Hòa giải các tranh chấp đất đa

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu kiện liên quan đến tranh chấp đất đai, đền bù và giải tỏa thực trạng và giải pháp (Trang 37 - 42)

Hòa giải các TCĐĐ là việc giải quyết tranh chấp được tổ chức theo phương thức hai bên cùng bàn bạc, thỏa thuận với nhau về những vấn đề có liên quan đến nội dung của tranh chấp với sự giúp đỡ của người thứ ba đóng vai trò trung gian hòa giải. Trong quá trình hòa giải, người trung gian sẽ phân tích, chỉ cho mỗi bên những lợi thế và điểm yếu của họ, cũng như nói rõ các quy định pháp luật liên quan để các bên cân nhắc và tự tìm ra một phương pháp giải quyết chung.

Khi phát sinh tranh chấp, khác với một số nước trên thế giới, ở Việt Nam, người dân có xu hướng không đưa các mâu thuẫn bất đồng ra giải quyết tại TAND mà thường tự thương lượng với nhau thông qua hòa giải, nhằm tìm một giải pháp thích hợp cho các bên. Chỉ khi việc hòa giải không

đem lại kết quả, họ mới khởi kiện ra TAND hoặc nhờ sự can thiệp của cơ quan công quyền.

Hòa giải trong nhân dân được Nhà nước khuyến khích, Điều 12 BLDS

2005 quy định: "Trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp

với quy định của pháp luật được khuyến khích".

Kế thừa các quy định của LĐĐ năm 1993 về hòa giải, LĐĐ năm 2003 tiếp tục đề cao phương thức hòa giải các TCĐĐ, đồng thời có những quy định mới hợp lý và cụ thể hơn:

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp...[29, Điều 135].

Qui định trên đã thể hiện sự khuyến khích của Nhà nước nhằm giúp các bên tìm ra một giải pháp tốt nhất để giải quyết một cách tốt nhất những mâu thuẫn, bất đồng trong quá trình sử dụng đất bằng sự tự nguyện, tự thỏa mâuận. Khi xảy ra tranh chấp, các bên phải chủ động gặp gỡ để hòa giải, nếu không thể thương lượng thỏa thuận được thì sẽ thông qua hòa giải ở cơ sở để giải quyết. Nếu hòa giải cơ sở vẫn không đạt được sự thống nhất thì các bên có quyền yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất để hòa giải [8, Điều 159].

UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải TCĐĐ. Thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn. Kết quả hòa giải phải lập thành văn bản, có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận hòa giải thành hoặc không thành của UBND cấp xã nơi có đất. Trường hợp kết quả hòa giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với TCĐĐ giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài

nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác. Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới GCN QSDĐ.

So với LĐĐ năm 1993, những quy định của LĐĐ năm 2003 về hòa giải các TCĐĐ rõ ràng và cụ thể hơn. Theo khoản 1 Điều 38 LĐĐ năm 1993, UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của mặt trận, các tổ chức kinh tế khác ở cơ sở và công dân hòa giải các TCĐĐ. Những quy định thiếu tính cụ thể này đã gây nên nhiều cách hiểu khác nhau về tính bắt buộc của hòa giải tại UBND xã trước khi các bên tranh chấp khiếu kiện lên cơ quan giải quyết có thẩm quyền của chính quyền cơ sở tại các địa phương. Có nơi xem hòa giải tại UBND xã là một thủ tục cần thiết bắt buộc, có nơi các bên tranh chấp lại có thể khiếu kiện trực tiếp lên cấp có thẩm quyền giải quyết TCĐĐ mà không nhất thiết phải qua hòa giải. Sự thiếu thống nhất trong quan điểm khiến cho các cơ quan có thẩm quyền không khỏi thấy lúng túng khi giải quyết, đồng thời phát sinh sự tùy tiện trong việc áp dụng thủ tục hòa giải các TCĐĐ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NSDĐ. Nhưng đến LĐĐ năm 2003, tình trạng đó đã được khắc phục. Luật đã quy định rõ quyền của các bên tranh chấp được tự hòa giải, nếu không thỏa thuận được thì thông qua hòa giải cơ sở để giải quyết tranh chấp, và nếu tiếp tục không thể hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp yêu cầu hòa giải. UBND xã không còn tham gia vào hoạt động giải quyết TCĐĐ với tư cách là trung gian hòa giải nữa mà có trách nhiệm tổ chức việc thực hiện hòa giải các TCĐĐ. Hòa giải tại UBND cấp xã là một thủ tục bắt buộc, các tranh chấp sẽ chỉ được tiếp tục giải quyết tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nếu sau khi hòa giải không thành.

Hiệu quả của hòa giải các TCĐĐ

Theo thống kê của chuyên đề kết quả khảo sát thực địa điều tra xã hội về hộ gia đình và QSDĐ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tháng 3/2000,

giải pháp phổ biến nhất mà các bên tranh chấp lựa chọn khi giải quyết TCĐĐ là thương lượng với nhau, chiếm tỉ lệ 79,8% số hộ gia đình được hỏi, thứ hai là đề nghị chính quyền can thiệp (chủ yếu là UBND), và thứ ba là hòa giải có mặt của người thứ ba.

Kết quả trong 3 năm (2000-2003), tỷ lệ hòa giải thành các vụ tranh chấp về đất đai, nhà ở trên địa bàn Hà Nội đạt 75% (6.431/8.577) [40].

Như vậy, hòa giải là một trong các biện pháp mang lại hiệu quả và được các bên tranh chấp ưu chuộng sử dụng nhất. Hòa giải có thể thu được kết quả như vậy, xuất phát từ các lý do sau:

i) Hòa giải phù hợp với nguyên tắc tôn trọng và đề cao sự tự do thỏa thuận giữa các bên trong nền kinh tế thị trường. Khác với việc giải quyết TCĐĐ thông qua các cơ quan công quyền, hòa giải TCĐĐ không mang tính bắt buộc, cưỡng chế thi hành, thể hiện sự tự do thỏa thuận ý chí giữa các bên.

ii) Xuất phát từ truyền thống của xã hội Việt Nam, người dân rất coi trọng các giá trị đạo đức. Các quan hệ xã hội bị chi phối mạnh bởi các giá trị đạo đức, phong tục tập quán hơn là các quy định pháp luật. Suốt bao đời nay, người dân sống trong các đơn vị làng xã, luôn ý thức giữ gìn đoàn kết giữa các thành viên, giữ quan hệ khăng khít giữa các thành viên trong cộng đồng. Đây chính là môi trường thuận lợi để hòa giải ra đời, phát huy tính hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp mà đặc biệt là giải quyết TCĐĐ.

iii) So với các cách thức giải quyết khác, giải quyết TCĐĐ thông qua hòa giải có một ưu thế rất lớn đó là tính linh hoạt, mềm dẻo, ít tốn kém về thời gian và vật chất, thủ tục đơn giản, tiện lợi. Ngoài ra, xuất phát từ chính tâm lý của người dân rất e ngại pháp luật và luôn hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của các cơ quan công quyền, đặc biệt là Tòa án. Do vậy, hòa giải thường được các bên sử dụng trong việc giải quyết các TCĐĐ.

iv) Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở năm 1998 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hòa giải đạt kết quả cao hơn. Các tổ chức hòa giải cơ sở

đã phát huy được vai trò của mình, cơ quan tư pháp ở địa phương thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên. Tủ sách pháp luật xã, phường được chính quyền cơ sở quan tâm, bổ sung kịp thời các chính sách, chủ trường pháp luật đến các cán bộ tổ dân phố, các hòa giải viên thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao...

Tuy nhiên, giải quyết các TCĐĐ thông qua hòa giải cũng có những hạn chế nhất định. Hòa giải giữa các bên không phải lúc nào cũng thực hiện được. Trên thực tế, hòa giải TCĐĐ thường chỉ được áp dụng đối với các vụ việc xảy ra ban đầu, mang tính đơn giản. Đối với các vụ việc phức tạp, thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết: thiếu hồ sơ địa chính, sao trích lục... thì tổ hòa giải cơ sở cũng như UBND xã cũng khó có thể hòa giải được. Hòa giải thường không triệt để do dựa trên tinh thần tự nguyện của các bên mà không được đảm bảo thực hiện bởi một cơ chế nào. Thường sau một thời gian sau khi hòa giải thành, các bên lại tự ý phá vỡ các cam kết, tiếp tục tranh chấp, mà lần tranh chấp lần sau lại quyết liệt và gay gắt hơn. Bên cạnh đó, trình độ của các thành viên tổ hòa giải vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều cán bộ vẫn còn thiếu trình độ pháp luật, kỹ năng hòa giải cũng là một trong những hạn chế của công tác hòa giải hiện nay.

Ý nghĩa của hòa giải các TCĐĐ

Giải quyết các TCĐĐ thông qua hòa giải dựa trên tinh thần định đoạt của các bên, giúp cho các tranh chấp được giải quyết một cách nhanh chóng. Các tranh chấp được giải quyết có tình có lý, dựa trên tinh thần "tương thân tương ái", phù hợp với các giá trị đạo lý tốt đẹp của dân tộc, đảm bảo đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Những người tham gia hòa giải là người sống trong cùng một cộng đồng dân cư, gần gũi và được tiếp xúc với tranh chấp, do đó họ hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, thậm chí cả những nguyên nhân tế nhị. Vì thế, họ có thể giúp đỡ, hướng dẫn nhau đạt được sự thỏa thuận, tự nguyện giải quyết tranh chấp trên cơ sở công bằng và tôn trọng pháp luật.

Sau khi hòa giải thành, quan hệ giữa các bên được khôi phục, thậm chí là hiểu và thông cảm với nhau hơn, chuyển từ thái độ đối đầu sang hợp tác. Có thể nói, hòa giải là phương thức giải quyết TCĐĐ một cách thuận tiện. Ngoài ra, nếu hòa giải thành có nghĩa là giải quyết xong vụ tranh chấp, hạn chế sự phiền hà, tốn kém cho các bên, giảm bớt công việc cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết tranh chấp. "Mục đích của hòa giải là chuyển cuộc đấu tranh chung". "Một vụ hòa giải thành, hai bên đều là người thắng cuộc".

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu kiện liên quan đến tranh chấp đất đai, đền bù và giải tỏa thực trạng và giải pháp (Trang 37 - 42)