thường, phân tích số liệu thống kê và khiếu nại khách hàng cho phép nhà khai thác phát hiện vấn đề và việc đo kiểm chất lượng dùng xe lưu động sẽ xác nhận vấn đề cũng như giải pháp. Tuy vậy, nếu chỉ đo kiểm dùng xe lưu động thì sẽ không giúp cho nhà khai thác có được một cái nhìn thấu đáo về dịch vụ cung cấp. Việc đo kiểm này chỉ là một chỉ thị về chất lượng dịch vụ cho nguồn lưu lượng có tính lưu động cao. Một lượng lớn lưu lượng phát sinh trong mạng lại từ các nguồn không lưu động. Trong nhiều mạng di động ở châu Âu, trung bình chỉ có một lần chuyển vùng trong mỗi cuộc gọi. Điều này cũng có nghĩa rằng kết quả thống kê sẽ là phương pháp tốt nhất để xác định các hạn chế về QoS trong mạng. Tuy nhiên, để xác định xu hướng phát triển của vấn đề về QoS, cũng như xác định nguyên nhân và hướng giải quyết, người ta cũng vẫn phải dựa trên kinh nghiệm của các chuyên gia.
Các chỉ số KPI có ảnh hưởng đến QoS và do đó cần được giám sát một cách chặt chẽ sẽ được trình bày trong phần sau.
7.1 Phần chuyển mạch kênh (CS) – Dịch vụ thoại
DCR (Drop call rate): cho thấy tỷ lệ rớt cuộc gọi của khách hàng. Chỉ số này được tính trên toàn mạng hoặc trong một vùng địa lý nào đó mà không tính theo từng tế bào vì cuộc gọi có thể chuyển từ cell này sang cell khác.
Minute-Erlang/Drop: chỉ ra thời gian trung bình giữa các cuộc gọi bị rớt và được tính bằng tỷ số của lưu lượng (minute-erlang) và tổng số cuộc gọi bị rớt và tỷ lệ nghịch với DCR. Đây cũng là một cách rất tốt để
đánh giá hiệu quả của việc tối ưu hóa mạng vì chỉ số này có cân nhắc đến lưu lượng trong mạng và nhạy cảm với các thay đổi trong mạng hơn là DCR.
CFR (Congestion failure rate): chỉ ra tỷ lệ gán kênh không thành công do tắc nghẽn. Chỉ số này có thể được tính cho phạm vi một tế bào để phục vụ việc lập kế hoạch và xác định lỗi, hoặc được tính cho toàn vùng để xác định mức độ tắc nghẽn lưu lượng theo cảm nhận của khách hàng.
CCSR (Call completion success rate): được tính từ số liệu thống kê của mạng hoặc từ số liệu đo kiểm bằng xe lưu động. Chỉ số này được tính bằng tổng số cuộc gọi thành công chia cho tổng số cuộc gọi được thực hiện. Chỉ số này phản ánh rõ khả năng kết nối và duy trì kết nối với mạng.
DTCHR (Dropped traffic channel rate): cho thấy rớt cuộc gọi ở mức cell và chỉ được sử dụng cho mục đích kỹ thuật để xác định cell có tỷ lệ rớt cuộc gọi cao. Tối ưu hóa các cell này sẽ cải thiện chỉ số DCR và CCSR.
SDCCHSR (Standalone dedicated control channel success rate): cho thấy tỷ lệ gán kênh báo hiệu vô tuyến thành công và cũng chỉ được sử dụng cho mục đích kỹ thuật để tối ưu hóa cell có tỉ lệ lỗi cao. Tối ưu hóa các cell này sẽ cải thiện chỉ số CCSR.
HSR (Handover success rate): cho thấy tỉ lệ chuyển vùng thành công. Việc giảm tỷ lệ rớt cuộc gọi do chuyển vùng sẽ giúp cải thiện chỉ số DCR.
7.2 Phần chuyển mạch gói (PS) – Dịch vụ số liệu (GPRS)
Thông lượng tế bào (cell throughput): là chỉ số KPI từ đầu cuối đến đầu cuối cho thấy thông lượng truyền số liệu ở mức tế bào và mức mạng.
RTT (Roundtrip time): giảm trễ vòng giúp tăng thông lượng truyền dữ liệu.
Ghép kênh TBF (Temporary block flow): cho thấy số người sử dụng tài nguyên GPRS trong mỗi khe thời gian. Càng nhiều người sử dụng thì thông lượng truyền dữ liệu sẽ càng nhỏ đi.