ngân sách theo hướng phân cấp nhiều hơn cho địa phương nhằm phát huy quyền làm chủ, năng động, sáng tạo của địa phương.
a) Nhận thức rõ tính tất yếu khách quan của quá trình trình phi tập trung hóa với các nội dung phân cấp- phân quyền – tự quản địa phương trong
điều kiện mới của đất nước.
- Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, cải cách nền hành chính nhà nước và hội nhập quốc tế, thực hiện phân cấp, phân quyền ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn tiến đến tự quản địa phương là yêu cầu có tính quy luật, không thể trì hoãn được. Đó là quá trình chuyển đổi phương thức thực thi quyền lực nhà nước tập trung quan liêu sang dân chủ; là chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn từ chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương các cấp nhằm mục tiêu hiệu quả. Phân cấp, phân quyền không có nghĩa là làm giảm vai trò của Trung ương mà ngược lại Trung ương làm đúng việc phải làm là xây dựng chính sách, pháp luật và giải quyết các vấn đề có tính chiến lược, đồng thời thúc đẩy tính độc lập, chịu trách nhiệm trong quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương các cấp.
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tự quản chính quyền địa phương gắn liền với việc thiết lập chính quyền Trung ương đủ mạnh, có hiệu lực và hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, cùng với cơ chế phát huy dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các tổ chức xã hội tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước. Thực hiện phân cấp, phân quyền, tự quản địa phương phải bảo đảm: 1) Thẩm quyền quyết định của Hội đồng dân cử; 2) Trách nhiệm giải trình; 3) Sự tuân thủ các qui định của pháp luật; 4) Công khai, minh bạch, sự giám sát của người dân; 5) Trình độ, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; 6) Cơ chế tài phán của tòa án.
b) Xác định rõ mục tiêu của phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương trong mô hình nhà nước Việt Nam thống nhất, đơn nhất. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa chính quyền địa phương các cấp trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ, đồng thời đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của từng cấp, từng ngành. Theo đó, cần quán triệt các quan điểm sau:
- Thực hiện quản lý nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm Chính phủ quản lý thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, thanh tra, kiểm tra; đồng thời phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
- Tuân thủ nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ những nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, ngành với nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền cấp tỉnh đối với các hoạt động KTXH trên địa bàn lãnh thổ;
- Bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện; phân cấp, phân quyền phải rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, gắn với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mỗi cấp;
- Phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong từng giai đoạn, đặc thù của ngành, lĩnh vực và khả năng quản lý, điều hành của chính quyền từng cấp và điều kiện, khả năng cân đối các nguồn lực cần thiết để thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các ngành, lĩnh vực;
- Bảo đảm thực quyền của HĐND và trách nhiệm UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc quyết định thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đồng thời phát huy dân chủ rộng rãi để nhân dân tham gia quản lý nhà nước;
- Tăng cường hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra của Chính phủ đối với chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm minh.
c) Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và Luật Tổ chức Chính phủ theo hướng điều chỉnh chức năng của Chính phủ đúng với vai trò là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.
Chính phủ tập trung vào hoạch định thể chế, chính sách, xây dựng giải pháp, cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động KTXH; nâng cao năng lực và hiệu quả chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, thanh tra thực hiện thể chế. Chính phủ thống nhất quản lý quy hoạch phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, quyết định đầu tư công từ ngân sách của trung ương, chỉ ủy quyền cho chính quyền tỉnh quản lý trong trường hợp thật cần thiết.
Hoàn thiện quy chế phân cấp, phân quyền về đầu tư, bảo đảm quản lý tập trung và thống nhất về quy hoạch, định hướng phát triển, cơ chế, chính sách và cân đối nguồn lực một cách chủ động; về khai thác khoáng sản, quản lý tài nguyên nước, đất trồng lúa. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước theo định hướng phân cấp, phân quyền về NSNN gắn với phân cấp, phân quyền quản lý KTXH; điều chỉnh tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa NSTW và NSĐP và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới trong thời kỳ ổn định.
d) Sửa đổi, bổ sung quy định của Hiến pháp 1992 tạo cơ sở pháp lý xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo nguyên tắc phân biệt chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn và bảo đảm quyền tự chủ, tự
chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quyết định và tổ
chức thực hiện chính sách, pháp luật trong phạm vi được phân cấp, phân quyền.
- Phân chia đơn vị hành chính – lãnh thổ gồm 2 cấp: cấp tỉnh và cấp cơ sở có tổ chức HĐND và được phân quyền; huyện, quận, phường không phải là cấp hành chính, chỉ tổ chức cơ quan hành chính thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền hoặc tản quyền. Theo đó, sửa đổi khoản 3 Điều 115 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau: “Việc tổ chức Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính tại các đơn vị hành chính lãnh thổ trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do luật định, phù hợp với đặc điểm của từng loại đơn vị hành chính lãnh thổ và yêu cầu phân cấp, phân quyền”.
- Sửa đổi khoản 1 Điều 116 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau “Hội đồng nhân dân quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương”.
- Bổ sung khoản 3 Điều 116 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương do Luật định theo nguyên tắc bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong phạm vi được phân cấp, phân quyền”.
- Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương các cấp theo 3 nhóm nhiệm vụ cơ bản: 1) tổ chức thực hiện pháp luật và các quyết định của cấp trên; 2) phối hợp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ của trung ương trên địa bàn; 3) thực hiện các nhiệm vụ mang tính tự quản của địa phương. Những nhiệm vụ đã phân cấp có tính ổn định cho chính quyền địa phương và được thực hiện có hiệu quả thười gian qua cần được quy định rõ trong Luật theo hướng phân quyền.
- Phân biệt sự khác nhau giữa đô thị và nông thôn, để thực hiện phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc điểm, tính chất của mỗi loại hình địa phương. Khác với nông thôn, mỗi đô thị là một chỉnh thể KTXH thống nhất, ràng buộc chặt chẽ và phụ thuộc trực tiếp vào nhau, không thể chia cắt, do đó bộ máy hành chính nhà nước ở đô thị phải mang tính tập trung, thống nhất, vận hành thông suốt, nhanh nhạy và không thể bị cắt khúc theo kiểu cát cứ như ở nông thôn. Vì vậy, không thể phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền trong nội bộ đô thị (thành phố trực thuộc trung ương – quận – phường) hoặc tỉnh – thị xã, thành phố (thuộc tỉnh) – phường giống như phân cấp, phân quyền ở chính quyền nông thôn (tỉnh – huyện – xã). Trong nội bộ đô thị, cần áp dụng cơ chế uỷ quyền, tản quyền của chính quyền thành phố, thị xã cho các cơ quan quản lý hành chính cấp dưới (quận, phường) thực thi một số nhiệm vụ quản lý hành chính cụ thể; tổ chức các cơ quan hành chính ở quận, phường như là “cánh tay nối dài” của cơ quan hành chính thị xã, thành phố.
Đ) Nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức chính quyền tự quản của các nước trên thế giới, vận dụng vào tổ chức chính quyền xã của Việt Nam
Chính quyền xã, thị trấn được xác định là cấp cơ sở, gần dân nhất, nơi dân trực tiếp trước tiên để giải quyết các công việc hành chính như chứng nhận, xác thực, đăng ký…; tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Cấp xã cũng là nơi có nhiều vấn đề phải được giải quyết thông qua cộng đồng như xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng đường sá đi lại, công trình phúc lợi, các vấn đề về văn hoá, xã hội…Mặt khác, xã là nơi các cộng đồng dân cư sinh sống, được hình thành và gắn bó thông qua quan hệ láng giềng, có nhiều mối quan hệ rất cần được giải quyết không chỉ trên cơ sở pháp luật mà còn cả trên cơ sở đồng thuận và tự nguyện, tự quản. Vì vậy, cần phân quyền nhiều hơn theo hướng bảo đảm quyền tự quản địa phương cho chính quyền xã, thị trấn liên quan đến các vấn đề của cộng đồng dân cư thuộc thẩm quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm của HĐND xã, thị trấn; Các hình thức thực hiện quyền lực của nhân dân ở xã, thị trấn (trưng cầu ý dân).