2.1.1.1 Vị trí địa lý
Hà Tây là một tỉnh nhỏ thuộc đồng bằng sông Hồng, bao quanh thành phố Hà Nội ở hai phía Tây và Nam, với 3 cửa ngõ vào thủ đô theo các quốc lộ 1A, 6 và 32. Diện tích toàn tỉnh là 2196,3 km2 đứng thứ 47 so với 64 tỉnh, thành phố, nhưng lại là tỉnh đông dân đứng thứ 5 trong cả nước.
Tỉnh Hà Tây được hình thành từ sự sáp nhập của tỉnh Hà Đông với tỉnh Sơn Tây cũ.
Tỉnh Hà Đông thành lập năm 1888 với tên gọi là tỉnh Cầu Đơ. Năm 1904, tỉnh đổi tên thành Hà Đông.
Sơn Tây là một trong tứ trấn của Bắc Hà.Trước đây thường được gọi là trấn Sơn Tây hay trấn Đoài. Đến năm 1831 thì gọi là tỉnh Sơn Tây.
Năm 1963, Hà Đông và Sơn Tây hợp nhất thành tỉnh Hà Tây. Cuối năm 1975 nhập thêm Hoà Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1992 tỉnh Hà Sơn Bình lại tách ra thành hai tỉnh Hà Tây và Hoà Bình. Đến bây giờ Hà Tây có 1 thành phố, 1 thị xã và 14 huyện với 27 phường, thị trấn và 295 xã.
Thành phố Hà Đông là tỉnh lỵ, trung tâm văn hoá, kinh tế của tỉnh, nhưng lại nắm sát Hà Nội và với sự mở rộng của Hà Nội về phía tây, trong vài năm tới thị xã sẽ trở thành ngoại ô của Thủ đô.
Thị xã Sơn Tây nằm bên bờ sông Hồng, giáp với tỉnh Vĩnh Phúc. Thị xã Sơn Tây có diện tích 113.5 km2, gấp 3.4 lần thành phố Hà Đông với số dân hơn 120 nghìn người.
Nằm sát cạnh Thủ đô nên Hà Tây có rất nhiều lợi thế. Hà Nội là thị trường tiêu thụ trực tiếp đối với nhiều loại sản phẩm nông – lâm - thuỷ sản, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, hàng thủ công mĩ nghệ của tỉnh. Hà Tây thuộc địa bàn mở rộng của Thủ đô, thông qua việc xây dựng các thành phố vệ tinh, chuỗi đô thị Miếu Môn – Xuân Mai – Sơn Tây đã trở thành mạng lưới gia công của các xí nghiệp ở Hà Nội. Có thể nói, Hà Tây vừa là lá chắn, vừa là vành đai sinh thái, là lá phổi xanh ở phía tây và phía nam của Hà Nội.
Ngoài ra, Hà Tây cón có lợi thế đó là nằm cạnh tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đồng thời cũng là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hoá giữa vùng Đồng bằng sông Hồng trù phú, giàu tiềm năng lao động với vùng núi Tây Bắc rất giàu tài nguyên nhưng thiếu vốn và thiếu lao động. Điều này có tác động trực tiếp tới sự hình thành cơ cấu và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tây, nhất là về du lịch.
2.1.1.2 Tài nguyên thiên nhiên
* Tài nguyên khoáng sản
Khoáng sản của Hà Tây nhìn chung nghèo, không có mỏ lớn, các mỏ chủ yếu là phi kim loại.
Khoáng sản kim loại có đồng đã được tìm thấy ở Đá Chông và Cư Yên (Ba Vì), sắt có một số mỏ ở Xuân Sơn và hai điểm quặng ở Kim Chung và Trung Thượng, trữ lượng dự đoán khoảng 3000 tấn. Hà Tây có tiềm năng về khoáng sản vàng, đã phát hiện được 6 điểm vàng gốc và hàng chục điểm vàng sa khoáng được phân bố thành một dải từ Bộc Lưa đến Ba Vì.
Các khoáng sản phi kim loại có mỏ Pyrit ở Ba Trại (Ba Vì) và một số điểm quặng ở Suối Lan, Xóm Nghĩa; mỏ photphorit ở Hương Tích và một số điểm trong các hang động cacxtơ, trữ lượng khoảng 16.602 tấn.
Khoáng sản nhiên liệu có than bùn khá phong phú, phân bố thành một dải từ Mỹ Đức đến Xuân Mai. Các lớp than bùn trữ lượng khoảng 27 triệu m3, có thể khai thác dễ dàng. Than bùn đã được nghiên cứu chế biến thành phân vi sinh ở Thượng Lâm (Mỹ Đức) để bón cho một số loại cây trồng, có tác dụng cải tạo đất và cho năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, Hà Tây cũng có rất nhiều đá vôi, được phân bố thành dải ở phía tây, quan trọng nhất là khu vực đá vôi ở Mỹ Đức có trữ lượng khoảng 100 triệu tấn. Ngoài ra, tỉnh còn có đá để ốp lát ở Chương Mỹ và nhiều cát, sỏi, đá ong dùng làm vật liệu xây dựng.
* Tài nguyên nước và sinh vật
Hà Tây có mạng lưới sông ngòi dày đặc, với nhiều con sông lớn chảy qua như sông Đà ở phía tây bắc, sông Hồng ở phía Đông, sông Đáy và các con sông nội địa khác như sông Tích, sông Con, sông Nhuệ phân bố đều trên lãnh thổ với mật độ khá cao (60 km/km2).
Nước ngầm ở Hà Tây tương đối dồi dào và nông, trong đó nước ngầm từ khu vực Chương Mỹ, Miếu môn, Trung Sơn và Xuân Mai có chất lượng tốt, dung lượng khá và sử dụng cho sinh học quy mô từ trung bình đến khá.
Có thể nói, tài nguyên nước của Hà Tây đa dạng và phong phú có thể cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Chất lượng nước chưa bị ô nhiễm, nếu xây dựng được hệ thống cấp nước hoàn chỉnh sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng. Tài nguyên rừng của Hà Tây tập trung ở vùng đồi gò và khu vực núi Ba Vì với gần 2000 ha rừng tự nhiên Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ, 7800 ha rừng trồng. Rừng Hà Tây có nhiều loài chim, thú và nhiều cây gỗ quý, đặc biệt tập trung ở vườn quốc gia Ba Vì.
* Tài nguyên đất đai và địa hình
Về đất đai, ở Hà Tây có nhiều loại đất khác nhau, trong đó 4 loại đất chính là: đất phù sa trong đê, đất phù sa ngoài đê, đất bạc màu và đất đồi núi.
Đất phù sa trong đê có độ phì cao, được hình thành từ phù sa của hai hệ thống sông lớn của tỉnh là sông Hồng và sông Tích. Đây là loại đất chiếm diện tích lớn nhất (132.945 ha, chiếm 62% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh). Vùng đất này có lịch sử canh tác lúa nước từ lâu đời, trình độ thâm canh cao. Đất có khả năng cho năng suất cao, hầu hết diện tích đất có cơ cấu hai vụ lúa và một vụ đông với các giống cây trồng có giá trị kinh tế và hàng hoá lớn.
Đất phù sa ngoài đê là loại đất được bồi thường xuyên, có độ phì cao, giá trị kinh tế lớn trong sản xuất nông nghiệp, nên được sử dụng triệt để và mang lại hiệu quả kinh tế. Loại đất này có 17.884 ha chiếm khoảng 8,3% diện tích tự nhiên toàn tỉnh
Đất bạc màu phát triển chủ yếu trên đất phù sa cổ, chủ yếu ở vùng bán sơn địa thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ. Tổng diện tích khoảng 18.158 ha.
Đất đồi núi tập trung ở khu vực đồi gò, có các cấp độ dốc khác nhau. Tổng diện tích khoảng 29.650 ha.
Hà Tây là tỉnh có nguồn tài nguyên đất tuy không lớn về diện tích, nhưng đa dạng về loại hình và có chất lượng khá cao, thích hợp với nhiều loại cây trồng như cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, với nhiều hệ thống canh tác có tưới hoặc không tưới, đồng cỏ chăn nuôi,.. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho Hà Tây trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
Về địa hình, địa hình chủ yếu ở Hà Tây là đồng bằng vùng đồi núi chỉ chiếm 1/3 diện tích toàn tỉnh. Địa hình Cacxtơ chỉ chừng 60km2 thuộc các huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức. Thế nhưng khu vực núi đá vôi này lại rất nổi tiếng về du lịch và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng. Đặc biệt, địa hình Cacxtơ ở Hương Sơn kéo dài từ Đục Khê đến chùa Thiên Trù, động Hương Tích với các chỏm núi có dạng tháp, dạng nón, trong đó có nhiều hang động rất kì thú. Nổi tiếng nhất là động Hương Tích, cửa hang rộng
33,6m. Trong hang rất phát triển các dạng tích tụ măng đá, mành đá, chuông đá rất đẹp như “Đụn Gạo”, “ Cây Vàng”,… Hang chùa Giải Oan rộng 9,2m, dài 7m, cao 7m, trong hang có “ Giếng Tiên” sâu 1,2m. Ngoài ra còn có hang Thiên Sơn, Hang Nước,…
Nhìn chung, Hà Tây có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên du lịch và tài nguyên khoáng sản (mà quan trọng là vật liệu xây dựng). Đây là hai nguồn lực lớn để xây dựng những ngành kinh tế mũi nhọn, cùng với công nghiệp chế biến nông sản sẽ tác động mạnh đến quá trình chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế.