Khả năng tự cân đối ngân sách cấp xã ở tỉnh Vĩnh Long thấp. Số liệu ngân sách cấp xã trong giai đoạn 2011 - 2013 cho thấy 100% (107/107 xã) ở tỉnh Vĩnh Long không đạt tự cân đối, phải sử dụng các nguồn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên để đạt cân đối.
Khi thay đổi tỷ lệ (%) phân chia cho ngân sách cấp xã các nguồn thu phân chia giữa ngân sách cấp xã và ngân sách cấp trên thì ngân sách một số xã đạt tự cân đối. Với tỷ lệ (%) phân chia cho ngân sách cấp xã là 70%, thì có 26,17% (28/107) số xã đạt tự cân đối; với tỷ lệ (%) phân chia cho ngân sách cấp xã là 100% thì có 30,84% (33/107) số xã đạt tự cân đối.
4.1.2. Về các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự cân đối ngân sách cấp xã tỉnh Vĩnh Long Vĩnh Long
Đề tài đã sử dụng phương pháp phân tích nhân tố và hồi quy đa biến để phân tích các yếu tố tác động đến khả năng tự cân đối ngân sách cấp xã tỉnh Vĩnh Long và thu được kết quả như sau:
Một là, kết quả nghiên cứu cho thấy có 14 yếu tố được phân vào 5 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tự cân đối ngân sách cấp xã tỉnh Vĩnh Long. Các nhóm nhân tố này có quan hệ đồng biến và có ý nghĩa thống kê 1%, xếp theo mức độ ảnh hưởng từ mạnh đến yếu là: (1) F2 - Phân cấp nguồn thu (0,365); (2) F4 - Yếu tố bên ngoài (0,304); (3) F1 - Quản lý ngân sách của cấp xã (0,248); (4) F3 - Quản lý đối tượng nộp thuế (0,235); (5) F5 - Chính sách động viên, khen thưởng (0,187).
Hai là, mô hình nghiên cứu cho thấy các nhân tố các biến trong mô hình giải thích đến 82,9% khả năng tự cân đối ngân sách cấp xã và ủng hộ các giả thuyết cho
rằng khi các nhân tố này càng được cải thiện thì khả năng tự cân đối ngân sách cấp xã càng cao. Các yếu tố khác không được đề cập đến trong mô hình có thể giải thích đến 17,1% biến động đến khả năng tự cân đối ngân sách cấp xã.