An Giang là tỉnh thuần nông, hiện có tổng diện tích gieo trồng trên 662.000 ha/năm, trong đó diện tích trồng lúa trên 605.000 ha. Theo thống kê, hàng năm tỉnh An Giang đã sử dụng trên 500 tấn thuốc BVTV với xấp xỉ 14 triệu vỏ chai và 3 triệu bao bì; lượng thuốc BVTV còn tồn đọng trong vỏ chai, bao bì khi đã sử dụng chiếm 1,85%, tương đương với 20,8 tấn. Song song đó, nước ta có hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn, An giang lại là tỉnh có số dân đông đứng thứ 4 ở ĐBSCL, lượng rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất và sinh hoạt là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý CTR tại An Giang vẫn còn nhiều hạn chế.
Trên thực tế ở An Giang, CTRNN và RTSH hiện đang là vấn đề bức xúc. Nhiều gia đình đã phản ánh không biết đổ rác ở đâu nên buộc phải vứt rác trên đường, xuống ao, hồ, sông, mương máng, đồng ruộng, quanh nhà hoặc bất cứ chỗ nào thuận tiện. Hầu hết CTR đều không được phân loại tại nguồn. Thậm chí, người dân còn trộn lẫn RTSH với các loại rác thải nguy hại như CTRNN và CTR y tế.
Riêng CTRNN, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN & PTNT) An Giang hàng năm có khoảng 183.000 tấn phân hóa học các loại và khoảng trên 1.000 tấn thuốc BVTV đổ xuống đồng ruộng (Sở NN & PTNT An Giang, 2009). Theo thống kê, có đến 65% vỏ chai, bao bì sau khi sử dụng đã thải ngay trên đồng ruộng hoặc thải bỏ, súc rửa trên kênh rạch; 10% bán cho các điểm thu mua phế liệu; 5% đốt hoặc chôn lấp; chỉ 20% được thu gom xử lý đúng qui định. Theo Bùi Thị Nga- Khoa Môi trường và Tài nguyên trường Đại học Cần Thơ, việc sử dụng thuốc BVTV chỉ có 50% cây trồng hấp thu, 50% còn lại sẽ thấm vào môi trường đất, nước và không khí khi xử lý chôn lấp, đốt hoặc thải bỏ bừa bãi.
Hiện tỉnh tuy đã có bãi chôn lấp hợp vệ sinh, đội ngũ thu gom rác thải đạt yêu cầu. Nhưng do năng lực quản lý còn hạn chế, đội ngũ cán bộ thu gom, vận chuyển còn yếu và thiếu, kinh phí đầu tư không đủ, thiếu trang thiết bị do đó số lượng rác thu gom chỉ tập trung ở các chợ, cụm dân cư và một số hộ gia đình có thu nhập khá. Nên nhìn chung, công tác cải thiện tình trạng ô nhiễm do rác thải tại tỉnh chưa có sự thay đổi đáng kể.
Trước tình hình ô nhiễm môi trường tại địa phương ngày càng nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nông nghiệp như phát động chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”; “Thu gom chất thải nông nghiệp”; “Cộng đồng cùng loại trừ rác thải thuốc BVTV”; áp dụng biện pháp 1 phải 5 giảm, trồng hoa trên bờ ruộng lúa, vận động tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của nông dân.
16
Để chung tay cùng tỉnh nhà giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải nông nghiệp, huyện Châu Thành cũng tích cực tham gia các chương trình do tỉnh đề ra chẳng hạn như chương trình “Thu gom chất thải nông nghiệp”. Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Châu Thành phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp (Trường đại học An Giang) cùng nông dân các địa phương ra quân thu gom rác thải nông nghiệp tại 04 xã: Vĩnh Hanh, Vĩnh An, Bình Hòa và Bình Thành. Kết quả đã thu được 400kg chai nhựa, bao bì chứa thuốc BVTV xả trên đồng ruộng. Tuy nhiên vẫn chưa có chuyển biến tích cực, việc thu gom, xử lý chất thải rắn nguy hại từ vỏ chai, bao bì đựng thuốc BVTV chưa được thực hiện tốt, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe của người dân.