Như trường hợp pháp luật quy định cho UBTVQH và UB pháp luật của QH đều có nhiệm vụ, quyền hạn giám sát hoạt động của các cơ quan như TANDTC, VKSNDTC ( khoản 5 Điều 91 Hiến pháp 1992, Điều 11, khoản 5 Điều 25 Luật Tổ chức QH 2002) song trên thực tế lại không có một văn bản nào quy định cùng một đối tượng giám sát như nhau thì nhiệm vụ, quyền hạn giám sát của UBTVQH và UB pháp luật như thế nào, phạm vi thẩm quyền giám sát được phân định đến đâu. Việc quy định thiếu đồng bộ, chồng chéo như vậy dẫn đến hậu quả cho dù các đối tượng giám sát có cố gắng đến đâu mà pháp luật chưa quy định rõ ràng thì hiệu quả giám sát cũng không thể có được.
Mặt khác, Hiến pháp 1992 quy định: “QH có quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước ” song Luật hoạt động giám sát của QH chưa nêu rõ khái niệm về hoạt động giám sát của QH. Điều này dẫn đến thực tế chưa có cách hiểu thống nhất về hoạt động giám sát tối cao của QH cũng như chủ thể giám sát, phạm vi giám sát, nội dung giám sát và đối tượng bị giám sát. Hay như Điều 96 Hiến pháp 1992 quy định: “HĐDT và các UB của QH có quyền yêu cầu thành viên của CP, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC và viên chức Nhà nước hữu quan khác trình bày hoặc cung cấp những tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó”. Bằng việc quy định như trên, Hiến pháp 1992 mới chỉ tạo ra cơ chế thu thập thông tin và cung cấp thông tin cho HĐDT và các UB của QH. Cơ chế này không làm cho các đối tượng chịu sự giám sát của QH bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm trong hoạt động. Hơn nữa trong điều luật này cũng đã tạo điều kiện cho các đối tượng chịu sự giám sát của QH trả lời bằng văn bản trức mà chưa đặt ra yêu cầu quy kết trách nhiệm nên hoạt động giám sát của HĐDT và các UB của QH trên thực tế mang tính hình thức.
2.2.2.2 Tính hiệu quả thấp của các phương pháp giám sát và hiệu quả pháp lý của việc giám sát giám sát
Hoạt động giám sát của QH thông qua nhiều phương pháp khác nhau, có thể xác định một số phương pháp chủ yếu là: xem xét các báo cáo, chất vấn, xem xét việc ban hành văn bản, tổ chức các đoàn giám sát…
Tuy nhiên trên thực tế, một số vấn đề bức xúc trong lĩnh vực chống tham nhũng, cải cách Hành chính, thi hành pháp luật, hoạt động của các cơ quan tư pháp và giám sát việc ban hành văn bản pháp luật chưa đực thực hiện nhiều. UBTVQH chưa xây dựng được chương trình giám sát hàng năm của mình, chưa thường xuyên chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động giám sát của HĐDT và các UB của QH. Cơ chế phối hợp giám sát giữa các chủ thể tiến hành giám sát còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, khi tiến hành các hoạt động giám sát nêu trên (chất vấn, trả lời chất vấn, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xét báo cáo…) mà thường tiến hành một cách biệt lập nên chưa phát huy được những phương pháp giám sát mà pháp luật cho phép để thực hiện hoạt động giám sát có hiệu quả nhất. Hơn nữa, trong mỗi phương pháp giám sát lại không được sử dụng nhuần nhuyễn với các phương pháp giám sát khoa học (giám sát bằng cách truy cập mạng nội bộ của các cơ quan Nhà nước, giám sát có trọng tâm, trọng điểm… ) và quy trình giám sát cụ thể nên hiệu quả của hoạt động giám sát là không cao và nhiều khi là mang tính hình thức hay làm cho xong việc. Có thể nhận thấy rằng tính không hiệu quả của nó xuất hiện trong hầu hết các phương pháp giám sát. Như phương pháp chất vấn và trả lời chất vấn, ĐBQH mới chỉ dừng lại ở việc hỏi đáp lấy thông tin, thậm chí việc đưa ra câu hỏi còn tản mạn, chưa tập trung vào vấn đề cần hỏi, câu hỏi thiếu tính chính xác hay dài dòng mà không đi thẳng vào vấn đề. Đối tượng bị chất vấn thì trả lời vòng vo, né tránh câu hỏi và việc trả lời không đáp ứng được yêu cầu của người hỏi, trả lời thì mang nặng báo cáo hơn là thể hiện trách nhiệm của mình đối với vấn đề bị chất vấn… Về phía QH thì sau khi trực tiếp nghe chất vấn và trả lời chất vấn thì QH lại ít trao đổi, thảo luận và cho ý kiến nhận xét về việc trả lời chất vấn. Hơn nữa, hậu quả pháp lý cho các hoạt động giám sát bằng hình thức chất vấn chưa được sử dụng như một công cụ đắc lực
của cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng giám sátcủa QH. Và như vậy thì QH cũng chưa đưa ra được một hình thức trách nhiệm pháp lý để buộc người bị chất vấn phải từ chức. Cho nên, thực trạng cho thấy là số Bộ trưởng tự chịu trách nhiệm bằng cách xin từ chức là rất ít, mà đa phần sau những vụ việc bị vỡ lỡ thì có nhiều vị bộ trưởng vẫn tại chức, lại tiếp tục giữ cương vị và tiếp tục hứa, rồi lại cải thiện nhưng đâu vẫn hoàn đó. Công tác tổng hợp các hoạt động giám sát chưa được tiến hành đều đặn, hàng quý UBTVQH chưa xem xét,cho ý kiến về kết quả giám sát như kế hoặch đã đề ra, chưa xác định trọng tâm, trọng điểm của hoạt động giám sát. Việc thành lập các Đoàn giám sát tại địa phương còn bộc lộ nhiều bất cập như có quá nhiều Đoàn giám sát địa phương, lĩnh vực giám sát thì quá rộng, có lúc chưa phân biệt rõ đoàn công tác đi thăm, đi làm việc, tìm hiểu tình hình ở cơ sở, tiếp xúc cử tri với đoàn công tác giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTVQH trong những vấn đề cụ thể. Những vấn đề đặt ra trong hoạt động giám sát của Đoàn giám sát được giải quyết trong một khoản thời gian rất ngắn, chủ yếu là xem xét báo cáo. Vì vậy, chưa có thể hội đủ thông tin, các yếu tố cần thiết để kết luận hay xác định một vấn đề được giám sát; kết quả hoạt động của Đoàn giám sát chưa được thể hiện rõ ràng bằng kết luận về một số vấn đề cụ thể, với các kiến nghị cụ thể có tính bắt buộc các đối tượng giám sát phải trả lời và được theo dõi một cách hệ thống đến kết quả cuối cùng. Hình thức giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của nhân dân và của kiến nghị của cử tri được QH thực hiện chưa có hiệu quả mà mới chỉ dừng lại ở việc chuyển đơn thư, chưa sử dụng các phương pháp để đôn đốc việc giải quyết đúng vụ việc, đúng thời hạn nên tình trạng đơn thư tồn đọng nhiều. Nhiều vụ việc Đoàn ĐBQH và ĐBQH không được giải quyết thấu đáo nên đã trở thành những vụ khiếu kiện tập thể, đông người, ảnh hưởng đến tình trạng an ninh chính trị trong cả nước ở Tây Nguyên và các tỉnh như Hà Tây, Thái Bình…Nhưng chế tài để buộc các cơ quan phải xem xét và giải quyết các yêu cầu của ĐBQH đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo chua được quy định rõ ràng, ngay cả quyền giám sát của ĐBQH cũng chưa được thể hiện rõ bởi ĐBQH không được giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mà chỉ được xem xét rồi chuyển qua cho các cơ quan khác giải quyết. Như vậy, dù rõ ràng ĐBQH tìm ra sai phạm nhưng vì không được giải quyết nên trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì đã tạo điều kiện cho người vi phạm che dấu hành vi của mình. Vậy thì hoạt động giám sát của ĐBQH không có hiệu quả, bởi thẩm quyền xử lý vi phạm không thuộc về ĐBQH.
Những hạn chế nói trên cũng chính là sự tồn tại do việc chưa phối hợp sử dụng các phương pháp giám sát để xem xét, giải quyết một vấn đề cụ thể khi tiến hành giám sát mà không cần sự thay đổi các quy định pháp luật hiện hành. Điều quan trọng là ở chổ chúng ta phải xây dựng được nội dung, mục đích yêu cầu tổ chức Đoàn giám sát “trong những trường hợp cần thiết” và xem phương pháp giám sát này trong mối quan hệ với các phương pháp giám sát khác để cùng được khai thác nhằm hỗ trợ giải quyết một vấn đề giám sát. Có như vậy thì kết quả hoạt động giám sát mới có hiệu lực và được nâng cao.