5. Kết cấu của luận văn
4.3.1. Đối với Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước là một định chế tài chính hỗn hợp vừa mang tính chất là cơ quan quản lý nhà nước, vừa mang tính chất doanh nghiệp nên sự quản lý của NHNN với hoạt động của các NHTM là hết sức quan trọng. Vì vậy, NHNN cần phải phát huy vai trò của mình một cách thực sự hiệu quả.
Thứ nhất, NHNN cần nghiên cứu sâu ứng dụng về Hiệp định Basel II và sắp
tới là Basel III về các nguyên tắc quản trị rủi ro tín dụng, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm quốc gia khác đã ứng dụng Basel II như Mỹ và Hàn Quốc, để từ đó, xác định được mô hình quản trị rủi ro nói chung và quản trị rủi ro tín dụng nói riêng phù hợp với điều kiện của các ngân hàng Việt Nam, tiếp cận nhất với thông lệ quốc tế. Trên cơ sở đó, NHNN đưa ra những hướng dẫn về một hệ thống chấm điểm tín dụng để các ngân hàng thương mại tham khảo và thực hiện.
Thứ hai, tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát và đánh giá an toàn đối với hệ thống ngân hàng theo các chỉ tiêu mà thế giới đang sử dụng như ứng dụng
những nguyên tắc cơ bản về giám sát hiệu quả hoạt động Ngân hàng của uỷ ban Basel cũng là một việc cần được dành sự quan tâm hợp lý. Cần xử lý nghiêm minh các TCTD, cá nhân vi phạm cơ chế tín dụng. Việc thanh tra phải được tiến hành thường xuyên, tránh làm theo đợt thành cao trào, vừa không phát hiện kịp thời các sai phạm, vừa gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín của các NHTM.
Thứ ba, NHNN cần phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện và khẩn trương ban hành hệ thống kế toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Xây dựng các giải pháp hoàn thiện phương pháp kiểm soát và kiểm toán nội bộ trong các tổ chức tín dụng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Hoàn thiện hệ thống giám sát ngân hàng theo hướng nâng cao chất lượng phân tích tình hình tài chính, phát triển và thống nhất cách thức giám sát ngân hàng trên cơ sở lý luận và thực tiễn, xây dựng cách tiếp cận hoạt động đánh giá chất lượng quản trị rủi ro nội bộ trong các TCTD. Triển khai mạnh hơn nữa các nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường tiền tệ như quyền chọn, hoán đổi, kỳ hạn, tương lai,… xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho các nghiệp vụ phái sinh.
Hiện nay, các văn bản pháp lý của chúng ta đã thường xuyên được sửa đổi để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, một số văn bản còn có những hạn chế. Mặt khác, các văn bản pháp luật lại được sửa đổi, bổ sung liên tục, để các văn bản đó gắn với thực tế hơn. Nhưng chính việc sửa đổi quá nhiều này đã gây khó khăn cho người thực hiện. Vì vậy, khi ban hành các văn bản pháp luật thì cần quan tâm đến tính khả thi và tính chặt chẽ của các văn bản đó trong tương lai.
Bên cạnh đó, NHNN cần phải báo cáo Chính phủ đẩy mạnh công tác đổi mới, sắp xếp lại, cổ phần hoá các DNNN để tạo nên khu vực mới năng động hiệu quả hơn. Nhà nước phải đặt vấn đề xử lý nợ quá hạn của các NHTM là một chiến lược chung của Chính phủ để có thể thực hiện tái cơ cấu ngân hàng, nâng cao sức cạnh tranh cho các NHTM.
Thứ tư, NHNN cần phải nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro cho hệ thống NHTM. Hệ thống cảnh báo là phương tiện hữu hiệu để nhận diện nền kinh tế, giúp cho các quốc gia có thể lường trước và có biện pháp đối phó với rủi ro có thể xảy ra, giảm thiểu ảnh hưởng xấu của nó đến nền kinh tế. Nhiều quốc gia trong khu vực đã tự phát triển một hệ thống như vậy, hay với trợ giúp của ADB sau
những tổn thất cay đắng của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997. Ngoại trừ Lào và Campuchia, Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN chưa có hệ thống này. Cuối tháng 12 năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận ra điểm yếu này và muốn có thay đổi. Ông giao cho trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư chức năng này. Tuy vậy, cho đến nay, trung tâm này cũng mới chỉ có những hoạt động dự báo kinh tế mang tính thử nghiệm bởi khó tiếp cận đến các nguồn thông tin chính thức - vốn rất cần cho công tác dự báo kinh tế. Sự bất cập trong việc thu thập thông tin đang là rào cản lớn nhất để xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm. Các thông tin thường bị phân tán, chia cắt, rời rạc, đóng băng và thiếu chuẩn hoá thống nhất giữa các nguồn và các đơn vị quản lý. Đó là chưa kể các thông tin lại không được công khai. Đặc biệt, hệ thống các thông tin và dữ liệu chuyên ngành phục vụ trực tiếp công tác dự báo kinh tế dường như mới hình thành bước đầu, nhiều chỉ số còn thiếu, hoặc chưa được kết nối với hệ thống các chỉ số thống kê chính thức quốc gia hàng năm. Từ những nhận thức về tầm quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm, NHNN kết hợp với các Ban ngành sớm áp dụng để hạn chế thiệt hại cho hệ thống ngân hàng.
Thứ năm, NHNN cần tiếp tục đầu tư phát triển Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) để xây dựng được hệ thống hỗ trợ xếp hạng tín nhiệm khách hàng nhằm phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin cho toàn bộ hệ thống ngân hàng một cách cập nhật, chính xác và tin cậy. CIC nên lưu trữ thông tin dựa trên cơ sở chia nhỏ các ngành hàng, có thể kết hợp với các Hiệp hội ngành nghề để đưa ra các hệ số tham khảo chuẩn của mỗi ngành nghề. Bên cạnh đó, trung tâm CIC cần kết hợp chặt chẽ với các NHTM để khai thác triệt để các thông tin về khách hàng. Như vậy, các NHTM mới có thể có đủ thông tin để ra quyết định cho vay và thu nợ chính xác.
Thứ sáu, NHNN cần thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam ở các nước để cập nhật được những thông tin quốc tế và đưa ra những phân tích và dự báo về diễn biến thị trường tín dụng trong từng thời kỳ căn cứ trên cơ sở gắn kết các biến số kinh tế, tiền tệ vĩ mô thông qua các mô hình định tính và định lượng phù hợp. Qua đó cung cấp các đánh giá và dự báo vĩ mô về diễn biến tiền tệ, tín dụng
với chất lượng cao để NHTM có cơ sở tham khảo khi hoạch định chiến lược quản lý RRTD của mình.