Trong thời gian gần đây, chính phủ thiết lập các cơ chế, chính sách tác động đến việc giải phóng các nguồn lực như: sử dụng hợp lý và quản lý chặt chẽ đất đai, tăng cương quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng. Tiêu biểu là Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị số 11/2013/NĐ-CP do chính phủ ban hành, nghị định đã nêu rõ các nguyên tắc đầu tư phát triển đô thị cũng như là quy định phân loại đất dành cho đầu tư phát triển đô thị. Trong năm 2014, để hỗ trợ cho quá trình đô thị hóa mở rộng, ngày 1/8/2014 thủ tướng chính phủ ra chỉ thị số 21/CT-TTg về kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014. Đặc biệt, đối với tỉnh Sóc Trăng, thủ tướng chính phủ phê duyệt quyết định số 423/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 về việc quy hoạch tổng thể Sóc Trăng trở thành tỉnh có nền nông nghiệp cao phát triển bền vững gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ. Ngoài ra, những chủ trương, chính sách của Chính phủ ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Sự phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mền của vùng đã trực tiếp tạo động lực thúc đẩy, hỗ trợ cho kế hoạch quy hoạch xây dựng tỉnh Sóc Trăng. Cùng với những quyết định, văn bản chỉ thị khác đã ảnh hưởng tích cực đến đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng nói chung và cũng như của TPST nói riêng.
Tại TPST, quá trình đô thị hóa vẫn còn tiếp tục diễn ra và nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương. Ngày 30/12/2011, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quyết định 378/QĐ-UBND về việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPST đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Chủ trương của tỉnh nhằm mục tiêu là quy hoạch phát triển TPST trở thành 1 trong những vùng trọng điểm phát triển của tam giác tăng trưởng kinh tế Thành phố Sóc Trăng – Cảng Trần Đề - Cảng Đại Ngãi, là vùng kinh tế động lực chủ đạo, đồng thời là đô thị trọng điểm của hệ thống đô thị trong tỉnh. Song song đó quyết định của tỉnh sẽ thúc đẩy xây dựng TPST trở thành đô thị loại II, là trung tâm phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội, thủ phủ của tỉnh Sóc Trăng, có quan hệ mật thiết hữu cơ với các trung tâm kinh tế - kỹ thuật – đô thị khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khác thuộc Nam Bộ. Ngoài ra, với quyết định trên, chính quyền đã đề ra phương án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, các định hướng
của quy hoạch xây dựng hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020.
Trên cơ sở xây dựng TPST trở thành đô thị loại II trong năm 2020, TPST đang tiến hành thực hiện các mục tiêu quy hoạch phát triển như nâng cấp đô thị, định hướng phát triển không gian khu vực nội thị, mở rộng hệ thống giao thông, định hướng không gian đối với ngoại thị.
Đối với công tác chỉnh trang phát triển đô thị, TPST thực hiện cải tạo lại các khu dân cư cũ, đầu tư xây dựng và sắp xếp những khu dân cư mới. Trong đó có nhiều khu nhà cao tầng với kiến trúc đẹp và đa dạng đáp ứng nhu cầu đất ở cho nhân dân. Bộ mặt kiến trúc đô thị được chỉnh trang, cơ sở hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng, tuy nhiên hình thái sử dụng đất mang tính chất đô thị hiện đại mới thể hiện rõ ở những khu vực trung tâm, các khu dân cư dự án được đầu tư mới. Thành phố triển khai nhiều dự án chỉnh trang đô thị như khu phố Nguyễn Huệ, Trung tâm thương mại giai đoạn II, mở rộng đường 30/4, bệnh viện đa khoa Sóc Trăng, công trình đường Văn Ngọc Chính, công trình lát gạch đường Tôn Đức Thắng, Mạc Đỉnh Chi, xây dựng bờ kè sông Maspero, khán đài đua ghe ngo. Trong năm 2013, Phường 5 TPST đã chi 22,5 triệu đồng để thực hiện công trình lát vĩa hè trên tuyến lộ chính của phường. Năm 2014, tại Phường 10 TPST đã vận động nhân dân lát gạch vĩa hè tuyến đường Trần Hưng Đạo, nâng tổng số vĩa hè đã lát được 11.557,5 m2 đạt 92% diện tích; mở rộng và nâng cấp 3 hẻm đạt 150% chỉ tiêu. Đặc biệt, tại Phường 8 TPST, chỉ trong năm 2013 đã thực hiện được 13 công trình với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng gồm: Công trình trả đá lộ Culôsô; xây dựng chợ phường; nâng cấp, xi măng hóa toàn bộ 4 hẻm, xây dựng mới 2 trụ sở làm việc; công trình sơn lại khu phố (lăn bê) thống nhất màu sơn chung (không thay đổi cấu trúc căn phố), làm mái che cố định cho 31 hộ dân trong khu phố Mậu Thân (Tôn Đức Thắng)...
Đối với địa chính, theo kết quả điều tra nhà ở thành thị và nông thôn, toàn TPST có 29.791 căn nhà. Trong đó, tổng diện tích sử dụng nhà ở toàn thành phố đạt khoảng 957.040 m2, diện tích bình quân 7 m2
sàn/người. Đặc biệt nhiều công sở, bệnh viện, công trình công cộng, trường học, khách sạn được nâng cấp, xây dựng mới. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn 3 phường (phường 5, phường 8, phường 10), có 106 trường hợp xây mới, tu sửa, nâng cấp nhà ở.
Hệ thống giao thông đường bộ của thành phố tương đối phát triển, thuận lợi cho việc đi lại và trao đổi hàng hóa với các khu vực lân cận. Bình quân đất giao thông 27 m2/người, mật độ đường chính đạt 4,8 km/km2
trung tâm thành phố đã hình thành các đường trục và mạng lưới ô bàn cờ. Trong đó, thành phố có 2 tuyến quốc lộ và 3 tuyến tỉnh lộ quan trọng đi qua
Quốc lộ 1 xuyên ngang thành phố với tổng chiều dài 8,3 km, nền đường 12 m, mặt đường bê tông nhựa rộng 10,5 m, đây là tuyến trục đối ngoại quan trọng nhất của thành phố. Tuyến đường này điểm đầu giáp tỉnh Hậu giang, điểm cuối giáp tỉnh Bạc Liêu, lưu thông tốt kể cả mùa mưa, là tuyến huyết mạch của tỉnh, nối Sóc Trăng với thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Hiện tại, tuyến Quốc lộ 1 còn được đầu tư làm mới tuyến tránh thành phố dài 12,156 km, đạt cấp III đồng bằng.
Quốc lộ 60 chạy qua thành phố với chiều dài 5,7 km, đường tránh Quốc lộ 60 dài 3,2 km, láng nhựa, điểm đầu từ TPST, điểm cuối ở Đại Ngãi, nối thành phố với cảng Đại Ngãi huyện Long Phú và Cù lao Dung. Đây cũng là tuyến trục đối ngoại quan trọng, Quốc lộ 60 là tuyến nối tỉnh Sóc Trăng với tỉnh Trà Vinh.
Đường tỉnh 934 (Sóc Trăng - Mỹ Xuyên - Trần Đề) chạy qua thành phố dài 2,8 km, đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng (nền 12 m, mặt láng nhựa 7 m), nối TPST với cảng Trần Đề.
Đường tỉnh 933 (Sóc Trăng - Long Phú) chạy qua thành phố dài 6,8 km, đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng (nền 12 m, mặt láng nhựa 9 m); nối TPST với huyện Long Phú.
Đường tỉnh 938 (Sóc Trăng – Mỹ Tú), đường láng nhựa, đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng.
Đối với giao thông đối nội, thành phố có 80 tuyến với tổng chiều dài 110 km, trong đó có 70 tuyến đường giao thông nội thị với chiều dài 64,5 km; 51 tuyến giao thông ngoại ô với chiều dài 123 km; 6 cầu giao thông (bê tông) và 145 hẻm, đường láng nhựa và đá nhựa.
Hiện tại, UBND TPST đang thực hiện kế hoạch quy hoạch, nâng cấp, mở rộng đường nội ô thành phố. Mục tiêu chính là nhằm giảm áp lực phương tiện lưu thông trong các tuyến nội ô thành phố, tạo cho hệ thống giao thông đô thị liên hoàn, thông suốt và ít gây ô nhiễm môi trường, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vùng ven. Kế hoạch bao gồm việc xây dựng tuyến đường vành đai 2 và đoạn quốc lộ 1A tránh TPST, tuyến đường tỉnh 937 nhằm nối quốc lộ 1A với quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp và quốc lộ 61, nâng cấp tuyến quốc lộ 60. Ngoài ra, nâng cấp một số tuyến đường tỉnh lộ nối thành phố với các huyện và đi qua nội ô thành phố, đạt tiêu chuẩn cấp II đồng bằng với mặt đường bê tông nhựa như: trục nối từ đường Mạc Đĩnh Chi đến
thị trấn Trần Đề và trục nối từ TPST đến Đại Ngãi dọc theo 2 bên kênh Saintard. Đặc biệt mạng đường trong đô thị phải lát hè đi bộ, trồng cây xanh, đặt đèn đường và xây dựng hệ thống thoát nước.
Về năng lượng điện, thành phố được cấp điện từ 3 trạm biến áp 220/110 KV ở Trà Nóc, Bạc Liêu và Sóc Trăng, thông qua tuyến đường dây 110 KV Trà Nóc - Phụng hiệp - Sóc Trăng - Bạc liêu. Nguồn cấp điện chính cho trạm 110 KV Sóc Trăng là trạm 220/110 KV-125 MVA Sóc Trăng. Lưới điện: Lưới điện 22 KV gồm 9 phát tuyến xuất phát từ trạm trung gian 110/22 KV. Thành phố có 151,56 km đường dây trung thế và 181,94 km đường dây hạ thế (tính đến thàng 12-2009). Trạm biến áp có 427 trạm với dung lượng 86,820 KVA.
Đối với hệ thống chiếu sáng đô thị, Thành phố đã thực hiện bố trí chiếu sáng các tuyến đường chính đạt 91/91 tuyến và 175/225 hẻm (đạt 77,78%). Đối với tỷ lệ các hộ sử dụng điện, Uỷ ban nhân dân các phường phối hợp với Chi nhánh điện lực TPST lắp trụ điện thực hiện dự án cấp điện cho các hộ Khmer trên địa bàn các phường. Do vậy đến năm 2013, tỷ lệ sử dụng điện của cả tỉnh đạt trên 99%.
Về sử dụng nước sạch, TPST khai thác kết hợp 2 nguồn nước mặt và nước ngầm, thành phố có nhà máy nước ngầm và trạm xử lý nước ngầm để cấp nước sinh hoạt đô thị. Thành phố khai thác nước ngầm bằng hệ thống giếng và bơm về nhà máy xử lý nước. Nhà máy nước ngầm số 1 có công suất 14.000m3/ngày đêm, với 10 giếng khoan ở độ sâu 110m và 170 m với công suất giếng 100-120 m3
/h. Nhà máy nước ngầm số 2 nằm trên đường Phú Lợi, công suất 8000 m3
/ngày đêm, với 1 giếng nước nóng sâu 480 m với công suất 120 m3/h và 2 giếng sâu 150 - 170 m công suất 100 - 150 m3
/h. Trạm cấp nước ngầm Sông Đinh công suất 2.000 m3
/ngày đêm. Trạm cấp nước Khu công nghiệp An nghiệp công suất 12.000 m3
/ngày đêm. Thành phố hiện đang phát triển mạng lưới đường ống cấp nước, đồng thời cải tạo mạng đường ống hiện có và xây mạng đường ống mới. Đấu nối mạng đường ống hiện có và mạng đường ống mới tạo thành vòng khép kín liên thông giữa các nhà máy nước với nhau để đảm bảo cấp nước liên tục khi xảy sự cố. Tỷ lệ hộ được dùng nước sạch toàn thành phố đạt trên 99%. Tuy nhiên, ở khu vực Phường 5 có 3.312/3.466 HGĐ đang được sử dụng nước sạch chỉ đạt 95,55%.
Vấn đề môi trường, đối với môi trường không khí, tổng diện tích cây xanh công cộng trong thành phố 71,45 ha. Tỷ lệ che phủ cây xanh tại các khu đô thị năm 2010 là 8,5%. Hàm lượng bụi được đo hàng năm đều nằm trong giới hạn cho phép, ngoại trừ vị trí tượng đài trung tâm hàm lượng bụi vượt 1,67 lần so với chỉ tiêu trong tiêu chuẩn Việt Nam (QCVN 05:2008/BTNMT).
Trong khi đó, hàm lượng CO trong không khí có chiều hướng giảm dần từ năm 2007 đến nay và đạt quy chuẩn cho phép. Mặt khác, hàm lượng SO2 trong không khí tăng dần và vượt quy chuẩn cho phép 30,8 lần. Hàm lượng SO2
trong không khí vượt quy chuẩn cho phép có thể giải thích do trong thời gian qua thành phố đang nâng cấp hệ thống giao thông, thoát nước đô thị và số lượng các phương tiện giao thông, vận chuyển tăng hàng năm nên gia tăng các chất ô nhiễm vào môi trường không khí. Trong khi đó, chất lượng nước mặt tại khu vực nội thị TPST có biểu hiện ô nhiễm hữu cơ do trong nguồn nước có chứa các thông số: TSS, BOD5, COD vượt quy chuẩn cho phép. Riêng thông số BOD5 trung bình 5 năm (2006-2010) trên sông Maspero vượt quy chuẩn cho phép 1,49 lần. Trong đó, giai đoạn 2006 – 2007 ô nhiễm tăng cao vượt 1,87 lần, những năm tiếp theo (2008 -2010) mức độ ô nhiễm giảm dần, nhưng vẫn còn vượt quy chuẩn cho phép 1,24 lần. Đặc biệt, vấn đề về ô nhiễm rác thải, với khối lượng thu gom khoảng 95 tấn/ngày và hầu hết các bãi rác đều không đạt yêu cầu về bãi rác hợp vệ sinh, không đúng quy cách. Nước rỉ rác không được kiểm soát đã và đang gây ô nhiễm môi trường nước mặt và nước ngầm lục địa. Song song với quá trình phát triển đô thị, TPST đang gặp thách thức lớn trước hiểm hoạ môi trường. Những diễn biến xấu về môi trường đang tác động đến những ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống.
Hiện chưa có hệ thống thoát nước thải riêng với nước mưa. Thành phố có hệ thống thoát nước mưa, nước thải chung với chiều dài 51.370 m, trong đó 31.550 m cống ngầm, 18.640 m mương xây và 1.180 m mương đất, thoát ra các sông rạch. Mật độ đường thoát nước chính là 6,121 km/15,48 km2
. Song nhiều tuyến cống ngầm đang bị xuống cấp và đang được lắp đặt thay thế. Toàn bộ hệ thống thoát nước hiện nay đều được dẫn trực tiếp ra môi trường kênh rạch. Trong khi đó, khu công nghiệp An Nghiệp và các nhà máy chế biến thủy sản dọc sông Maspero đều có hệ thống xử lý nước thải riêng nhưng hoạt động không hiệu quả. Thành phố Sóc Trăng thực hiện dự án thoát nước và xử lý nước thải gồm:
Dự án thoát nước đường Lê Hồng Phong có tổng chiều dài các tuyến cống là 2.344m, đường kính 600 và 800.
Dự án tuyến cống bao với chiều dài 7.500 m bằng các ống bê tông cốt thép, đường kính ống 300 đến 700 với khoảng 160 hố gas và khoảng 16 hố tách dòng, các ống thoát nước ra sông. Tuyến cống chay dọc theo 2 bờ Bắc Nam sông Maspero và dọc theo kênh Cô Bắc.
Về công tác an sinh xã hội, năm 2012, TPST đã vận động xây dựng 101 căn nhà tình thương, nhà tặng hộ nghèo và giúp đỡ cho vay vốn nên đến cuối năm 2013 có 800 hộ thoát nghèo góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 2,27%. Thành phố đã đào tạo nghề cho 3.177 học viên, giải quyết việc làm cho 3.998 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định mức sống cho người dân. Trong đó phường 5, một trong những phường thuộc vùng ven của TPST và thuộc diện phường khó khăn cũng đã được đầu tư xây dựng trường học, các chính sách về an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, phường cũng đã tạo điều kiện người dân tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội và đã xóa 222 hộ nghèo.
Các lĩnh vực về văn hóa – xã hội, để đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động thương mại, du lịch, UBND TPST kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khách sạn đạt chuẩn 4 sao, 5 sao. Xây dựng các siêu thị, các trung tâm thương mại, các kho bảo quản hàng hóa và trung chuyển hàng hóa, gia công hàng xuất khẩu, nâng cấp chợ trung tâm, tạo tiền đề cho năm 2015 trở thành trung tâm thương mại khang trang, lịch sự xứng tầm là trung tâm của tỉnh Sóc Trăng. Tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển các loại hình du lịch, tham quan, nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Đẩy mạnh xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch, giữ gìn và phát huy tốt thế mạnh của các điểm du lịch hút