Giải quyết tranh chấp đất đai thông qua đền bù dân sự

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu kiện liên quan đến tranh chấp đất đai, đền bù và giải tỏa thực trạng và giải pháp (Trang 55 - 58)

b) Thẩm quyền giải quyết TCĐĐ của TAND

2.1.2.Giải quyết tranh chấp đất đai thông qua đền bù dân sự

Theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP thì nội dung của công tác đền bù GPMB bao gồm:

* Đối tượng phải đền bù thiệt hại

Tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (gọi chung là NSDĐ) để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về đất và tài sản trên đất.

* Đối tượng được đền bù thiệt hại

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước có đất bị thu hồi gọi chung là người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Người được bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi phải là người sở hữu hợp pháp tài sản đó, phù hợp với quy định của pháp luật.

Việc sử dụng đất phục vụ cho các công trình công ích của làng, của xã bằng hình thức huy động sự đóng góp của dân thì không áp dụng những quy định này.

* Phạm vi bồi thường thiệt hại

Bồi thường thiệt hại về đất cho toàn bộ diện tích đất bị thu hồi

Bồi thường thiệt hại về tài sản hiện có bao gồm cả các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn liền với đất thu hồi.

Trợ cấp đời sống và sản xuất cho những người phải di chuyển chỗ ở, di chuyển địa điểm sản xuất kinh doanh.

Trả chi phí chuyển đổi nghề nghiệp cho người có đất bị thu hồi mà phải chuyển nghề nghiệp.

Trả các chi phí phục vụ trực tiếp cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, di chuyển GPMB.

* Trình tự thủ tục tiến hành

Thành lập hội đồng đền bù GPMB được thành lập ở cấp quận, huyện, thị xã thành phố trực thuộc tỉnh trên cơ sở chỉ đạo của UBND cấp tỉnh thành trực thuộc trung ương. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm thẩm định phương án đền bù sau đó trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại GPMB cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Hội đồng đền bù thiệt hại GPMB phải có trách nhiệm lập phương án đền bù để trình lên Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt nhằm lựa chọn phương án đền bù để tổ chức thực hiện.

Khi thành lập phương án đền bù, nếu dự án đầu tư bằng ngân sách Trung ương, trước khi được UBND cấp tỉnh phê duyệt, phải báo cáo phương án đền bù với Bộ Tài chính. Trong quá trình tiến hành quy trình tổ chức thực hiện đền bù thiệt hại thì việc tạo lập quỹ đất, quỹ nhà, quỹ tiền mặt là quan trọng nhất và là công việc đầu tiên.

* Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về đất

Người bị Nhà nước thu hồi đất có đủ điều kiện quy định tại Điều 8 của Nghị định số 197/2004/NĐ-CP thì được bồi thường; trường hợp không đủ điều kiện được bồi thường thì UBND cấp tỉnh xem xét, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh) xem xét hỗ trợ.

Người bị thu hồi đất đang sử dụng vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất

để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị QSDĐ tại thời điểm có quyết định thu hồi; trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới hoặc bằng nhà, nếu có chênh lệch về giá trị thì phần chênh lệch đó được thực hiện thanh toán bằng tiền.

Trường hợp NSDĐ bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai thì phải trừ đi khoản tiền phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường, hỗ trợ để hoàn trả ngân sách nhà nước.

* Các hình thức đền bù thiệt hại

- Đền bù thiệt hại GPMB bằng quỹ đất

Các địa phương giành một quỹ đất đã có cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho công tác đền bù thiệt hại về đất. Phần nhà được đền bù bằng tiền cùng với các khoản hỗ trợ khác. Các hộ dân bị giải tỏa di chuyển đến nơi được bố trí đất để đền bù mới, tự lo việc xây dựng nhà ở cho mình theo quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền. Với phương án này, chúng ta khó có thể tạo ra được các khu dân cư hiện đại. Khi cần thiết thực hiện quy hoạch khu vực này theo dự án, chúng ta lại phải giải tỏa tốn kém và phức tạp.

- Đền bù thiệt hại GPMB bằng quỹ nhà ở

Trước khi có quyết định thu hồi đất, các địa phương cần chuẩn bị trước quỹ nhà ở đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thực hiện cho công tác đền bù thiệt hại về nhà ở. Phần nhà ở được dùng đền bù thiệt hại phải đảm bảo hệ thống điện sinh hoạt, hệ thống cấp thoát nước hoàn chỉnh. Mặt khác phải đảm bảo các công trình phục vụ ở cùng được hoàn thành đồng bộ như trường học, bệnh viện, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí… Ngoài ra người được đền bù thiệt hại còn được cấp thêm một khoảng tiền hỗ trợ di chuyển đến nơi ở mới có như thế mới đảm bảo cho người dân đảm bảo ổn định cuộc sống, dự định nguồn thu nhập, yên tâm di chuyển đến nơi ở mới góp phần thúc đẩy tiến độ hoàn thành dự án.

- Đền bù thiệt hại GPMB cho người dân bằng quỹ tiền mặt

Trường hợp các địa phương không có quỹ đất, quỹ nhà ở thì người dân trong phạm vi giải tỏa được đền bù hoàn toàn bằng tiền theo giá trị thực tế của đất tại thời điểm thu hồi. Phần nhà ở được đền bù thỏa đáng bằng tiền theo giá trị chất lượng thực tế còn lại trên cơ sở kết quả đánh giá của hội đồng giám định chất lượng. Ngoài ra, chủ dự án còn hỗ trợ cho đối tượng được đền bù một số khoản chi phí hỗ trợ khác. Sau khi nhận đầy đủ số tiền mặt bồi thường thiệt hại, các hộ dân bị giải tỏa tự lo nhà ở cho mình tùy theo yêu cầu mỗi hộ dân.

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu kiện liên quan đến tranh chấp đất đai, đền bù và giải tỏa thực trạng và giải pháp (Trang 55 - 58)